Hôm qua (4/7), Hội thảo vai trò lãnh đạo LĐBĐVN đã bước vào ngày làm việc cuối cùng. Hội thảo đã đưa ra nghị quyết với 14 điểm đáng chú ý.
Trong buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận theo nhóm để đưa ra hướng giải quyết cho những vướng mắc trong quá trình thực hiện BĐCN ở Việt Nam. Với phần thảo luận nhóm khá sôi nổi, các đại biểu đã nêu ra những vấn đề cơ bản cần được sự quan tâm, ủng hộ của FIFA.
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ phát biểu trong buổi Hội thảo |
Những vấn đề được đưa ra thảo luận cũng là nghị quyết cuối cùng của hội thảo. Theo đó, có 14 điểm được nêu ra trong nghị quyết và được xem như là những ưu tiên cần triển khai thực hiện của BĐVN. Những điểm đáng chú ý theo nghị quyết của phái đoàn FIFA là thực hiện chuyên nghiệp hoá ở Việt Nam phải phù hợp với pháp luật Việt Nam, trong đó, VFF có vai trò tư vấn, hướng dẫn cho các CLB; phát triển bóng đá phong trào; cơ sở vật chất; hợp đồng cầu thủ chuyên nghiệp; xây dựng hệ thống quản lý, điều hành bóng đá bằng công nghệ điện tử…
Vấn đề lớn nhất và cần phải làm ngay được nêu ra trong nghị quyết của phái đoàn FIFA là LĐBĐ Việt Nam phải sớm gửi cam kết của Chính phủ cho FIFA về việc đăng cai VCK nữ U20 thế giới. Đây được xem là “giấy phép chính thức” để Việt Nam được quyền đăng cai giải đấu của nữ ở cấp độ thế giới. Vì thời gian còn rất ít, nên Phó Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam Lê Hùng Dũng mong FIFA gia hạn cho VFF. Nhưng Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng cam kết, chậm nhất là vào tháng 8 năm nay, VFF sẽ hoàn tất thủ tục xin đăng cai.
Kết thúc hội thảo, Chủ tịch LĐBĐ VN Nguyễn Trọng Hỷ cho rằng, 14 điểm trong nghị quyết do phái đoàn FIFA đưa ra đều là những vấn đề đáng quan tâm. VFF sẽ thảo luận lần cuối để hoàn thiện hơn nữa trong cuộc họp BCH LĐBĐ VN vào sáng nay để trở thành nghị quyết chính thức làm phương châm hoạt động của VFF trong nhiệm kỳ VI.
Nguyên TTK LĐBĐ Canada – cố vấn chuyên nghiệp hóa FIFA Kevan Pipe:
"Tôi đánh giá cao hội thảo lần này"
Kết thúc 2 ngày Hội thảo về vai trò lãnh đạo LĐBĐ Việt Nam do FIFA & VFF tổ chức, nguyên Tổng thư ký LĐBĐ Canada và hiện là Cố vấn chuyên nghiệp hóa của FIFA – Ông Kevan Pipe cho rằng, hội thảo thực sự chất lượng, đồng thời, có ý nghĩa to lớn đối với nền bóng đá Việt Nam.
Ông Kevan Pipe, nguyên Tổng thư ký LĐBĐ Canada, cố vấn chuyên nghiệp hóa của FIFA |
PV: Sau 2 ngày làm việc, ông có nhận xét gì về cuộc hội thảo này?
Ông Kevan Pipe: Tôi cho rằng, hội thảo lần này thực sự bổ ích và hiệu quả. Tôi đánh giá cao tinh thần làm việc của các đại biểu. Họ đã nêu lên thực trạng của bóng đá Việt Nam để chúng tôi có cái nhìn tổng quát và toàn diện hơn trong quá trình hỗ trợ cho công cuộc xây dựng bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam. Điều quan trọng là hội thảo đã đưa ra được nghị quyết để định hướng cho hành động trong thời gian tới. Chúng tôi cảm thấy hài lòng và vui mừng bởi kết quả thu được.
* Hội thảo đã ra nghị quyết với 14 điểm đáng chú ý. Theo ông, việc ra nghị quyết này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của bóng đá Việt Nam?
Nó rất có ý nghĩa. Việt Nam có 86 triệu dân, nên đó là một tiềm năng lớn để phát triển bóng đá. Các bạn cũng đang tổ chức V.League với hướng phát triển là xây dựng thành một giải đấu chuyên nghiệp thực sự… Thế nên, rất cần những định hướng, phương pháp để khơi dậy những tiềm năng, đưa giải đấu vào một quỹ đạo đúng hướng. Nghị quyết được ban hành dựa trên thực tế của nền bóng đá Việt Nam nên được xem là định hướng chung cho VFF cũng như các CLB bóng đá trong nước làm tiêu chí chung để cùng nhau xây dựng, định hướng cho sự phát triển. 14 điểm của nghị quyết gần như bao trùm toàn bộ đời sống bóng đá ở Việt Nam. Nó bao gồm các vấn đề về bóng đá chuyên nghiệp, xây dựng bóng đá phong trào, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong điều hành và quản lý bóng đá…
Nghị quyết đã ra và phải triển khai thực hiện. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ về quá trình triển khai nghị quyết để có những thảo luận, định hướng cho đúng với xu thế đi lên của bóng đá chuyên nghiệp.
* Theo quy định của FIFA thì cầu thủ được CLB đào tạo có thể ra đi khi 23 tuổi. Nhưng đặc thù của cầu thủ Việt Nam là phải 21-22 tuổi mới có thể chơi ở môi trường đỉnh cao, trong lúc, hợp đồng lao động của Việt Nam quy định, thời hạn tối đa chỉ là 3 năm, nên chưa cống hiến được cho đội bóng bao nhiêu thì họ đã có quyền ra đi. Nhiều đại biểu xin FIFA cơ chế riêng cho BĐVN bằng cách “nâng” độ tuổi lên 25. Theo ông, tính khả thi của đề xuất này như thế nào?
Tôi không nắm rõ lắm về luật lao động ở nước của bạn, nên đây cũng là một vấn đề đối với chúng tôi. Nhưng chúng tôi gợi ý là VFF cần trình bày vấn đề này với các cơ quan có thẩm quyền cao hơn của FIFA để họ có những hướng dẫn cụ thể hơn. Văn bản này cần phải nêu rõ những khó khăn, đặc thù của bóng đá, luật pháp Việt Nam.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Hồng Quảng (theo baobongda)
Bình luận (0)