Muốn cắt bỏ bướu cổ, bệnh nhân phải tuân theo chỉ định của bác sĩ (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: I.T
|
Bướu giáp thường được phát hiện với triệu chứng là có một khối u ở cổ (nên còn gọi là bướu cổ), sờ có ranh giới rõ, không dính vào da, không đau, mềm hay chắc, di động theo nhịp nuốt lên xuống.
Ai là người bị bướu cổ?
Bướu giáp là một bệnh rất hay gặp, đặc biệt ở nữ giới do những biến loạn về nội tiết và tâm lý hay vì thiếu hoặc thừa i-ốt trong khẩu phần ăn. Bác sĩ Nguyễn Tân Phú – Khoa Ngoại lồng ngực – Mạch máu – Bướu cổ (Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM) cho biết: “Bướu có thể phát triển bên thùy trái (hoặc phải) và có người bị cả hai bên thùy”. Cũng theo bác sĩ Phú, một nguyên nhân khác gây ra bướu cổ là do rối loạn kích thích tố hoặc do chất kháng giáp. Tuyến giáp nằm ở phía trong phần cổ có chức năng sinh trưởng, chuyển hóa và phát triển trí tuệ. Tuyến giáp bình thường (không phát triển thành u to) nhưng khi tiết ra quá nhiều hoócmôn giáp trạng cũng có thể gây nên những rối loạn về chuyển hóa toàn thân.
Cách đây hai năm, anh H.T nghi mình bị bướu cổ nên đi bệnh viện khám. Đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định, anh được bác sĩ Khoa Ngoại chẩn đoán bướu phần mềm cổ và chỉ định siêu âm. Theo kết quả siêu âm, tổn thương được mô tả là: Thùy phải có nhân echo kém, giới hạn rõ, bờ đều. Thế nhưng, ở thùy trái lại to có nhân echo hỗn hợp chiếm hết gần thùy, phân bố mạch mạnh nên kết luận cuối cùng là bệnh nhân bị đa nhân giáp. Do mới phát hiện nên các bác sĩ không chỉ định thuốc đặc trị và cho người bệnh về nhà tiếp tục theo dõi. Theo bác sĩ Vũ Quang Việt – Bệnh viện Nhân dân Gia Định thì: “Bướu đa nhân là trong lòng tuyến giáp đã xuất hiện một số nhân. Do cấu trúc bị thay đổi nên có khả năng thay đổi cả chức năng nội tiết tố tuyến giáp. Tuy nhiên, dù bướu to có ranh giới rõ nhưng không gây chèn ép hay làm cho người bệnh khó thở. Và nếu xét nghiệm thấy chức năng tuyến giáp bình thường thì cũng không cần phải mổ để cắt bỏ”.
Bác sĩ Phan Thị Minh Nguyệt – Bệnh viện TP.Vinh giải thích: “Bướu đa nhân thường lành tính, rất ít khi tiến triển thành ung thư như bướu đơn nhân. Cho nên bệnh nhân cũng đừng quá lo lắng nếu mình bị bướu đa nhân ở cổ”. Theo bác sĩ Nguyệt, bướu đơn nhân chỉ có một bướu, phần còn lại của tuyến giáp không bị phì đại, tỷ lệ mắc bệnh cũng rất thấp nhưng tỷ lệ nữ gấp 4-5 lần nam giới. Nguyên nhân của bướu đơn nhân chưa rõ, nhưng chủ yếu là thiếu hoặc dư i-ốt hoặc do sự thay đổi của các yếu tố tăng trưởng tế bào. Đặc điểm chung của hai loại bướu này thường di chuyển khi nuốt nước bọt và có hạch to (viêm và không viêm) ở hai bên cổ. Muốn xác định rõ loại bướu nào và có tế bào ung thư hay không, cách duy nhất là bệnh nhân phải đến bệnh viện để xét nghiệm tế bào học.
Khi nào thì mổ bướu?
Về phương pháp điều trị bướu giáp, theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, đơn giản nhất là dùng thuốc kháng giáp, chiếu tia phóng xạ nếu thấy không cần thiết phải mổ. Thế nhưng, nếu bướu phát triển quá to ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và gây khó thở do chèn khí quản, thực quản và mạch máu thì cần phải được cắt bỏ kịp thời. Các trường hợp nghi ung thư thì phải điều trị bằng thuốc cho tạm ổn định rồi sau đó bắt buộc cắt thùy, eo tuyến và có thể cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp để chữa tận gốc. Như vậy, bệnh nhân không phải chờ đến lúc có triệu chứng đau đớn mới phẫu thuật bướu cổ. Tất cả đều do bác sĩ điều trị quyết định.
Tháng 6-2011, do được chẩn đoán bướu – e04 nên chị Nguyễn Thị T. (Đồng Nai) phải mổ bướu giáp nhân thùy. Mặc dù được bác sĩ tư vấn việc phẫu thuật không đau nhưng chị vẫn lo vì sợ các biến chứng. Tuy nhiên, nỗi lo của chị đã được giải tỏa khi ca mổ rất thành công. Vết mổ nằm sát đường ngấn cổ nên khó phát hiện sẹo mặc dù chị mới xuất viện 5 tuần và chỉ uống 2 đợt thuốc sau phẫu thuật. Và theo lời khuyên của bác sĩ Phú, sau 6 tháng bệnh nhân nên tái khám để kiểm tra tuyến giáp, đặc biệt là chức năng hoạt động nội tiết của gan có bình thường hay không để có hướng can thiệp kịp thời.
Phan Ngọc Quang
Bình luận (0)