Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Vươn tới thành phố công nghệ cao

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cấp phép dự án khu công nghệ FPT là dấu ấn đầu tiên thu hút đầu tư công nghệ cao vào Đà Nẵng

Với mục tiêu đến năm 2010 trở thành đô thị công nghệ cao và là trung tâm giải trí lớn nhất VN, Đà Nẵng đã và đang tạo điểm nhấn rõ nét với sự phát triển rầm rộ hàng loạt dự án Công nghệ thông tin (CNTT). Đặc biệt, tại Diễn đàn đầu tư, tổ chức ngày 27/3/2009, việc xây dựng dự án khu công nghiệp công nghệ cao đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của DN.
Năm 2007, kế hoạch thu hút đầu tư CNTT ở Đà Nẵng nhắm tới các DN nước ngoài bị đổ bể khi chỉ có 2 dự án thuộc lĩnh vực CNTT (dự án Phát triển phần mềm Miletstone và dự án Phát triển phần mềm Dennogo đều do Nhật Bản đầu tư). Nhưng đến năm 2008 và đầu năm 2009, Đà Nẵng đã thắng lợi lớn trong việc thu hút đầu tư CNTT của các DN trong nước.
Điểm nhấn công nghệ cao
Dấu ấn đầu tiên là việc FPT khai trương khu công nghệ FPT, với tổng số vốn lên tới gần 1 tỷ USD, diện tích hơn 181 ha. Khu công nghệ được kết cấu gồm các công trình: Đại học FPT (25 ha), khu Phần mềm (33 ha)… Tiếp là việc hoàn thành và đưa vào sử dụng toà nhà Công viên phần mềm, thu hút được hơn 10 DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT thuê mặt bằng. Bên cạnh đó, việc đưa vào hoạt động Trung tâm Dịch vụ gia công quy trình DN của FPT (FPT IS BPO) cũng thu hút được hàng trăm nhân lực CNTT… Một điểm nhấn nữa trong thời gian qua là sự kiện Đà Nẵng trở thành thành phố đầu tiên tiến hành tiểu dự án "Phát triển CNTT và TT tại VN". Với kinh phí 19 triệu USD do Ngân hàng thế giới tài trợ, đây được đánh giá là dự án có hiệu quả nhất so với các tiểu dự án CNTT trên toàn quốc.
Ông Phạm Kim Sơn – Giám đốc Sở TT – TT, cho biết: Nhìn lại cả  quá trình xây dựng ngành CNTT mới thấy được những nỗ lực của chính quyền TP Đà Nẵng. Năm 2000, khi UBND đưa mục tiêu phát triển CNTT vào nghị quyết hành động, thì nền CNTT của thành phố gần như tờ giấy trắng. Sau 9 năm với những quyết sách hợp lý, đến nay đã có tới 90% thông tin các sở, ban, ngành đều điều hành lên mạng, 100% các cấp sở đã có website. Đà Nẵng đã có đến 350 DN hoạt động trong ngành công nghiệp CNTT, trong đó có nhiều DN có trên 100 nhân lực, như: Chi nhánh Sofwera với 340 người, Trung tâm CNTT Softech trên 200 người… Doanh thu xuất khẩu phần mềm năm 2007 lên tới 4,9 triệu USD, năm 2008 doanh thu đạt 6,5 triệu USD.
Tuy nhiên, muốn trở thành đô thị công nghệ cao theo ông Lâm Quang Minh – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, thì phát triển tốt CNTT mới là một yếu tố nhỏ trong hệ thống các ngành trong lĩnh vực công nghệ cao. Tại buổi Diễn đàn xúc tiến đầu tư được tổ chức vào ngày 27/3/2009, hơn 250 DN và các chuyên gia công nghệ cao tham dự cùng nhau tìm giải pháp để xây dựng khu công nghiệp (KCN) công nghệ cao và đăng ký đầu tư cho đề án. Đề án khu công nghiệp công nghệ cao được xây dựng cạnh QL 14B, trên đường tránh hầm đường bộ Nam Hải vân, cách trung tâm thành phố 20 km, tại xã Hoà Nhơn, huyện Hoà Vang, tổng diện tích 1.400 ha. Trong đó dự án được phân khu chức năng chính là: Khu sản xuất công nghệ cao, Trung tâm nghiên cứu, phát triển và vườn ươm công nghệ, Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, Khu nhà cho chuyên gia… Những lĩnh vực công nghệ được ưu  tiên kêu gọi đầu tư, phát triển tại KCN công nghệ cao này là công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hoá, công nghệ vũ trụ, công nghệ cơ khí chính xác.
