Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp kêu khổ vì giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

Ùn tắc giao thông là vấn đề mà doanh nghiệp (DN) Nhật Bản bức xúc nhất trong buổi gặp gỡ lãnh đạo UBND TPHCM và các sở, ban ngành diễn ra vào hôm qua (27.8).
Đây cũng là bức xúc chung của cộng đồng DN ở VN.
Taxi tạo ấn tượng xấu
Đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại TPHCM, ông Ryuhei Shimasaki cho biết, hầu hết các chuyến bay từ Nhật tới Tân Sơn Nhất đều rơi vào khoảng giữa đêm về sáng nên tại sân bay có tình trạng tiền taxi chỉ 5 USD nhưng tài xế ghi phiếu 8 USD, tài xế cho biết đồng hồ tính cước bị hư rồi hét giá cắt cổ, không có nhân viên hướng dẫn xếp hàng đón taxi, tài xế không nói rõ ai chịu phí ra cổng, từ chối chở khách, tài xế cư xử mất lịch sự… Các DN Hàn Quốc cũng từng lên tiếng về những bức xúc trên.
Kẹt xe ở TP.HCM khiến DN lo ngại – Ảnh: Đ.N.T
Ông Phan Lê Hoan, Giám đốc Công ty dịch vụ hàng không miền Nam, thừa nhận phản ánh trên là đúng. “Hiện có 11 hãng taxi được phép khai thác trong sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó có một số hãng hoạt động không tốt, nhất là từ 10 giờ đêm cho đến sáng. Các tài xế tạo ra việc thiếu xe ảo để rồi từ chối nhận khách này mà chọn khách kia hoặc ra giá. Chúng tôi vừa đình chỉ hoạt động hai hãng taxi là Hoàn Long và Happy vì có hành vi từ chối và trả giá với khách ở sân bay”, ông Hoan nói. Theo ông, hành khách có thể phản ánh tiêu cực vào đường dây nóng của hãng. Tuy nhiên các DN Nhật cho rằng, điều đó là rất khó bởi nhiều nhà đầu tư lần đầu tới VN. “Ở Bangkok, khách đi taxi từ sân bay vào trung tâm được phát một cái thẻ, trong đó ghi rõ tên tài xế, số xe và hướng dẫn cách gọi đường dây nóng. Nếu các hãng taxi ở Tân Sơn Nhất cũng làm vậy thì chúng tôi yên tâm”, ông Ryuhei Shimasaki đề xuất. 
Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM khuyến cáo: “Chính sự chậm trễ trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng đã làm giảm đáng kể sự hấp dẫn của thành phố (đối với nhà đầu tư – PV)”. Riêng ông Tetsumi Murata, quyền Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, cảnh báo: Nếu TP.HCM không giải quyết được những ảnh hưởng của ùn tắc giao thông sẽ tác động lớn đến sự phát triển của thành phố. Trong khi TP.HCM là đầu tàu kinh tế của VN và do đó, sẽ ảnh hưởng đến kinh tế VN.

Vấn nạn ùn tắc

Giao thông tiếp tục làm mất điểm hình ảnh TP.HCM khi khách vào trung tâm. “Hạ tầng đường bộ, chỗ đậu xe ô tô, xe máy quá nghèo nàn và việc chấp hành cũng như xử lý vi phạm luật giao thông chưa thực hiện triệt để, dẫn đến ùn tắc giao thông xảy ra khắp nơi và rất thường xuyên”, Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM viết trong thư trình lên UBND TP.HCM ngày 29.7.2010.
Một DN Nhật cho biết, những thiệt hại đối với họ là khó tính ra được bằng tiền. “Các DN sản xuất có thể tính được, nhưng tiền bạc của chúng tôi nằm trong cơ hội và thời gian, cả mất uy tín với đối tác những lần trễ hẹn vì ùn tắc giao thông”, DN này phát biểu.
Ông Phạm Quốc Chư, đại diện Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, cho rằng sở dĩ tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng hơn là do hạ tầng giao thông cần phải nâng cấp. Nhiều nhất là hệ thống cấp thoát nước, đặc biệt những dự án vay vốn ODA và Ngân hàng Thế giới cần phải kết thúc sớm nên tập trung thi công ở nội thành, góp phần cho câu chuyện kẹt xe trở nên nóng bỏng. “Tuy nhiên, 6 tháng qua số vụ kẹt xe ở TP.HCM giảm 11 vụ, tương đương 30%. TP cũng quy hoạch 6 bãi đậu xe ngầm ở trung tâm, nhưng chỉ mới có cái ở Công viên Lê Văn Tám khởi công, còn ở Trống Đồng đang chuẩn bị. Về đèn tín hiệu giao thông, chúng tôi đang đề xuất thành phố xây dựng nguồn điện riêng cho đèn giao thông”, ông Chư khẳng định.  
Thiệt hại lớn
Ông Phạm Xuân Hồng, TGĐ Công ty may Sài Gòn 3, nói tình trạng hàng hóa trễ tàu do kẹt xe là chuyện thường xuyên. Nhưng DN nhờ có mối quan hệ thân thiết với đối tác nên ra sức thương lượng rồi năn nỉ thì mọi việc cũng qua, không bị bắt đền. “Mà năn nỉ hoài cũng mất uy tín. Nên DN tìm cách này cách nọ để khắc phục tình hình, chẳng hạn chi thêm tiền cho tài xế để chạy đêm khuya hoặc kéo đến cảng sớm hơn một ngày và chịu thêm chi phí lưu container”, ông Hồng cho hay.
Theo ông Đặng Quốc Dũng, Phó giám đốc Công ty du lịch Hòa Bình, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 40 – 45% giá thành thuê xe. “Từ nội thành TP.HCM ra khỏi cầu Đồng Nai khoảng 30 km, nhưng thời gian vận chuyển của một xe 45 chỗ bằng quãng đường 70 km. Tương tự, từ trung tâm thành phố đến sân bay Tân Sơn Nhất nếu đường không kẹt xe chỉ mất khoảng 20 phút, nhưng trường hợp rơi vào giờ cao điểm thì có thể mất tới 1 giờ”, ông Dũng cho biết.  
Tính toán của ông Dũng cho thấy, một xe 45 chỗ đi từ trung tâm thành phố tới sân bay Tân Sơn Nhất trong 20 phút tốn 15 lít xăng. Như vậy, nếu đi trong 1 giờ sẽ đẩy số xăng hao tốn tăng lên thêm 30 lít. Còn đi ra khỏi cầu Đồng Nai, xe sẽ “ăn” hết 40 lít xăng, gấp đôi bình thường. “Chúng tôi tính định mức xăng cho tài xế ở những cung đường trong thành phố lên gấp đôi và DN phải chấp nhận giảm lợi nhuận”, ông Dũng kết luận.
N.Trần Tâm / TNO

Bình luận (0)