Tiềm năng nhưng rất nhạy cảm trước rủi ro thị trường lẫn các tác động khách quan khác, cổ phiếu cao su thường chỉ được xem là lựa chọn đầu tư ngắn hạn.
Từ đầu năm đến nay, ít nhất có 5 công ty chứng khoán, gồm Đại Việt, MHB, Tân Việt, Sài Gòn – Hà Nội, VietStock đánh giá cao triển vọng của ngành cao su tự nhiên trong năm 2010 nhờ sự phục hồi kinh tế. Trong khi đó, ngành cao su chế biến lại gặp khó khăn do giá cao su tự nhiên liên tục tăng cao trong những tháng đầu năm.
NIềm vui và nỗi buồn
Theo tổ chức nghiên cứu cao su quốc tế IRSG, năm 2010, nhu cầu cao su tự nhiên của thế giới sẽ tăng 8% so với năm 2009, tức khoảng 10,43 triệu tấn. Con số này sẽ tăng thêm 1,1 triệu tấn trong năm 2012 và 3,4 triệu tấn ở những năm tiếp theo.
Trong khi đó, nguồn cung lại có xu hướng giảm xuống. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đã giảm trên 6% trong năm 2009 và dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm trong năm nay do El Nino gây ra khô hạn. Vì thế, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2010, giá cao su thế giới liên tục tăng, có lúc bị đẩy lên mức xấp xỉ 4.000 USD/tấn (4.2010). Tuy giá cao su hiện đã giảm xuống, nhưng vẫn xấp xỉ 3.000 USD/tấn.
Tình hình này đã và đang có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam 4 tháng đầu năm 2010 đã đạt 155.750 tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch tăng đến 115,6%, đạt 419.48 triệu USD nhờ xuất khẩu được giá. Vì thế, trong quý I/2010, phần lớn các doanh nghiệp trồng cao su đều đạt kết quả kinh doanh khả quan như Cao su Đồng Phú (DPR), Cao su Phước Hòa (PHR).
Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu Công ty Quản lý Quỹ VietFund, do mỗi doanh nghiệp có những đặc thù hoạt động và lợi thế riêng, nên cần phân tích kỹ khi đánh giá.
Hiện tại, triển vọng nghiêng về những doanh nghiệp có diện tích trồng và khai thác cao su tốt. Chẳng hạn, DPR và Cao su Tây Ninh (TRC).
Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang quan tâm đến những đơn vị có nguồn thu khác. Bởi lẽ, khi không khai thác được mủ do yếu tố mùa vụ (như trong quý I, quý II), những khoản lợi nhuận từ bán hàng tồn kho, thanh lý cây… trở nên có ý nghĩa.Chẳng hạn, PHR gia tăng thêm 13 tỉ đồng lợi nhuận trong quý I/2010 nhờ thanh lý 154 ha cao su già cỗi. Dự kiến, trong các tháng còn lại của năm, PHR sẽ tiếp tục thanh lý khoảng 600 ha cao su, thu về thêm 40 tỉ đồng.
Tuy nhiên, thanh lý vườn cao su cũng có nghĩa diện tích và sản lượng khai thác sẽ bị thu hẹp. Ước tính, sản lượng khai thác của PHR sẽ giảm từ 23.000 tấn năm 2009 xuống còn 21.609 tấn trong năm nay. Để mở rộng diện tích, PHR đã tham gia thành lập Công ty Phước Hòa – Kampong Thom để trồng 9.184 ha cao su tại Campuchia. DPR cũng triển khai kế hoạch trồng 10.000 ha cao su ở Campuchia bên cạnh việc thành lập Công ty Đồng Phú-Đăk Nông để trồng 4000 ha cao su tại Tây Nguyên.
Trong khi đó, nhóm cao su chế biến gồm Cao su Đà Nẵng (DRC), Cao su Miền Nam (CSM), Cao su Sao Vàng (SRC) lại kinh doanh không mấy thuận lợi trong những tháng đầu năm 2010. Giá cao su tự nhiên liên tục tăng khiến không ít đơn vị sản xuất vỏ ruột xe lao đao. Mặc dù các công ty đã tăng giá bán lên 10-20% nhưng so với biến động giá cao su, mức tăng giá vẫn chưa đủ để cân bằng đầu ra và đầu vào. Đó là chưa kể khó khăn do bị động về nguyên liệu đầu vào. Vì thế, ông Tuấn, VietFund, cho biết, quan điểm của VietFund trong năm nay là không đầu tư vào nhóm cổ phiếu cao su chế biến.
Rủi ro tiềm ẩn
Nhóm cổ phiếu cao su cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, đặc biệt là rủi ro thị trường. Ngay cả đối với nhóm cao su tự nhiên, không phải tất cả đều thuận lợi. Từ quý III/2010 trở đi, khi vào mùa vụ khai thác, lượng cung cao su được dự báo sẽ dồi dào hơn. Khi đó, giá cao su chắc chắn sẽ giảm xuống.
Ngoài ra, mặc dù các doanh nghiệp như PHR và DPR đã triển khai các kế hoạch mở rộng diện tích trồng cao su, nhưng ít nhất đến năm 2015, các công ty này mới có thể gia tăng được sản lượng khai thác.
Do đó, trước mắt, để cải thiện lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp như DPR, PHR, HRC tính chuyện góp vốn đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành như chứng khoán, bất động sản, ngân hàng. Chẳng hạn, HRC đã góp vốn vào tổng cộng 13 dự án. Trong đó, 49% nguồn vốn đầu tư là dành cho các khoản mục ngoài ngành như đầu tư vào Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Long Khánh, Quỹ Đầu tư Việt Long, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội, Thủy sản An Phú. Công ty Chứng khoán Đại Việt khuyến cáo, các công ty có thể gặp rủi ro nếu các lĩnh vực trên biến động.
Các doanh nghiệp còn đối mặt với những rủi ro do điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng. Khô hạn kéo dài suốt quý I đã khiến cho sản lượng khai thác của TRC giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, mặc dù giá bán tăng, nhưng lợi nhuận trước thuế của TRC vẫn giảm 16,7%.
Mặt khác, vì xuất khẩu là hoạt động chính (trung bình chiếm 60-70% sản lượng tiêu thụ), nên các doanh nghiệp cao su còn chịu rủi ro biến động tỉ giá. Đối với những công ty có tỉ lệ nợ vay cao như PHR, DPR, rủi ro về lãi suất cũng cần được tính đến.
Đây có lẽ là lý do khiến doanh nghiệp ngành cao su đã tỏ ra thận trọng khi đề ra kế hoạch lợi nhuận cho năm 2010. HRC đặt chỉ tiêu lợi nhuận chỉ 45,3 tỉ đồng, giảm 35,6% so với lợi nhuận thực hiện năm 2009.
Những điều trên đã phần nào lý giải diễn biến giao dịch thăng trầm của nhóm cổ phiếu cao su. Ngay cả lúc thị trường chứng khoán sôi động, cổ phiếu ngành này vẫn giậm chân tại chỗ.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Sacombank, P/E (hệ số giá/thu nhập mỗi cổ phiếu) trung bình của nhóm cổ phiếu cao su đã về mức hấp dẫn (6-7 lần) để xem xét mua vào. Tuy nhiên, ông Tuấn, VietFund, khuyến cáo: “Do tính chất mùa vụ, chỉ nên đầu tư ngắn hạn nhóm cổ phiếu cao su”.
Nội dung bài viết chỉ mang tính tham khảo. NCĐT không khuyến khích cũng không chịu trách nhiệm đối với những quyết định mua bán chứng khoán do tham khảo bài viết này.
Bình luận (0)