Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Việt Nam liên tiếp trúng thầu các hợp đồng xuất khẩu gạo lớn: Mừng, mà vẫn lo

Tạp Chí Giáo Dục

Việt Nam vừa trúng toàn bộ hợp đồng xuất khẩu gạo 600 nghìn tấn đấu thầu ngày 15-12 tại Philippines. Như vậy, trong gần 2 triệu tấn gạo mà Philippines mua thì Việt Nam đã giành tới 1,35 triệu tấn với giá cao dần đều. Tuy nhiên, chúng ta chưa nên vội mừng.
Vận chuyển gạo XK xuống tàu tại XN Lương thực Sài Gòn. Ảnh: Định Huệ

Một mình một chợ?

Từ đầu tháng 11-2009 đến nay, Philippines liên tục mở các gói thầu nhập khẩu gạo. Dự kiến ban đầu, Philippines sẽ nhập khẩu 2,05 triệu tấn gạo trong các đợt mở thầu này, tuy nhiên do giá gạo tăng dần đều buộc nước này phải giảm lượng nhập khẩu xuống còn hơn 1,8 triệu tấn. Đại diện doanh nghiệp Việt Nam là Tổng Cty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã thắng lớn trong phiên đấu thầu này.
Trong đợt mở thầu đầu tiên ngày 4-11-2008, Vinafood 2 đã giành được hợp đồng 150 nghìn tấn gạo 25% tấm trong tổng số 250 nghìn tấn, với giá 480 USD/tấn (giá C&F- bao gồm cả bảo hiểm, cước vận chuyển và lãi suất ngân hàng do trả chậm 9 tháng). Số gạo này sẽ được giao ngay trong tháng 1-2010.
Trong hai đợt mở thầu tiếp theo vào ngày 1 và  8-12, mỗi đợt Việt Nam đều trúng 300 nghìn tấn với giá tăng mạnh, trung bình gần 620 USD/tấn giá C&F. Như vậy là trong gần một tháng, chỉ sau một phiên đấu thầu, giá gạo Việt Nam đã tăng 140 USD/tấn.
Gần đây nhất, trong đợt mở thầu cuối cùng Vinafood 2 cũng giành trọn cả gói thầu 600 nghìn tấn với mức giá thấp hơn chút ít so với phiên đấu giá ngày 8-12, nhưng vẫn ở mức trên 600 USD/tấn giá C&F.
Trong các đợt đấu giá này, hầu như phía Việt Nam giành trọn các hợp đồng lớn, số còn lại là các doanh nghiệp của Thái Lan, Pakistan, Singapore… Sau 4 đợt mở thầu, Vinafood 2 đã giành được 1,35 triệu tấn.
Theo Tổng cục Thống kê, lượng gạo xuất khẩu năm 2009 đạt mức kỷ lục 5,95 triệu tấn, kim ngạch 2,66 tỷ đô la. Như vậy, so với năm 2008, lượng gạo xuất khẩu tăng tới 25%, nhưng kim ngạch lại giảm 8% do giá gạo giảm mạnh so với năm 2008.

Có điều khá lạ là trước mỗi phiên đấu thầu, Philippines đều đưa ra số tiền dành cho các gói thầu và mức giá dự kiến mua. Điều này vô tình gây khó cho bên mua bởi các doanh nghiệp tham gia dự thầu nâng giá trên mức Philippines dự kiến. Thực tế, nước này đã hai lần phải điều chỉnh ngân sách và số lượng gạo cần mua do giá biến động tăng.

