Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Loay hoay với cơ cấu công nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Ngành công nghiệp ở Việt Nam nhiều năm gần đây đã phát triển nhanh và khá ổn định. Tuy nhiên, còn có nhiều ý kiến cho rằng tăng trưởng của khu vực này không hẳn là sự tăng mạnh về chất và sự dịch chuyển cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng chế tạo, chế biến sâu là rất chậm.
Ngành công nghiệp nào là mũi nhọn?
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Việt Á, doanh nghiệp chuyên kinh doanh và đầu tư phát triển trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo thiết bị điện nói với TBKTSG bên hành lang Quốc hội rằng nhiều khi bà cũng cảm thấy lúng túng, loay hoay trong việc định hướng phát triển doanh nghiệp của mình vì không thấy một chính sách phát triển công nghiệp lâu dài hay nhất quán từ chính sách vĩ mô. “Chính sách phát triển công nghiệp ngắn hạn, cho một ngành cụ thể ví dụ như cơ khí, đóng tàu… thì có song việc thực thi nhiều khi không nghiêm túc nên không mang lại hiệu quả”, bà Loan nói.
Công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là lắp ráp, khó có thể cạnh tranh được với thế giới. Ảnh: Lê Toàn.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, người từng nhiều năm điều hành doanh nghiệp ngành dệt may, nay lại đầu tư phát triển lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp cho rằng việc chọn ngành công nghiệp nào là mũi nhọn để đạt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa là thực sự cần thiết. “Nhưng cơ bản là như thế nào cần phải được làm rõ thông qua các quy hoạch, chiến lược phát triển công nghiệp thống nhất để khi nhắc đến ngành đó, người ta nghĩ ngay đến Việt Nam và khi nghĩ đến Việt Nam là người ta biết ngay có ngành đó phát triển. Kiểu như sản xuất và xuất khẩu công nghiệp ô tô và điện tử thì người ta nghĩ ngay đến người Nhật”.
Bà Loan thì cho rằng, không thể nhìn sang các quốc gia công nghiệp phát triển khác có sản xuất thép, sản xuất ô tô, điện tử hay đóng tàu thì Việt Nam cũng làm như vậy vì sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam và ngành công nghiệp Việt Nam nói chung so với thế giới là rất thấp. Nhất là trong khi Việt Nam xuất phát điểm là quốc gia có nền kinh tế nông nghiệp, với 70% dân số ở nông thôn và làm nông nghiệp hoặc các ngành nghề liên quan. Bà Hường gợi ý nếu Việt Nam muốn cơ bản trở thành quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại hóa thì phải ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến sâu và công nghiệp phụ trợ.
Sức ỳ của chuyển dịch cơ cấu công nghiệp
Mục tiêu của ngành công nghiệp trong năm 2010 là “phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất và giá trị gia tăng công nghiệp ở mức cao nhất (giá trị sản xuất tăng 12% so với năm 2009, giá trị gia tăng toàn ngành tăng 5,7% so với thực hiện năm 2009). Để hoàn thành những mực tiêu này, bộ đề ra nhiệm vụ chủ yếu là nhanh chóng phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp đều khắp các ngành, các địa phương. Phát triển mạnh các ngành và sản phẩm công nghiệp có thị trường, sức cạnh tranh cao, đáp ứng như cầu trong nước và có khả năng giải quyết nhiều việc làm. Các ngành được hướng đến là điện, than, thép xây dựng, xăng dầu, phân bón…
Tất cả những mục tiêu trên, theo một chuyên gia lâu năm ở Bộ Công nghiệp (cũ) là đều mang tính định lượng, ôm đồm thay vì chọn ra một số điểm nhấn phát triển ưu tiên, dần lồng vào kế hoạch thực tế hàng năm để tạo nên tính định hình rõ rệt cho một nền kinh tế cơ bản phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại. “Quá nhiều ngành công nghiệp đều được hướng tới phát triển. Vậy đâu là công nghiệp “lõi” của ngành, tạo nên hiệu ứng và sức lan tỏa rộng cho các ngành khác trong cùng lĩnh vực? Hơn nữa, công nghiệp tạo nên giá trị gia tăng cao, theo hướng hiện đại không phải là công nghiệp thâm dụng nhiều lao động như Bộ Công Thương đặt ra”, ông phân tích.
Điều này phần nào giải thích rằng, việc tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm vẫn đạt mức khá cao nhưng không phải là tăng trưởng mang tính ổn định và bền vững. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong một báo cáo thẩm tra mới nhất về tình hình kinh tế – xã hội (bổ sung) năm 2009 cảnh báo: hệ số giá trị sản xuất công nghiệp/giá trị gia tăng ngành công nghiệp quí 1-2010 lên tới 2,46 lần (13,3/5,4), cao hơn các năm trước. Năm 2009 là 1,9 lần, năm 2008 là 1,62 lần. Điều này nếu không được cải thiện trong những năm tiếp theo, sẽ dẫn đến điều gì? Hệ số ICOR năm 2010 sẽ rất cao, do thâm dụng vốn để tạo ra tăng trưởng cho ngành công nghiệp. Điều này sẽ ảnh hưởng không chỉ đến riêng ngành công nghiệp.
Khi phân tích cơ cấu ngành kinh tế cho bản Đề án tái cơ cấu nền kinh tế theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định rằng, mặc dù ngành công nghiệp chế biến luôn chiếm tỷ trọng chủ yếu (85,6%) và có xu hướng tăng hơn các ngành khác nhưng chuyển dịch cơ cấu chậm và không đáng kể. Chế biến thì chủ yếu là sơ chế, nguyên liệu hầu hết thì nhập khẩu từ nước ngoài nên giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp chế tác, các ngành có hàm lượng kỹ thuật cao và giá trị lớn chỉ chiếm khoảng 7-8% trong công nghiệp chế biến. Do vậy, ngành công nghiệp nói chung thiếu sức bật để tạo nên đột phá, hình thành một con đường đi rõ ràng là điều dễ hiểu.
Theo Thesaigontimes

Bình luận (0)