Chính sách tín dụng đối với khu vực nông nghiệp – nông thôn đã được mở rộng theo một nghị định riêng của Chính phủ. Nhiều ngân hàng thương mại cũng đã xác định thời gian tới sẽ tập trung tăng cường nguồn vốn cho khu vực nông nghiệp.
Vay 500 triệu đồng không cần thế chấp
Theo Nghị định 41 vừa được Chính phủ ban hành, kể từ ngày 1-6-2010, cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp được xét cho vay, không cần bảo đảm bằng tài sản, tối đa đến 50 triệu đồng.
Cũng với hình thức cho vay không cần thế chấp tài sản, các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn được xét cho vay tối đa đến 200 triệu đồng; hợp tác xã, chủ trang trại được cho vay tối đa đến 500 triệu đồng.
Ngoài ra, tổ chức tín dụng sẽ cho vay tín chấp đối với cá nhân, hộ gia đình, trên cơ sở có bảo đảm của các tổ chức chính trị – xã hội ở nông thôn.
Theo Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, các quy định trước đây về cho vay nông nghiệp đã có từ hơn 10 năm và hiện không còn phù hợp. Nếu duy trì mức cho vay cũ sẽ không khuyến khích các tổ chức kinh tế nông nghiệp mở rộng kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động nông thôn.
Chỉ riêng tại đồng bằng sông Cửu Long, có khoảng 80% nông dân phải vay vốn sản xuất từ “tín dụng đen” để mua giống cây trồng, phân bón, thuốc trừ sâu… Đây chính là lý do khiến “tín dụng đen” phát triển mạnh tại khu vực này.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn khoảng 231.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 17%-18% tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng. Trong đó, riêng dư nợ cho vay ở ĐBSCL là 71.000 tỷ đồng.
“Dư nợ này chiếm khoảng 30,6% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên toàn quốc, nhưng vẫn chưa thấm tháp vào đâu so với nhu cầu vốn ở khu vực này” – ông Nguyễn Danh Trọng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) nói. Theo tính toán của Bộ NN-PTNT, hiện nhu cầu vốn ngân hàng chiếm khoảng 40% giá thành sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL.
Nông dân Hậu Giang cần vốn để đầu tư giống lúa mới. Ảnh: C.PHONG
|
Dành 3.000 – 5.000 tỷ đồng cho ĐBSCL
Trên thực tế, đến nay mới chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) có dư nợ tín dụng lớn đối với lĩnh vực nông nghiệp. Một số ngân hàng khác cho vay nông nghiệp nhưng dưới dạng hỗ trợ xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu… còn vốn trực tiếp đến nông dân rất hạn chế.
Tuy nhiên, thực tế này có thể sẽ thay đổi và nông thôn sẽ là thị trường mà nhiều ngân hàng hướng tới. Mới đây, Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank) có kế hoạch, trong giai đoạn 2010 – 2013, ngân hàng này sẽ cho vay lĩnh vực nông thôn khoảng 3.000 – 5.000 tỷ đồng để đẩy mạnh tín dụng nông nghiệp ở ĐBSCL (riêng năm 2010 sẽ cho vay khoảng 1.200 tỷ đồng, thí điểm ở Hậu Giang, Cần Thơ, và An Giang).
Đối tượng của chương trình là hộ nông dân; chủ trang trại; các hợp tác xã ở nông thôn; tổ chức và cá nhân cung ứng dịch vụ phục vụ nông nghiệp, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp; các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tín dụng sẽ được cấp trực tiếp tới các hộ nông dân, doanh nghiệp; hoặc cấp tín dụng thông qua tổ vay vốn có sự giám sát của Hội Cựu chiến binh.
Về thủ tục cho vay, TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT LienVietBank cho biết, hiện nay vấn đề khó khăn nhất là việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh để ngân hàng làm căn cứ cho vay vốn. Vì thế, LienVietBank sẽ áp dụng thủ tục đơn giản, cán bộ tín dụng sẽ trực tiếp tư vấn và làm giúp phương án cho nông dân.
Và phương án này cũng chỉ làm sơ bộ chứ không nhất thiết phải máy móc theo khuôn mẫu thì mới cho vay vốn. “LienVietBank sẽ là ngân hàng cổ phần đầu tiên đi tiên phong trong việc kéo lãi suất vùng nông thôn xuống thấp, khắc phục tình trạng cho vay nặng lãi và bán lúa non ở nông thôn” – TS Nguyễn Đức Hưởng cam kết.
Nông dân là ân nhân của ngân hàng
Dự kiến, ngày mai, 22-4, tại Hậu Giang, LienVietBank tổ chức buổi tọa đàm “Ngân hàng Liên Việt và Hội Cựu chiến binh Việt Nam chung sức giúp nhà nông” nhằm triển khai Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12-4-2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội và Agribank áp dụng cơ chế cho vay thông qua các “tổ vay vốn”, chủ yếu là Hội Phụ nữ với cơ chế “khoán tài chính”.
Còn LienVietBank sẽ tập trung cho vay vốn thông qua Hội Cựu chiến binh. Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, ở đâu cũng có bộ đội về phục viên, nghỉ hưu nên đây là lực lượng lớn: “Thông qua Hội Cựu chiến binh, chúng tôi thực hiện được hai mục tiêu là vừa đẩy mạnh tín dụng nông nghiệp, vừa có thể hỗ trợ những người đã từng đổ máu xương cho đất nước có được ngày hôm nay”.
LienVietBank sẽ tính toán mức phí hoa hồng nhất định theo hướng vừa kết hợp giữa ký hợp đồng và giao khoán.
Khi hỏi về rủi ro lĩnh vực cho vay ở nông thôn mà nhiều ngân hàng lo ngại, TS Nguyễn Đức Hưởng tâm sự: “Tôi có thâm niên ở Agribank, tôi rất hiểu rủi ro đối với cho vay ở sản xuất nông nghiệp là rất lớn nhưng đó là rủi ro phân tán, không tập trung ở một khách hàng và thực chất chính nông dân mới là ân nhân của Agribank, trong đó Agribank là ngân hàng đi đầu chuyển tải vốn góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam. LienVietBank sẽ chung tay cùng Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội giúp nông dân vùng ĐBSCL – những khách hàng lớn, ân nhân của ngân hàng mở rộng thị trường tín dụng trong tương lai. Chính nhà nông mới thực sự là ân nhân của ngân hàng”.
NGUYÊN QUÂN / SGGP
Bình luận (0)