Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thi tốt nghiệp THPT năm 2012: Dự kiến bỏ thi cụm, chấm chéo

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2012 với nhiều thay đổi như bỏ thi cụm, chấm chéo, bỏ luôn thanh tra ủy quyền.

Theo đó, Bộ GD-ĐT không bắt buộc các tỉnh thành phải tổ chức thi theo cụm trường. Giám đốc sở GD-ĐT được giao quyền chủ động trong việc ra quyết định thành lập các hội đồng coi thi.
Địa phương tự chủ
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 sẽ bỏ hẳn việc chấm chéo giữa các tỉnh thành. Mỗi hội đồng có hai tổ chấm thi để đảm bảo giáo viên không chấm bài tự luận của học sinh trường mình giảng dạy. Các hội đồng coi thi bàn giao trực tiếp bài thi, hồ sơ coi thi cho hội đồng chấm thi mà không phải qua sở GD-ĐT. Đồng thời chịu trách nhiệm quản lý, chấm thi.
"Trả việc tổ chức, chấm thi cho các địa phương là điều cần thiết. Chất lượng giáo dục phổ thông không nằm ở các giải pháp này mà vấn đề là làm sao để chất lượng của học sinh cao lên, khi làm được bài thì các em sẽ không còn gian lận"
Ông Đỗ Văn Xê (phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ)

Theo dự thảo quy chế, hội đồng chấm thi phúc khảo phải có một bộ phận làm phách bài thi độc lập với các tổ chấm thi. Hội đồng chấm thi phúc khảo có một tổ chấm trên máy bài thi của các môn thi trắc nghiệm và bộ phận giám sát trực tiếp thực hiện nhiệm vụ theo hướng dẫn chấm thi trắc nghiệm của Bộ GD-ĐT.

Theo nội dung đã sửa đổi, năm 2012 Bộ GD-ĐT sẽ không thành lập các đoàn thanh tra (thanh tra ủy quyền). Giám đốc các sở GD-ĐT thành lập đoàn thanh tra thi tại địa phương để giám sát, đôn đốc việc thực hiện quy chế trong tất cả các khâu của kỳ thi. Trong trường hợp cần thiết, giám đốc sở GD-ĐT tham mưu cho ban chỉ đạo thi cấp tỉnh thành để huy động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tham gia công tác thanh tra kỳ thi tại địa phương.
Đại diện Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT cho rằng những điều chỉnh trên dựa trên cơ sở kiểm tra, đánh giá và rút kinh nghiệm từ những cái được và chưa được trong thực tế diễn ra kỳ thi của những năm qua. Giao chủ động cho địa phương có nghĩa là giao trách nhiệm cao hơn cho người đứng đầu ngành GD-ĐT các tỉnh thành. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT vẫn có những giải pháp giám sát.
Ủng hộ
Phản hồi của cán bộ quản lý tại một số địa phương cho biết những giải pháp thi cụm, chấm chéo, thanh tra ủy quyền không thật sự hiệu quả, lại khiến những người tổ chức kỳ thi, thí sinh và người dân phải vất vả, tốn kém với một quy trình cồng kềnh, phức tạp.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), “thi cụm, chấm chéo” không thật sự là giải pháp mạnh mang lại hiệu quả tích cực, vì nếu muốn người ta vẫn có thể “tiêu cực” bình thường. TS Lâm ủng hộ việc đổi mới vì “chỉ khi đã quy trách nhiệm rõ ràng và có chế tài nghiêm khắc, các địa phương sẽ phải thay đổi”. GS Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, đồng tình: “giao sự chủ động và quy trách nhiệm cụ thể” là việc nên làm trước mắt.
Trong khi đó, tuy ủng hộ quan điểm bỏ việc chấm chéo, thi cụm nhưng ông Ninh Thành Viên – phó giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang – cho biết vẫn phải duy trì chấm chéo trong tỉnh, giáo viên không chấm bài thi của trường mình để đảm bảo tính khách quan.
VĨNH HÀ – MINH GIẢNG
Theo TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)