Chế biến khoai lang xuất khẩu tại nhà máy Nông sản An San của Fimex VN. Ảnh: Hồ Hùng. |
Chuyện Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN), tỉnh Sóc Trăng, một trong những công ty chuyên xuất khẩu tôm lâu nay, mở thêm Nhà máy Nông sản An San để chế biến ớt, khoai lang… xuất khẩu hồi tháng 12-2008 là điều gây bất ngờ cho nhiều doanh nghiệp.
Vạn sự khởi đầu nan!
Từng đống ớt, khoai lang… chất đầy trên những chiếc bàn dài, cạnh đó là hàng trăm công nhân đang thoăn thoắt cắt, gọt khoai thành từng miếng nhỏ đều đặn để đưa vào chế biến.
Dẫn khách tham quan một lượt nhà máy, trong lúc khách vẫn còn ngỡ ngàng về dây chuyền chế biến khá chuyên nghiệp cùng sự lành nghề của đội ngũ công nhân có chưa đầy ba tháng kinh nghiệm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Fimex VN, cho biết: “Vẫn phải vừa làm, vừa học, nói chung là đang tập dượt. Chúng tôi bắt đầu từ “tay trắng” mà! Từ quy trình chế biến, tiêu chí sản phẩm… phải đi học mỗi chỗ một ít, góp nhặt lại. Lúc thì ra nước ngoài tìm hiểu, khi thì nhờ mấy doanh nghiệp bạn mách nước… mà chọn lọc để đưa ra quy trình chế biến tốt nhất”.
Trong những phân xưởng hơi lạnh tỏa không ngừng nghỉ, công nhân cắt, gọt luôn tay. Nhà máy hiện chỉ mới có khoảng 11 mặt hàng chế biến chủ lực như gừng, khoai lang, ớt, cà… nhưng đó đều là những sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất sang Nhật. “Cái gì bán được cho thị trường Nhật thì có thể tự tin bán cho toàn thế giới”, ông Lực khẳng định.
Năm 2009 này, nhà máy nhận hợp đồng cung ứng 1.000 tấn sản phẩm cho một đối tác Nhật. “Ít, nhưng được như vậy là tốt rồi, bởi nguyên liệu hiện không đủ”, ông Lực nói. Nguyên liệu!
Đó cũng chính là chuyện mà giới kinh doanh ở Sóc Trăng gần đây thì thầm bàn tán, khi nói về nhà máy chế biến nông sản của ông Lực. Họ nói chẳng hiểu ông nghĩ gì khi xây nhà máy công suất ban đầu 5.000 tấn/năm, nhưng lại không có… vùng nguyên liệu? Mà thiệt. Ông Đinh Văn Thới, Phó giám đốc nhà máy, cho biết mấy tháng nay phải mua khoai lang tận Lâm Đồng, chấp nhận tốn thêm chi phí vận chuyển bình quân 600 đồng/ki lô gam nguyên liệu.
Thực ra ông Lực đã tính hết, chỉ có điều không gặp… may. Số là hồi tháng 7-2008, ông đã cho nhập từ Nhật 2 tấn khoai lang giống, tính đem trồng trong khoảng bốn tháng có thể thu hoạch, cùng lúc nhà máy khánh thành, vậy là ổn! Bàn bạc, thỏa thuận đâu đó xong xuôi, dè đâu gặp lúc lúa có giá, nông dân dẹp hết mớ khoai giống nhà máy đưa, ào ạt trồng lúa tiếp. Ông Lực ngớ người. Nhưng chẳng lẽ để công nhân rỗi việc, đơn hàng của khách dẹp xó? Vậy là chỉ có cách chịu khó lên Lâm Đồng – nơi có trồng khoai lang Nhật, mua nguyên liệu.
“Nhưng giờ thì tạm ổn rồi. Hiện nhà máy đã xây dựng được vùng nguyên liệu 80 héc ta khoai lang, 40 héc ta đậu bắp ở huyện Vĩnh Châu và Cù lao Dung. Chỉ thêm mỗi việc làm sao nâng lên được 600 héc ta khoai, cộng thêm 100 héc ta đậu bắp là khỏe”, ông Lực hớn hở.
Ông tin rằng, chuyện này sẽ không khó, bởi nhà máy đã có, hoạt động tấp nập, nông dân sẽ tin tưởng mà trồng theo hợp đồng bao tiêu. Nhà máy đưa giống, hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/héc ta, cộng thêm ngân hàng cũng hợp lực “bơm” vốn, nông dân chắc chẳng quay lưng. Mà ông Lực tính, giá bao tiêu mỗi ki lô gam khoai là 4.000 đồng, tương đương giá lúa, thời gian trồng như nhau, nhưng trồng khoai năng suất được gấp đôi, nông dân nào cũng có thể tính được…
“Nhưng nói thiệt, bây giờ chúng tôi không dám nghĩ đến chuyện lời lỗ, bởi đây vẫn là thời điểm tạo dựng lòng tin với khách hàng”, ông Lực nói. Từ lúc hoạt động đến nay, nhà máy mới xuất được khoảng 300 tấn sản phẩm, chủ yếu sang Nhật, nhưng cốt là để chào hàng. Bởi theo tính toán của ông, giá bán quy ra chỉ khoảng 16.000 đồng/ki lô gam sản phẩm, trong khi trừ công chế biến, chi phí vận chuyển… thì chỉ còn 2.000-3.000 đồng – không cách nào đủ mua 2 ki lô gam khoai nguyên liệu để chế biến.
