Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đến Đại Nam Văn Hiến để lắng lòng…

Tạp Chí Giáo Dục

Du lịch đến chốn tâm linh hay tìm về nguồn cội luôn giúp chúng ta có những giây phút thư thái, lắng đọng trong tâm hồn để thấy mình được “gạn đục khơi trong” hơn. Có lẽ thế mà thời gian gần đây, những khu du lịch (KDL) có nét đẹp tôn kính, trang nghiêm đều thu hút được các hãng lữ hành với du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, vãn cảnh, viếng đền chùa…

Ai đã từng đến khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến cũng đều nhận thấy nét nổi bật nhất của KDL này chính là khu tâm linh đền Đại Nam Văn Hiến với Kim Điện thờ tự dát vàng rộng 5.000m2 trang nghiêm, núi Ngũ Hành Sơn hùng vỹ, ngôi Bảo Tháp 9 tầng sừng sững uy nghi… được bao quanh bởi dòng Bảo Giang uốn lượn nên thơ dài 720m cùng hai con rồng xanh ấn tượng. Và ngay từ tên gọi thôi cũng đã toát lên ý nghĩa văn hóa, lịch sử cũng như sự vọng ngưỡng những tinh hoa của dân tộc Việt Nam qua 4000 năm văn hiến. Hiện tại nơi đây được đánh giá là KDL tâm linh lớn nhất Việt Nam.
Kim Điện
Toàn cảnh đền Đại Nam Văn Hiến mang không gian thuần Việt với kiến trúc dân gian thời Lý kết hợp vẻ đẹp quy tụ của Tứ Linh (Long – Lân – Quy – Phụng) và Tứ Quý (Mai – Lan – Cúc – Trúc). Án ngự trước cổng vào đền thờ là một hồ bán nguyệt. Hồ được bao bọc bởi 54 cột nước, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em. Một trụ nước chính phun cao 27m có hình búp sen thể hiện sự thanh cao, tinh thần ý chí vươn lên của dân tộc.
Đền thờ Đại Nam, tức Kim Điện cũng chính là điểm nhấn của quần thể khu tâm linh này và đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là đền thờ lớn nhất nước vào ngày 15/8/2007. Kim điện được xây dựng theo lối vuông tròn. Hình tròn trên nóc đền biểu trưng cho trời, trên mái vòm có 108 con chim hạc với ý nghĩa: 54 con hạc tượng trưng cho 54 dân tộc VN ở cõi trần, 54 con hạc tượng trưng cho 54 dân tộc VN ở cõi âm (theo quan niệm dân gian, hạc là con vật biểu trưng cho sự trường tồn, vĩnh cửu). Hình vuông được thể hiện qua 4 vách của Đền thờ, bao gồm 28 bộ cánh cửa với mỗi cánh cửa nặng 500 kg. Trên nền 28 bộ cánh cửa được chạm trổ 28 bức tranh lịch sử tiêu biểu, đánh dấu cho các mốc son của lịch sử VN bắt đầu từ cuộc khởi nghĩa hai Bà Trưng và kết thúc bằng thắng lợi rực rỡ của mùa xuân lịch sử 30/4/1975. Bên trong Kim Điện được chia làm 2 tầng với các pho tượng thờ, phù điêu, các vật dụng thờ cúng được dát vàng, là nơi tôn vinh những người có công với đất nước, dân tộc. Chính điện của Đền là 3 pho tượng thờ: Đức bổn sư thích ca mâu ni, Vua Hùng Vương và Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Bên phải là trang thờ: Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Mẹ Âu Cơ, Bách Gia Trăm Họ. Bên trái là trang thờ: Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Tổ Đức và ban thờ 3 vị: Thành hoàng – Thần tài – Thổ điạ. Ngoài ra, trong Đền còn đặt hai cây nến với tên gọi Đại Hoàng Đăng, mỗi cây có chiều cao 2,7m với đường kính 90cm, dự đoán có thể cháy trong suốt 1000 năm.
Dãy Bảo Sơn