Chính quyền TP Đà Nẵng sẽ đưa ra chính sách ưu đãi cho các DN, đơn vị khi đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghệ cao tại KCN này đươc hưởng thuế suất thấp nhất trong khung thuế của Nhà nước, được thuê đất có cơ sở hạ tầng với giá thấp hơn các KCN ở hai đầu đất nước. Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ vốn cho đào tạo công nhân công nghệ cao và các chương trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất… Các chính sách được xây dựng theo hướng hợp lý, đúng quy định, thu hút sự quan tâm của các nhà DN, đơn vị đầu tư vào KCN công nghệ cao Đà  Nẵng.
Theo các chuyên gia kinh tế, KCN công nghệ cao sẽ tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư các sản phẩm công nghệ cao, nâng cao sức phát triển của nền kinh tế thành phố, tạo động lực cho phát triển kinh tế của đất nước, huy động các nguồn lực khoa học công nghệ trong và ngoài nước thực hiện hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ. Đồng thời, qua diễn đàn đầu tư này, Đà Nẵng cũng có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, mô hình của các nước, các tổ chức quốc tế trong phát triển các ngành công nghệ cao.
Dấu ấn năng động
Năm 2008, TP Đà Nẵng vươn lên đứng vị trí số 1 toàn quốc về năng lực cạnh tranh (PCI) là minh chứng rõ nhất về sự năng động  của chính quyền thành phố. Những quyết sách táo bạo và năng động của lãnh đạo TP Đà Nẵng đã tạo niềm tin cho DN đầu tư vào Đà Nẵng. Ví dụ cụ thể là việc chính quyền đi thuê chuyên gia nước ngoài đến tư vấn quy hoạch thành phố, chứng tỏ một tầm nhìn chiến lược rất xa. Có chiến lược cụ thể, mạnh dạn, quyết đoán của chính quyền, các sở ban ngành mới năng động, chủ động hỗ trợ DN. Việc Sở Kế hoạch – Đầu tư tạo điều kiện rất thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân đăng ký thành lập DN thông qua Hệ thống kinh doanh trực tuyến đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ quy trình, cũng như tiến hành các thủ tục đăng ký kinh doanh đối với từng loại hình DN.  Công tác quảng bá về TP Đà Nẵng cũng rất chuyên nghiệp, khi mở các văn phòng đại diện tại Nhật Bản, và liên tục liên hệ đăng thông tin quảng bá trên các báo quốc tế, như Báo Kyodo, Asahi Shimbun (Nhật Bản); Báo Yonhap (Hàn Quốc); Báo A.F.P (Pháp)…
Nếu năm 2007, Đà Nẵng có 23  dự án FDI được cấp phép, thì năm 2008 có tới 32 dự án FDI được cấp phép và chỉ trong 3 tháng đầu năm 2009 đã có 5 dự án lớn trong và ngoài nước được cấp phép với tổng vốn đăng ký gần 400 triệu USD, nâng tổng số dự án còn hiệu lực tại Đà Nẵng đến thời điểm này là 150 dự án với tổng vốn đăng ký 2,5 tỷ USD.
Đà Nẵng đã năng động và đi đầu trong nhiều chính sách tại miền Trung và đã tiếp tục thể hiện tính năng động và chủ động của thành phố qua việc tổ chức một Diễn đàn đầu tư vào một lĩnh vực khó khăn như công nghiệp công nghệ cao, nhưng nếu thành công sẽ tạo nên sức bứt phá mạnh mẽ làm đầu tàu đẩy nền kinh tế của miền Trung và góp phần đưa cả nước hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2010.
Tâm Vũ (nld)
 
 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)