Điều này được lý giải là Chính phủ Philippines quyết tâm mua đủ số gạo cần dùng đến tháng 5-2010, thời điểm nước này tiến hành bầu cử tổng thống. Chính phủ của đảng cầm quyền tại Philippines muốn chuẩn bị sẵn sàng lương thực cho năm tới, đảm bảo không có sự đột biến về giá gạo. Đây là điều thuận lợi cho các hợp đồng xuất khẩu gạo mà chúng ta vừa giành được.
Tuy nhiên, điều băn khoăn là tại sao Thái Lan không hào hứng với những đợt đấu thầu vừa qua. Năm 2009, lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan chỉ dừng ở mức 8,5- 8,6 triệu tấn. Lượng gạo tồn kho của nước này hiện ở mức kỷ lục gần 6 triệu tấn. Tại sao trong bối cảnh như vậy, Thái Lan không đẩy mạnh bán ra? Họ đang chờ đợi điều gì?
Ẩn số từ Ấn Độ
Theo dõi tình hình xuất khẩu gạo trong nhiều năm trở lại đây, nhưng ông Nguyễn Đình Bích (Viện Nghiên cứu Thương mại) cho rằng, đây là thời điểm rất khó khăn để đưa ra một dự báo. Nói khó bởi nhiều ẩn số chưa được làm rõ. Nếu năm 2010 mức giá giữ như hiện tại thì rõ ràng các doanh nghiệp Việt Nam đã thắng lớn, không thì ngược lại.
Theo ông Phạm Vỹ Bền, GĐ Cty CP Tháp Sơn (Đồng Tháp), với mức giá 630 USD/tấn thì giá gạo lọt lòng tàu lên tới 10.500 – 11.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá các doanh nghiệp xuất khẩu mua của các doanh nghiệp chế biến chỉ ở mức trên dưới 8.000 đồng. Lượng gạo xuất khẩu mà các doanh nghiệp vừa ký với Philippines đã có trong kho, được mua ở thời điểm giá gạo trong nước chỉ 6.000 đồng/kg.
Lượng gạo tồn kho trong nước hiện có đã là 1,4 triệu tấn, dành để giao hàng trong quý một năm 2010. Như vậy để thấy, thực hiện riêng các hợp đồng đã ký, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã thu được khoản lợi nhuận khổng lồ. Trong khi đó, nông dân đã bán lúa đông xuân từ mấy tháng trước với mức giá rẻ.
Tuy nhiên, có một yếu tố có thể khiến giá gạo năm 2010 tăng mạnh là động thái từ thị trường Ấn Độ. Năm 2009, Ấn Độ bị thiệt hại nặng nề do hạn hán. Ước tính nước này mất tới 16 triệu tấn gạo. Do vậy, từ một nước xuất khẩu gạo Ấn Độ có thể phải nhập khẩu gạo. Đến nay khả năng này vẫn còn bỏ ngỏ.
Để bổ sung cho 16 triệu tấn gạo thiếu hụt, dự kiến Ấn Độ sẽ xuất kho dự trữ 7 triệu tấn, bổ sung 6 triệu tấn lúa mỳ. Ấn Độ cũng thông báo vụ đang thu hoạch tăng được sản lượng 2,2 triệu tấn gạo. Nếu đúng như vậy thì lượng gạo thiếu hụt của Ấn Độ là không lớn.
Đây chỉ là thông tin từ phía Ấn Độ đưa ra và cần phải kiểm chứng. Thực tế, đầu tháng 12 này, Ấn Độ đã dự kiến nhập 30 nghìn tấn gạo để thăm dò phản ứng của thị trường. Tuy nhiên, do giá biến động tăng nên nước này vội vàng rút lại ý định nhập khẩu.
Rõ ràng, Ấn Độ là quốc gia có nhu cầu gạo khổng lồ. Từ một nước mỗi năm xuất khẩu 2- 3 triệu tấn gạo nay nếu Ấn Độ phải nhập khẩu gạo sẽ tác động mạnh đến thị trường. Chỉ cần Ấn Độ nhập khẩu một triệu tấn gạo là giá gạo sẽ có biến động lớn.
Theo một số chuyên gia, hiện Ấn Độ vẫn nói cứng như vậy, nhưng khả năng nước này phải nhập khẩu gạo là khá cao. Khi đó giá gạo có thể tăng đột biến. Phải chăng đây chính là điều mà Thái Lan chờ đợi trong những tháng đầu năm 2010.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Chookiat Ophaswongse vẫn tự tin nhận định, giá gạo sẽ tăng cao trên thị trường thế giới. Ông này còn tỏ ra bất ngờ khi Việt Nam bỏ giá thầu tại Philippines dưới 700 USD/tấn. Còn với Việt Nam, liệu chúng ta có tái lòng nếu giá gạo tiếp tục tăng? 
 Hà Nhân / Tiền Phong

Bình luận (0)