Chấp nhận, tính toán, nghe ngóng, kết chuyển vào giá thành sản phẩm… là những cân nhắc cân não của doanh nghiệp trước biến động của tỷ giá.
Chấp nhận và coi biến động tỷ giá là một trong những yếu tố rủi ro thường xuyên trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là cách mà ông Trần Tuấn Dương, giám đốc sản xuất thép, tập đoàn Hoà Phát ứng phó với biến động tỷ giá.
Dự phòng trước
Theo ông Dương, năm nào tỷ giá cũng biến động. Với nhu cầu từ 10 – 20 triệu USD/tháng, nên công ty không thể thấy có biến động là mua về tích trữ. Hơn nữa, biến động tỷ giá cũng giống như những biến động khác như: xăng dầu, nước, điện, hàng hoá… Vì vậy, doanh nghiệp phải lượng hoá được những rủi ro ấy trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Cũng theo cách chấp nhận những biến động của tỷ giá, nhưng ông Đỗ Văn Trắc, tổng giám đốc công ty cổ phần Cáp và vật liệu viễn thông đang phải đau đầu tính xem tăng giá như thế nào cho hợp lý để trúng thầu trong đợt bỏ thầu tới. “Với lần điều chỉnh tỷ giá này, nếu không kết chuyển vào giá thành sản phẩm thì có nguy cơ lỗ, còn nếu kết chuyển thì lo khả năng trúng thầu không cao. Cạnh tranh trong lĩnh vực này tương đối cao, chỉ cần chênh nhau 0,1% về giá cũng có thể rớt thầu”, ông Trắc lo lắng.
Ngưng vay USD
Còn với công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà, động thái được coi là hiệu quả nhất trong mấy ngày tới là nghe ngóng tình hình. Ông Đặng Minh Quang, phó giám đốc Sơn Hà cho rằng, theo dõi biến động tỷ giá trong thời gian tới sẽ diễn biến thế nào để đưa ra phương án trả nợ khoản vay USD ngân hàng cuối năm như thế nào cho có lợi nhất.
Theo tính toán của ông Lê Thanh Dương, tổng giám đốc công ty cổ phần Trường Sơn, nếu vay 1 triệu USD với lãi suất 6,5%/năm, thời hạn sáu tháng, với tỷ giá là 19.600 đồng/USD, trả lãi cuối kỳ, doanh nghiệp phải trả lãi là 32.500 USD, tương đương với 637 triệu đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải trả thêm 500 triệu đồng do biến động tỷ giá từ 19.100 đồng/USD lên 19.600 đồng/USD. Như vậy, số tiền doanh nghiệp thực trả trong sáu tháng là 1.137 triệu đồng. Cùng số tiền, thời hạn vay đó nhưng với tiền VND, doanh nghiệp phải trả 1.337 triệu đồng. Như vậy, doanh nghiệp vay USD vẫn chênh được 200 triệu đồng so với vay tiền VND và vay bằng USD vẫn có lợi cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc có tiếp tục vay mới bằng USD hay không, doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc, bởi nếu tỷ giá tiếp tục lên 19.800 đồng/USD thì khoản tiền phải trả ngân hàng khi vay USD và VND trở nên cân bằng. Còn khi tỷ giá ở mức 19.900 đồng/USD, vay USD bây giờ, đến khi đáo hạn sẽ lỗ so vay VND.
Chưa vội bán USD, bán vàng
Đối tượng hưởng lợi sau đợt điều chỉnh tỷ giá này xem ra cũng không mấy “hỉ hả” khi đối tác ở các nước châu Âu, Hoa Kỳ đang gặp khó khăn nên giảm lượng nhập khẩu và giãn thời gian thanh toán lên 120 ngày, 180 ngày. Ông Lâm Ngọc Khuân, giám đốc công ty xuất khẩu thuỷ sản Phương Nam, cho biết, công ty vay USD, trả bằng USD nên không dư được nhiều USD để bán cho ngân hàng. “Nếu có USD để bán cho ngân hàng, công ty muốn bán cho ngân hàng với giá thương mại, mặc dù, giao dịch theo giá này, mỗi USD, doanh nghiệp chỉ lãi thêm được 50 – 60 đồng/USD”, ông Khuân nói.
Ông Nguyễn Thiện Toàn, tổng giám đốc tổng công ty Chè Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến hết tháng 7.2010, tổng công ty mới bán cho hệ thống ngân hàng khoảng 12 triệu USD. Hiện còn khoảng 2 triệu USD nữa chưa đến hạn thanh toán từ các đối tác châu Âu.
Tuy nhiên, quyết định tăng tỷ giá của ngân hàng Nhà nước đã tạo cơ hội cho ngân hàng có thêm nguồn thu ngoại tệ từ việc thu gom vàng và xuất khẩu. Giá vàng tăng cao, khiến người dân bán vàng và ngân hàng tích cực thu gom.
Ông Phạm Quyết Thắng, tổng giám đốc ngân hàng Dầu khí tính toán, nếu lấy giá vàng thế giới 1.235 USD/ounce quy đổi theo tỷ giá VND/USD là 19.540 đồng/USD, giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới khoảng 220.000 đồng/lượng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, ngân hàng vẫn có thêm khoản lợi nhuận khoảng 50.000 đồng/lượng. Chính vì vậy mà lượng vàng do dân bán ra trong mấy ngày qua được một số ngân hàng có lợi thế về vàng thu gom tích cực.
Cùng với việc tăng tỷ giá, một số ngân hàng cũng tăng lãi suất tiền gửi USD với biên độ tăng từ 0,15% đến 0,20%/năm cho kỳ hạn từ 1 – 9 tháng như ở ACB. Động thái này được đánh giá là phản ứng của ngân hàng nhằm giữ nguồn USD bởi họ lo ngại người dân sẽ rút USD bán khi thấy giá USD tăng.
Nguồn SGTT
Bình luận (0)