Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Sản xuất suất ăn công nghiệp: Tăng cường hơn nữa tính cạnh tranh

Tạp Chí Giáo Dục

“Thực trạng phát triển và cạnh tranh ngày một cao trong lĩnh vực cung cấp suất ăn công nghiệp cho thấy, bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn còn chạy theo số lượng bất chấp chất lượng, chưa đảm bảo VSATTP thì những doanh nghiệp làm ăn chân chính, phục vụ bằng cái tâm của người làm kinh tế vẫn còn nhiều trăn trở”, ông Nguyễn Văn Thi – GĐ Công ty TNHH Hải Nam(Công ty TNHH Hải Nam: 26/19 Âu Cơ, P.14, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh * ĐT: 08. 3810 5606 – 0903 818009) chia sẻ.

* Chào ông, ông có nhận xét gì trước thực trạng kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp suất ăn công nghiệp trong thời gian qua?

Năm vừa qua, TP.HCM có hơn 22 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) nhưng có tới 7 vụ xảy ra trong khu vực trường học. Từ đầu năm 2009 đến nay, thành phố ghi nhận 3 vụ NĐTP, trong đó 2 vụ xảy ra ở trường học. Dù đã được cảnh báo, phòng chống nhưng xem ra số vụ NĐTP không hề thiên giảm. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thi – GĐ Công ty TNHH Hải Nam chia sẻ: “Khi đặt mua thực phẩm – suất ăn, các trường học, doanh nghiệp nên chọn những thương hiệu cung cấp lớn, được nhiều đối tượng khách hàng tín nhiệm. Vì đó là cách tốt để hạn chế tình trạng NĐTP xảy ra”.

– Ông Nguyễn Văn Thi: Thời gian qua, các doanh nghiệp, công ty cung cấp suất ăn công nghiệp phát triển một cách ồ ạt từ nhỏ lẻ đến quy mô. Một hiện trạng phổ biến là hiện nay chưa có sự đánh giá đúng mức và công bằng trong quá trình đấu thầu. Những doanh nghiệp nhỏ lẽ ít vốn cũng có thể cạnh tranh được với những nhà thầu lớn. Điều này nếu nhìn “mặt chìm” sẽ thấy bất ổn. Vì các doanh nghiệp nhỏ thường thắng thế với giá cả rẻ hơn. Thêm nữa, một bộ phận người tiêu dùng chưa ý thức đầy đủ về chất lượng bữa ăn, cũng như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

* Theo ông những điều kiện tiên quyết nào dẫn đến thành công của một thương hiệu hoạt động trong lĩnh vực này?

– Dĩ nhiên, thành công của bất kỳ thương hiệu nào cũng bao gồm nhiều yếu tố. Ở đây, tôi xin đề cập đến 3 vấn đề sau:

Thứ nhất phải có đủ nhân lực và vật lực. Trong quá trình hoạt động, đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục tuyển dụng, bồi dưỡng nhân lực nhằm đáp ứng tốt nhu cầu công việc, nâng cao năng suất lao động. Để làm được điều này, người chủ doanh nghiệp phải có tâm và tầm (quản lý và tâm lý); cố gắng xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp, tạo không khí đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Bên cạnh đó, vật lực – đầu tư cơ sở vật chất tối thiểu để đem lại sự an toàn trong chế biến: inox hóa, nhà bếp, bếp ăn phải đúng quy cách an toàn của ngành quy định…

Giá cả cạnh tranh là vấn đề thứ hai tôi muốn bàn. Đây là vấn đề nhạy cảm, nói chung các doanh nghiệp phải tính toán cho thật kỹ để đưa ra thị trường với giá cả hợp lý, không quá rẻ (khó đảm bảo chất lượng) cũng không quá đắc.

Thứ ba là phải thường xuyên nghiên cứu tâm lý và khẩu vị của người ăn, từ đó thay đổi thực đơn cho phù hợp.

Thực hiện được các vấn đề này, tôi nghĩ các doanh nghiệp cung cấp suất ăn công nghiệp sẽ phát triển tốt.

* Có lẽ cái tâm rất cần cho ngành sản xuất suất ăn công nghiệp?

– Cần cho tất cả, nhưng đối với lĩnh vực cung cấp suất ăn công nghiệp thì cái tâm lại cần nhiều hơn. Ở đây lại nảy sinh hai yếu tố là lợi nhuận và năng lực thực hiện. Nếu chay theo lợi nhuận thì khó đảm bảo chất lượng suất ăn, và ngược lại, thị trường tiêu thụ chưa tương xứng với quy mô sản xuất thì doanh nghiệp sẽ khó phát triển. Nhìn chung hai yếu tố này phải cân bằng nhau.

* Một hướng đi cho các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp?

– Qua quá trình hoạt động trong lĩnh vực cung cấp suất ăn công nghiệp và kinh nghiệm bản thân, tôi nghĩ cần phải tạo ra một mặt bằng chung về giá cả để sự cạnh tranh diễn ra công bằng hơn, từ đó đánh giá năng lực và chất lượng của các doanh nghiệp sẽ chính xác hơn. Đặc biệt, phải có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa của Nhà nước. Nếu cần thiết chúng ta có thể thành lập hiệp hội các nhà cung cấp suất ăn công nghiệp để sự cạnh tranh và quản lý đi vào nề nếp hơn.

* Xin cám ơn ông!

Q.SƠN

Bình luận (0)