Trong chương trình “Chiếc nón kỳ diệu” ngày 12-4-2008 của Đài VTV3, một cô giáo dạy văn cấp 3 chọn được câu hỏi (đại ý): Tên một phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta ở cuối thế kỷ 19? (Đáp án gồm 8 ô chữ). Bất cứ một học sinh trung học nào thuộc sử đều biết: Sau khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta (nửa sau thế kỷ thứ 19), các phong trào đấu tranh yêu nước đầu tiên nổ ra là CẦN VƯƠNG, VĂN THÂN… Vậy đáp án ở đây chắc chắn là CẦN VƯƠNG (8 ô chữ). Nhưng cô giáo (cử nhân văn) sau khi “đoán mò” được 2 chữ N và chữ G, đến ô chữ thứ 3 thì cô đoán sai, vì không thể nghĩ ra được đó là phong trào gì (!).
Cũng cô giáo nọ, đến lượt chơi sau, “cờ” lại đến tay một lần nữa! Câu hỏi vòng này là (đại ý): Tên một món ăn đặc sản của Huế? (9 ô chữ). Người chơi trước cô và cô đã giải được chữ BÁNH. 5 ô chữ còn lại đã được “đoán mò” ra chữ H (ở vị trí thứ 2) và chữ A (thứ 4). Vậy mà cô cũng không nghĩ ra được chữ “BÁNH KHOÁI” (một món “ăn chơi” quen thuộc nổi tiếng ở Huế). Nếu giải được ô chữ này, cô sẽ có ít nhất 4,2 triệu đồng và chắc chắn được lọt tiếp vào vòng thi đặc biệt. Nhưng cô giáo “bí rị”, đoán sai, bị loại, đành phải ra về với hai bàn tay trắng!
Không riêng gì cô giáo dạy văn cấp 3 nói trên, ở nước ta hiện nay, không ít người có trình độ học vấn cao hơn (cỡ thạc sĩ, tiến sĩ ), nhưng có khi lại rất “lơ mơ” về những kiến thức phổ thông (thậm chí những kiến thức đó rất gần hoặc có liên quan đến ngành nghề chuyên môn của họ). Thí dụ như có người gán câu nói của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên Nguyễn Hoàng: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” cho La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, mặc dù các vị này sống cách nhau hơn hai thế kỷ (!)
“Lỗ hổng kiến thức” của nhiều trí thức thời nay, ngoài việc lười đọc, lười suy nghĩ, phải chăng còn do phương pháp giáo dục lạc hậu, thụ động trong nhà trường (các cấp) lâu nay: chỉ quen việc (thầy) đọc, (trò) chép và học thuộc lòng (để trả bài, thi cử)… Còn những kiến thức, dù là phổ thông, nhưng không có trong giáo trình, giáo án thì đành phải bó tay (?!).
Phan Trọng Hiển
Bình luận (0)