Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

“Ấn tượng Việt Nam” – bước ngoặt để bứt phá

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 28-1, Tổng cục Du lịch tổ chức tổng kết chương trình “Ấn tượng Việt Nam” tại Hà Nội. Theo đó, năm qua ngành du lịch Việt Nam đã đạt được những thành quả mỹ mãn nhờ việc triển khai kịp thời và tích cực chương trình “Ấn tượng Việt Nam”. Lượng khách du lịch nội địa tăng vọt đạt 25 triệu lượt người năm 2009, góp nâng tổng doanh thu của ngành dịch vụ không khói của Việt Nam đạt khoảng 68 – 70 ngàn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2008…

Du khách chụp cảnh đẹp tại TPHCM làm kỷ niệm. Ảnh: Cao Thăng
Bên cạnh những hiệu quả kinh tế, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng doanh thu của ngành du lịch, quá trình triển khai chương trình “Ấn tượng Việt Nam” lần đầu tiên các doanh đã cùng nhau bàn bạc, thống nhất kế hoạch hành động, cùng xây dựng các chương trình khuyến mại để thu hút khách, chia sẻ khó khăn và hợp tác kinh doanh, chấm dứt kiểu làm ăn nhỏ lẻ trước đây.
Hơn 500 chương trình khuyến mại đã được công bố, nhiều sở VH-TT-DL đã tích cực tham gia hỗ trợ, tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan quản lý và các doanh nghiệp du lịch. Tất cả các yếu tố trên góp phần quan trọng vào việc nâng cao hình ảnh của du lịch Việt Nam, tạo đà phát triển trong những năm tới.
Đặc biệt chương trình đã tạo ra được sự liên kết, tuy mới chỉ là sự bắt tay ban đầu song đã tạo được hiệu ứng tốt đối với ngành du lịch. Không chỉ với các doanh nghiệp trong nước mà với quốc tế, du lịch Việt Nam cũng đã để lại những ấn tượng tốt nhờ có biện pháp ứng phó tích cực trong tình trạng suy thái chung của ngành.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh cho rằng chương trình “Ấn tượng Việt Nam” tuy kết thúc về tên gọi, nhưng những giá trị về nội dung của chương trình thì vẫn tiếp tục được thực hiện và hoàn thiện hơn.
Theo ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), một kế hoạch cũng rất có triển vọng đã được hình thành và bàn thảo, chương trình 2010 sẽ khác với 2009, không tập trung vào một chương trình lớn, quyết liệt mà nó sẽ là sẽ gói các chương trình với các loại hoạt động đa dạng và có những nét riêng biệt hơn.
Còn ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, một đơn vị tham gia tích cực trong chương trình “Ấn tượng Việt Nam”, ngành du lịch cần phải tận dụng hơn nữa điểm nhấn đại lễ 1.000 năm Thăng Long để khai thác, đưa Hà Nội thành điểm đến đặc biệt của du khách trong năm 2010.
Theo ông Lã Hồng Khanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM, trong nhiều việc phải làm thì cần phải tính tới việc xây dựng quỹ dự phòng du lịch, sử dụng trong những trường hợp có tính cấp bách, tạo nên những phản ứng linh hoạt của ngành. Sau mỗi chương trình, nếu chỉ tổng kết, rút kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp đơn thuần không đi kèm theo đó là những giải pháp về kinh tế thì khó có thể duy trì và tạo ra sức lan tỏa lớn.
Thu Hà / SGGP

 

Bình luận (0)