Học sinh lo ngại khối A1 và C vì nếu rớt nguyện vọng 1, việc xét tuyển khối A1 vào các ngành sẽ hẹp hơn khối A, cũng như khối C ít trường tuyển.
Ngày 16-4 là thời hạn cuối các Sở GD&ĐT nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2012. Thống kê ban đầu, không chỉ học sinh ở các TP lớn, mà học sinh ở tỉnh, lựa chọn nhiều nhất là khối A và D.
Khối A1 và C có nơi từ 1% đến 2%
Theo thầy Võ Huy Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lấp Vò 1 (Đồng Tháp), khối A1 năm nay mới bổ sung thêm nên học sinh không biết mức độ đề thi khó, dễ như thế nào. Thêm vào đó, trình độ tiếng Anh của học sinh không được tốt nên sợ không trúng tuyển, trong khi khối A, B chỉ cần nắm kiến thức là có thể làm được bài. Thầy Võ Huy Hoàng cho biết: “Khối A, D1 và B được học sinh đăng ký nhiều nhất năm nay. Khối A1 có nhưng chỉ lác đác vài chục hồ sơ”.
Tại Trường THPT Tiểu Cần (Trà Vinh), thầy Huỳnh Văn Túy, phụ trách tuyển sinh của trường, thông tin: “Các em chủ yếu dự thi vào ngành kinh tế và công nghệ thông tin nhưng chỉ khoảng 20 hồ sơ vào khối A1, còn lại là khối A và D1. Khối C cũng như mọi năm, lác đác vài hồ sơ vì các em cho rằng cơ hội việc làm và lương không cao”.
Cô Trương Thị Kim Anh, cán bộ học vụ Trường THPT Marie Curie (TP.HCM), cho biết: Cùng một ngành, nếu có hai khối C và D1 thì học sinh sẽ chọn khối D1 hoặc A và A1 thì học sinh sẽ chọn khối A”.
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2012 tại Sở GD&ĐT TP.HCM. Ảnh: QUỐC DŨNG
Kinh tế vẫn nhiều lựa chọn
Nhiều trường THPT cho biết thí sinh dự thi vào nhóm ngành kinh tế vẫn cao hơn so với những ngành khác, dù Bộ GD&ĐT đã công khai cơ cấu ngành nghề trong đào tạo để nhắc nhở thí sinh, phụ huynh trong định hướng nghề nghiệp tương lai. Trong đó, bốn ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính-ngân hàng, kế toán là những ngành được khẳng định đã rơi vào “khủng hoảng thừa” khi người tốt nghiệp không có việc làm mà thí sinh vẫn đăng ký dự thi.
Thầy Huỳnh Văn Túy, phụ trách tuyển sinh Trường THPT Tiểu Cần (Trà Vinh), cho biết: “Trường thuộc khu vực 1, là trường vùng sâu, vùng xa nhưng các ngành khối nông lâm ngư nghiệp học sinh ít đăng ký mà phần lớn chọn vào kinh tế, công nghệ thông tin”.
Tại TP.HCM, cô Phùng Thị Nguyệt Thu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, cho biết: “Mặc dù tư vấn cho học sinh rất kỹ nhưng hằng năm lượng hồ sơ đăng ký vào các ngành kinh tế vẫn chiếm cao nhất. Năm nay có đến 45% hồ sơ của học sinh đăng ký vào các trường, ngành kinh tế”. Còn Trường THPT Gia Định, số học sinh giỏi của trường đã chuyển qua các ngành y dược, điện tử… Nhưng lượng hồ sơ nộp vào các ngành kinh tế cũng tương đương các khối ngành khác.
Tương tự, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, tỉ lệ hồ sơ vào khối ngành kinh tế chiếm 40%. Còn lựa chọn của học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong theo thứ tự là các trường ĐH Kinh tế, Bách khoa, Ngoại thương (Cơ sở 2), Y Dược, Khoa học Tự nhiên…
Trường địa phương: Lựa chọn của thí sinh tỉnh
Theo thống kê, gần 90% học sinh Trường THPT Lấp Vò 1 (Đồng Tháp) chọn đăng ký dự thi vào ba trường ĐH Đồng Tháp, Cần Thơ và An Giang. Tương tự, học sinh Trường THPT Tiểu Cần (Trà Vinh) chủ yếu dự thi vào ĐH Cần Thơ và Trà Vinh. Hơn 1/3 học sinh Trường THPT Mang Thít (Vĩnh Long) chọn vào ĐH Cần Thơ, kế đến là các trường ĐH Y Dược Cần Thơ, Xây dựng miền Tây…
Tại TP.HCM, ông Phạm Hữu Tài, cán bộ thu nhận hồ sơ của Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết: “ĐH Sài Gòn là trường chúng tôi nhận được hồ sơ nhiều nhất, kế đến là Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Tài chính-Marketing, Khoa học Tự nhiên…”.
Từ ngày 17 đến 23-4 nộp hồ sơ trực tiếp tại trường ĐH, CĐ
Theo quy định, từ ngày 17-4 đến 17 giờ ngày 23-4, nếu chưa nộp hồ sơ và lệ phí tuyển sinh theo tuyến Sở GD&ĐT thì thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại trường ĐH, CĐ có tổ chức thi với mã ĐKDT là 99. Ngoài ra, thí sinh cũng có thể nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM (số 3 Công Trường Quốc Tế, quận 3) với mã đăng ký dự thi là 98 và số điện thoại “nóng” tư vấn tuyển sinh: (08) 38295173 – 0944017700.
|
QUỐC DŨNG
Theo PLTP
Bình luận (0)