Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Tiến tới Cúp xe đạp truyền hình TPHCM 2010: Lo cho xe đạp TPHCM

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều năm qua, ở môn đua xe đạp, vẫn chưa tỉnh, thành nào có thể cạnh tranh thành tích với CLB Bảo vệ thực vật Sài Gòn 1 (tiền thân là đội Dofilm). Dẫu đôi khi BVTV An Giang hay D.Đồng Tháp có thể gây khó dễ, nhưng tổng kết mỗi năm, các cua rơ Sài Gòn vẫn thống trị đường đua. Vậy nhưng ở Cúp xe đạp truyền hình TPHCM năm nay, sức mạnh ấy đang bị đe dọa…
ĐẦU TƯ THẤP
Cho đến thời điểm này, theo BTC cuộc đua xe truyền hình TPHCM đã thông báo, ADC Vĩnh Long đã hoàn tất việc đăng ký 2 tay đua người Nhật để tham dự giải, đây là 2 cua rơ đã từng tham dự các giải chuyên nghiệp của Nhật Bản và được xem là mạnh. Phía BTC cũng cho biết, họ sẽ chấp thuận ý kiến của các lãnh đội dời hạn đăng ký bổ sung đến ngày 4-4, và không nói ra thì ai cũng biết còn nhiều đội đua đang cố gắng hoàn tất thủ tục đăng ký ngoại binh.

Tiến tới cuộc đua xe đạp Cúp truyền hình TPHCM 2010, lại thấy lo cho nguy cơ tuột dốc của xe đạp TPHCM.

Thật đáng lo ngại khi các đội đua khác đang đầu tư quyết liệt thì có vẻ như xe đạp TPHCM vẫn “bình chân như vạc”, bất chấp sự cạnh tranh ngày càng khó khăn hơn. Khi mà BVTV An Giang sau khi tiếp nhận tay đua Trịnh Phát Đạt đã quyết định tăng lương, thưởng cho toàn bộ VĐV. Khi mà ADC Vĩnh Long vừa đầu tư toàn bộ xe mới cho VĐV với mức tròm trèm 8.000 USD/chiếc cùng việc tuyên bố cứ vào tốp có huy chương là thưởng 100 triệu đồng. Khi mà D.Đồng Tháp vẫn đầu tư mạnh cho bộ môn xe đạp, thì đội đua xe đạp dưới màu áo BVTV Sài Gòn vẫn chẳng có gì thay đổi.
Đến thời điểm này, việc nâng chất các trang thiết bị vẫn được làm theo phương án nhỏ giọt, chủ yếu là… bàn chứ chưa tính.
Thậm chí khi mà mức lương của các cua rơ mang màu áo các đội tỉnh nhỏ đã lên đến từ 7 đến 10 triệu đồng, thì các tay đua TPHCM dù đang khoác áo tuyển quốc gia như Mai Nguyễn Hưng vẫn chỉ lãnh 5 triệu đồng/tháng chứ đừng nói gì đến các tay đua được xếp loại 2.
Với mức đầu tư thấp, hiện BVTV Sài Gòn không còn khả năng cạnh tranh về phương tiện đua, cũng như động lực của các cua rơ cũng giảm dần theo thời gian. Nhất là khi mà cả BHL lẫn các cua rơ đã bắt đầu nhận được các lời mời từ CLB khác. Có thể nói, hiện giờ ở BVTV Sài Gòn, các tay đua đang đua bằng tinh thần và ánh hào quang cũ, hơn là vì cảm thấy sự đãi ngộ tương xứng, và một tương lai không mấy đẹp cho xe đạp Sài Gòn đã hiện hữu khi người ta đã từng chứng kiến sự ra đi của các tay đua nữ về những địa phương lân cận.
CŨNG CHẲNG CÒN BẤT NGỜ
Ở BTV Cúp vừa diễn ra, tay đua Lê Văn Duẩn của BVTV Sài Gòn đã đoạt chiếc Áo vàng danh giá nhất ở những giây cuối cùng. Đó là thành công của những tính toán chiến lược, nhưng cũng có phần của sự may mắn như chính HLV Đỗ Thành Đạt đã thẳng thắn thừa nhận.
Ở giải đua lần này, các cua rơ đại diện cho TPHCM đi khắp tỉnh thành cả nước sẽ lại phải đối diện với đối thủ khó chơi, đội Mông Cổ. Sự bất ngờ đã không còn, nên chuyện các tay đua mạnh ở đội BVTV Sài Gòn sẽ bị kèm chặt gần như là đương nhiên. Đó là chưa kể, với việc thử nghiệm một tay đua dạng phong trào của Hà Lan ở đội hình chính, ADC Vĩnh Long đã vươn lên hàng đội mạnh có thể cạnh tranh huy chương ở nội dung đồng đội, nay với việc chính thức bổ sung 2 tay đua nhà nghề đến từ Nhật Bản, ngôi đầu của BVTV Sài Gòn bị thách thức nặng nề. Sự bất ngờ còn mất đi khi mà người ta đã quá rành việc ở BVTV Sài Gòn hiện nay Mai Nguyễn Hưng leo đèo tốt, Văn Duẩn nổi trội ở nước rút, trong khi những tay đua còn lại ở đội chỉ chạy tốt ở đường bằng.
Không thể làm nâng cao tinh thần các VĐV bằng những biện pháp kích thích lương, thưởng. Chẳng thể làm mới mình bằng các trang thiết bị tốt hơn để cải thiện thành tích. Cũng chẳng theo kịp tiến trình hoà nhập, khi mà đến giờ nói chuyện ngoại binh với lãnh đạo đội đua cứ như nói chuyện… thiên hạ, lần đầu tiên BVTV Sài Gòn đối mặt với quá nhiều khó khăn ở một giải đấu mà họ từng thống trị hơn chục năm trời.
Trước đây, bóng bàn, quần vợt, bóng đá… lần lượt xuống dốc chỉ vì sự hờ hững và thiếu nhanh nhạy ở thời điểm mà các địa phương khác chọn hướng phát triển mới. Giờ người ta cũng lo ngại Cúp truyền hình TPHCM lần này sẽ là cột mốc cho sự đi xuống của xe đạp TPHCM.
Hôm qua, Đài truyền hình TPHCM đã tổ chức họp báo giải đua xe đạp lần thứ 22. Theo BTC, hiện chỉ mới có một đội đua nước ngoài xác nhận tham dự giải là Mông Cổ, trong khi Hà Lan đã chính thức từ chối. Cũng theo ông Tuấn Lâm, thành viên BTC giải đấu thì BTC sẽ nới rộng thời gian chốt danh sách tới ngày 4-4 để chờ hồi âm của một số đội đua nước ngoài khác như Philippines. Như vậy, hiện nay có 14 CLB tham dự giải đua trong đó TPHCM, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Quân đội và An Giang đều có ê kíp đua.
Giải sẽ bắt đầu từ ngày 10-4 tại Hà Nội và kết thúc đúng ngày 30-4 ở TPHCM với 18 chặng đua. Ở cuộc đua kỷ niệm 22 năm, lần đầu tiên lộ trình đoàn đua đi ngang một tỉnh miền Tây là Cần Thơ trước khi về TPHCM với tên gọi “Thăng Long về đất phương Nam”.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng, vì điều kiện đường đua Việt Nam chưa cho phép nên ở giải đua này, các đội vẫn tiếp tục được dùng bộ đàm để chỉ đạo cho VĐV, nhằm tránh náo loạn vì các tiếp tế viên tranh thủ chỉ đạo khi được phép tiếp cận VĐV.
TẤT ĐẠT (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)