Kim điện tựa lưng vào dãy núi Bảo Sơn (Ngũ Hành Sơn) với 5 ngọn núi liên hoàn cao 65,8m, dài 270m, là dãy núi nhân tạo cao và dài nhất Việt Nam đến thời điểm này. Trước khi vào bên trong lòng dãy Bảo Sơn, du khách sẽ được ngắm nhìn một quần thể thắng cảnh hùng vĩ bao quanh lấy dãy núi Ngũ Hành. Trấn giữ ở phía Tây của dãy Ngũ Hành Sơn là Thần Bạch Hổ, phía Đông là Thần Núi và Thần Nông. Đi sâu vào bên trong, nhìn về phía Tây là nơi thờ các vị tiên phật trong trời đất như: Phật mẫu chuẩn đề, Quan âm Nam Hải, Quan âm Bạch Y, Phật Di lạc và Địa mẫu; phía Đông là nơi thờ các bậc anh tài của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ: Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, vua Ngô Quyền. Đây cũng là nơi tái hiện lại lịch sử dân tộc với những mốc son đáng nhớ trong công cuộc đấu tranh dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam, là nơi cư trú của hàng ngàn con chim yến, biểu hiện của một vùng “ Đất lành chim đậu”.
Du khách có thể tham quan các ngọn núi này bằng cả đường thang bộ lẫn thang máy.
Trong không khí ấm áp của những ngày xuân, trên khắp mọi miền quê hương đất nước đang vào mùa lễ hội. Thể hiện lòng thành kính, tri ân, hiếu nghĩa của con cháu Lạc Việt nhớ về cội nguồn tổ tiên đã có công khai phá, xây dựng, bảo vệ non sông đất nước, phát triển nền văn hoá văn minh của dân tộc; báo Giáo Dục TP.HCM xin giới thiệu tiếp đến bạn đọc một số tác phẩm của Huỳnh Uy Dũng, viết về những thắng cảnh của Hoàng thành Thăng Long nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
ĐỀN LÝ QUỐC SƯ
Từ Hàng Bông đến phố Nhà Chung
Huyện Thọ Xương xưa đất Nhị Nùng
Ấy phố Quốc Sư triều đại Lý
Đây đền thờ phụng Nguyễn Minh Không
Qua ba thế kỷ, hương còn đượm
Trải bấy tang thương, lửa vẫn nồng
Phật Thánh Tiên cùng chung một cội
Nguy nga Tam Giáo, bóng trăng lồng.
HỒ HOÀN KIẾM
Hồ xưa Bích Thuỷ, nước xanh trong
Mái đẩy, thuyền đưa, khéo thuận dòng
Thông với sông Hồng, vươn đại lãng
Hoà cùng mây biếc, vút thăng long
Trả gương, sử khép trang xương máu
Dựng bút, thơ đề chữ sắc không
“Như một lẵng hoa” thơm Lạc Việt
Ngàn năm bóng nguyệt tỏa triều dâng.
HỒ TÂY
Tây Hồ thiên cổ mãi soi gương
Trấn Quốc, Từ Hoa, điện Thụy Chương
Trải Lý Trần, từng xinh nhật nguyệt
Qua Lê Nguyễn, mãi ngát trầm hương
Dâm Đàm mấy thuở sương phơ phất
Lãng Bạc đòi phen sóng vấn vương
Dễ mấy cõi thơ trong cõi đạo
Cho Tiên Rồng mở hội văn chương.
HỒ TRÚC BẠCH
Tách tự Hồ Tây, lại đổi tên
Thành Hồ Trúc Bạch nõn nà duyên
Với bao cung nữ bên khung cửi
Dệt những xiêm y giữa cõi huyền
Vòi vọi gốc tùng Sơn Thượng Thánh
La đà bóng liễu Thuỷ Trung Tiên
Cổ Ngư dấu ấn La Thành cũ
Cùng với Thăng Long một thệ nguyền.
HỒ THIỀN QUANG
Hồ Thiền Quang giữa đất Thăng Long
Bốn cạnh đường phô bốn “cạnh lòng”
Bên Nguyễn Du, bên Trần Bình Trọng
Là Quang Trung, là Trần Nhân Tông
Mỗi tên mang một niềm chung thuỷ
Từng phố chen từng nỗi sắc không
Ánh sáng của Tâm vào tĩnh lặng
Chiếu soi Hà Nội suốt thu đông.
CẦU THÊ HÚC
Thần Siêu thánh Quát nếp tao nhân
Còn để nơi đây dấu đẹp thần
Dải yếm Hồng La xinh vọng cổ
Nhịp cầu Thê Húc khéo nghinh tân
Ví không có đó làm phương tiện
Hỏi lấy chi đây đẹp Tấn Tần
Tháp Bút, đài Nghiên còn mãi đó
Cho Phương Đình ngát ngát thiên xuân.
NÚI BA VÌ
Ba Vì: núi tổ của quê ta
Nguyễn Trãi từng phen đã nói ra
Một dãy non thiêng dâng hạo khí
Trăm ngôi đền cổ vọng huyền ca
Địa linh: tỏa bạch hào muôn dặm
Nhân kiệt: trao kim bảng vạn nhà
Rồng đó tiên đây duyên hạnh ngộ
Thiên thu bất tận nước sông Đà.
NÚI TỬ TRẦM
Ngoại thành Hà Nội cách không xa
Nguyên bãi đồng bằng thoát hiện ra
Hữu, dãy rừng Ngang, xanh thăm thẳm
Tả, dòng sông Hát, biếc ngân nga
Động Long Tiên nọ phô nghìn vẻ
Núi Tử Trầm kia dựng một tòa
Dấu ấn Lý Trần Lê mãi mãi
Chùa Vô Vi ngự giữa lòng ta.
(còn tiếp)
NĐ – QH (thực hiện)
 Mời bạn đọc kỳ tiếp theo: Số 780 – Thứ 4 ngày 03-2-2010 

Bình luận (0)