“Khi khách hàng tin, thị trường phong phú, lúc đó tính đến chuyện xây dựng lại giá bán cũng chưa muộn”, ông Lực nghĩ vậy. Ngoài một số khách hàng ở Nhật, Hàn Quốc, ông Lực đang lập kế hoạch xuất sản phẩm vào các nước châu Âu.
Tự tin với bước chuyển mới
"Cái gì bán được cho thị trường Nhật thì có thể tự tin bán cho toàn thế giới". Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Fimex VN |
Chưa thu được đồng lời nào từ 2,5 triệu đô la Mỹ đầu tư vào nhà máy, nhưng đến thời điểm này, ông Lực vẫn cho rằng mình đã tính đúng. Lợi thế cạnh tranh của con tôm Việt Nam ngày càng giảm, cứ “ôm” nó thì doanh nghiệp lấy gì “sống”, công nhân lấy đâu việc để làm.
Trong khi đó, trong ba nhóm sản phẩm là đạm, béo và chất xơ, nhóm sản phẩm chất xơ có xu hướng tiêu thụ ngày càng ổn định do nguồn cung ít dần. Và nhà máy An San ra đời không nằm ngoài mục đích cung ứng nguồn hàng có chất xơ cho các nước có nhu cầu.
Thực tế cho thấy, ít nhất là tại thời điểm này, ông Lực đã đúng. Từ những tháng cuối năm 2008, hàng thủy sản xuất khẩu Việt Nam lao đao, đơn hàng ít dần. Những tháng đầu năm 2009, nhiều nhà máy ở Cà Mau chỉ hoạt động 30% công suất, hàng ngàn công nhân phải nghỉ chờ việc… Tính toán sơ bộ, đến thời điểm này toàn vùng ĐBSCL đã có khoảng 20.000 công nhân thủy sản mất việc. Ngay nhà máy chế biến tôm của Fimex VN cũng gặp khó. Nhưng chẳng hề gì! Cứ thiếu việc bên thủy sản, Ban tổng giám đốc Fimex VN lại “điều” công nhân sang nhận việc ở nhà máy nông sản.
“Khoảng 300 công nhân đang có việc làm ổn định tại An San”, ông Đinh Văn Thới cho biết. Rồi nhà máy chế biến thủy sản có ba máy nén, nhưng do thiếu đơn hàng nên hoạt động không hết công suất, vậy là cho gỡ ngay một máy lắp cho nhà máy chế biến nông sản, vừa tận dụng tối đa máy móc, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư cho nhà máy mới…
“Thương trường như chiến trường, mà chiến trường này ngày càng ác liệt. Phải có sự chuẩn bị, đón đầu cho tốt”, ông Lực nói. Ông kể, thực ra ông có ý định đầu tư nhà máy chế biến nông sản từ năm 1997. Nhưng lúc đó phong trào xây nhà máy chế biến tôm đang rộ, vậy là Fimex VN phải tạm quên lĩnh vực nông sản. Nhưng từ năm 2005, dự đoán sớm muộn gì con tôm cũng gặp khó, ông Lực đã âm thầm tìm hiểu, quay trở lại ý tưởng cũ.
“Lúc đó cũng đắn đo lắm. Phải xác định mặt hàng. Cái gì cũng bán được, nhưng phải tìm thứ có lợi thế về năng suất, chất lượng. Rồi phải tính tới thị trường, rằng nên làm hàng thô, hàng sấy khô hay hàng tinh?”, ông Lực kể. Tính toán lại, thấy rằng nếu làm hàng thô thì không thể cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc, vậy là ông chọn cách đi vào lĩnh vực chế biến hàng sấy khô và tinh, nhắm vào thị trường chính là Nhật và Hàn Quốc. Theo ông, chỉ riêng thị trường Nhật mỗi năm nhập khoảng 100.000 tấn nông sản chế biến các loại.
Nhưng hễ Fimex VN gợi ý chào hàng, khách hàng lại hỏi: “Nhà máy đâu?”. Khách hàng Nhật vốn thế, không hứa hẹn gì cụ thể mà họ muốn phải mắt thấy, tai nghe. Mất gần cả năm như vậy. Thời may, do có quan hệ hợp tác với một doanh nghiệp chế biến cà ở TPHCM, vậy là Fimex VN “xin theo”, tiếp cận, làm quen khách hàng, dần dà rồi biết họ cần mua khoai lang nên dọ ý thử. Thế là nhà máy ra đời, rồi cũng vừa xây vừa sửa sao cho phù hợp dòng sản phẩm mà khách yêu cầu…
Ông Lực kể: “Lúc đầu cũng sợ thiệt, nhưng nếu không làm nhà máy chế biến nông sản thì làm gì?”. Sóc Trăng và nhiều vùng ở ĐBSCL lại có đất đai trù phú, rất thích hợp phát triển diện tích nông sản. Vậy là ý tưởng gặp thiên thời, địa lợi, và ông Lực hy vọng sắp tới sẽ có thêm yếu tố nhân hòa – tức nông dân sẽ hưởng ứng cộng tác để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy.
HỒ HÙNG (TBKTSG)
Bình luận (0)