Dù ngành may mặc Việt Nam đang phát triển mạnh với hàng loạt thương hiệu lớn, nhưng thị trường nội địa vẫn còn chỗ cho hàng thời trang xuất khẩu. Tuy nhiên, dù là hàng trong nước nhưng không dễ để mua được sản phẩm thời trang xuất khẩu chính hiệu.
Thị hiếu hàng xuất
Bên cạnh hàng thời trang của các thương hiệu có uy tín như NinoMaxx, Blue Exchange, Việt Thy, PT 2000, Foci…, người tiêu dùng còn tìm đến hàng thời trang xuất khẩu. Với các đặc điểm: chất liệu vải tốt, mặc lâu bị “xuống nước”, nhiều kiểu dáng đẹp, hàng xuất khẩu không chỉ được xem là lựa chọn hàng đầu của giới trẻ chưa kiếm ra tiền, mà còn là khám phá riêng của giới nhân viên văn phòng.
Hàng thời trang xuất khẩu thật gải lẫn lộn |
Tại TP.HCM hiện có ba nơi chuyên bán hàng thời trang xuất khẩu là Lucky Plaza, Master Zone, Saigon Square và hàng trăm cửa hàng lớn, nhỏ khác. Tuy nhiên, nổi tiếng nhất trong làng bán “thời trang xuất khẩu” vẫn là Saigon Square với rất nhiều khách Tây và khách Việt đến mua sắm.
Nếu Lucky Plaza có thế mạnh về các loại trang phục thông thường như quần jean, áo sơ-mi, áo thun, váy, đầm, veston…, thì Saigon Square lại nổi tiếng với thời trang trẻ em và “hàng độc” dành cho tuổi trung niên. Cô bạn bán hàng tại Saigon Square cho biết, không ít người, nhất là các chị trung niên, đã tranh thủ giờ nghỉ trưa dạo vài vòng “lùng” những bộ cánh mới.
Chị đồng nghiệp làm cùng phòng với tôi là một “fan” của thời trang xuất khẩu, nên tháng nào cũng đôi, ba bận đến các trung tâm này. Khi chị mua đôi giày, lúc chiếc áo hay bộ đầm đi chơi…, món nào cũng có giá không quá 200.000 đồng. Chị bảo: “Hàng này là của các công ty Việt Nam gia công cho nước ngoài, phần lớn nguyên phụ liệu đều là hàng nhập, nên cũng coi như mình xài đồ hàng hiệu nước ngoài!”.
Ngoài những trung tâm trên, những người ưa thích loại thời trang này còn lùng sục ở các con đường tập trung nhiều cửa hàng bán quần áo, giày dép: Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Lê Văn Sỹ, Nguyễn Trãi, Cao Thắng… Mỗi cửa hàng trên những con đường này có thế mạnh riêng và giá bán cũng khác nhau. Mua loại hàng này tất nhiên phải chấp nhận có vài lỗi nhỏ và phải chịu khó săn lùng vì rất khó kiếm được cỡ phù hợp với kích thước của người Việt. Tuy nhiên, vì là hàng bị lỗi, hàng không có đủ cỡ nên trở thành hàng “độc”, không “đụng hàng”.
Xuất… tại chỗ
Theo một nhà kinh doanh trong ngành may mặc tại TP.HCM, không phải tất cả các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này đều bán đúng hàng xuất khẩu. Hiện cũng có không ít cửa hàng nhỏ lẻ nhập hàng sản xuất tại Trung Quốc, hoặc hàng không rõ nguồn gốc rồi “lên đời” thành hàng Việt Nam xuất khẩu.
Thậm chí, họ còn trộn cả “hàng chợ”, hàng chất lượng kém của những cơ sở nhỏ, không có nhãn mác vào để bán. Người bán thường giải thích những sản phẩm này do bị lỗi trong quá trình sản xuất nên không có nhãn mác. Hàng loại này nhìn cũng rất đẹp, bắt mắt, nhưng dùng lâu sẽ bị giãn, phai màu, xù lông. Và dĩ nhiên, nếu khách hàng không có kinh nghiệm sẽ rất khó phát hiện.
Dù không đúng là hàng xuất khẩu (nên giá bán thật sự cũng không cao lắm), nhưng nắm tâm lý thích mua đồ giảm giá của phần lớn người tiêu dùng, các cửa hàng này đã đua nhau giảm giá để thu hút khách. Trên một số con đường tại TP.HCM, người qua lại dễ dàng bắt gặp các bảng giảm giá 20%, 30%, 50%, thậm chí có nơi giảm giá đến 70%.
“Điều đáng nói là các bảng giảm giá này treo quanh năm suốt tháng. Và phần nhiều là “nâng giá lên cao sau đó treo biển giảm giá để đánh lừa khách hàng”, nhiều người khẳng định như vậy. Tại một cửa hàng trên đường Cao Thắng, sau một hồi xem cái này, thử cái kia, tôi định mua hai chiếc áo “vừa mắt” nhất, nhưng cô bạn ghé tai nói nhỏ: “Thôi đến chỗ khác lựa tiếp đi. Ở đây toàn hàng cấp thấp mà giá lại mắc nữa”.
Hàng xuất khẩu hiện nay có đủ loại “thượng vàng hạ cám”, nếu không rành nhiều khi “ôm” phải hàng “made in Chợ Lớn”, áo thun giãn chỉ sau 1 – 2 lần giặt. Lời chỉ dẫn từ các “chuyên gia mua hàng xuất khẩu” là mua loại hàng này phải kiểm tra kỹ từ mẫu mã, kiểu dáng cho đến chất liệu vải, đường kim mũi chỉ. Tốt nhất là nên chọn cửa hàng uy tín.
Theo DNSG
Bình luận (0)