Hà Nội được dự đoán là một trong hai thành phố đứng đầu thế giới về mức tăng trưởng trung bình thực của GDP trong giai đoạn 2008 -2025.
Xuất hiện trong tà áo dài Việt Nam, bà Katheria Muller – Marin, đại diện UNESCO tại Việt Nam đã đưa thông tin này đến hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”, được tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 7 – 9/10.
Bà Katheria Muller – Marin cho biết, dự đoán nói trên được đưa ra theo một nghiên cứu mới đây do PricewaterhouseCoopers thực hiện và đăng trên ấn phẩm Triển vọng kinh tế Vương Quốc Anh.
Tuy nhiên, tiếng vỗ tay kéo dài lại được dành cho những lời phát biểu không có trong phần được chuẩn bị sẵn.
Khi, vị đại diện UNESCO tại Việt Nam kể rằng, trước khi đến hội thảo, bà đã nhận được câu hỏi của báo chí, theo bà điều gì quan trọng nhất với Hà Nội, bảo tồn di sản hay nguồn tiền thu được từ hoạt động du lịch. Câu trả lời của bà là điều đó phụ thuộc vào mong muốn sẽ thu nguồn tiền đến từ du lịch trong bao lâu. Nếu muốn thu trong một năm thì cứ việc lấp hết những "chỗ trống" của Hà Nội. Còn nếu muốn thu 10 năm, 20 năm, hay 100 năm nữa thì phải bảo tồn di sản văn hóa.
Bởi vậy, hy vọng mà vị đại diện UNESCO bày tỏ tại hội thảo là: “Hà Nội sẽ tăng cường các chính sách kinh tế và xã hội hiện hành, đảm bảo rằng những lợi ích có được từ tiến trình đô thị hóa ngày nay sẽ mãi mãi bền vững trong tương lai”.
Đưa ra quan điểm “trái với cách mọi người thường nghĩ”, bà Katheria Muller – Marin cho rằng, bảo tồn các giá trị văn hóa không phải là một điều đối lập với phát triển đô thị. Những phương thức phát triển kinh tế và hoạch định việc quản lý bảo tồn có thể được tích hợp với nhau thành một mô hình mới. Trong đó, di sản trở thành tâm điểm trong quy trình phát triển của thành phố chứ không phải đơn thuần là một phần được lắp thêm vào.
Nguyên tắc chủ chốt trong việc bảo tồn di sản văn hóa được đại diện UNESCO nhấn mạnh là khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là những người trong bộ phận doanh nghiệp. Tạo thêm nhiều cơ hội hữu hiệu hơn cho sự hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp trong việc đầu tư vào di sản đô thị là một khía cạnh thiết yếu khác của việc nâng cấp các quy trình bảo tồn dài hạn.
Trước bài phát biểu của đại diện UNESCO, ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định: trong những năm gần đây, Hà Nội đã và đang có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ và ấn tượng.
Từ năm 2000 đến nay, GDP tăng bình quân 11,45% mỗi năm, GDP bình quân đầu người tăng từ 990 USD/người/năm 2000 lên 1.765 USD/ năm 2009. Tính từ 1990 đến nay, cứ sau 5 năm giá trị sản xuất trên địa bàn thành phố đã tăng 2,5 lần.
Với môi trường đầu tư thuận lợi, từ khi thực hiện chính sách đổi mới, Hà Nội luôn nằm trong số các tỉnh, thành đi đầu trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với hơn 8000 dự án, số vốn cam kết là 18 tỷ USD. Hà Nội hiện đóng góp 12% GDP cả nước, ông Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu của mình, người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cũng nhận định, Thủ đô đang mất dần đi những vẻ đẹp vốn có. Bởi dân số đô thị tăng quá nhanh, giao thông ách tắc, môi trường ô nhiễm, các vấn đề liên quan đến quy hoạch và quản lý quy hoạch lại chưa được kiểm soát tốt…
Nhiều di sản kiến trúc của thành phố đang dần xuống cấp hoặc biến mất, kinh tế phát triển không tương xứng với tiềm năng, sự phát triển văn hóa – xã hội của Thủ đô chưa tương xứng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế, chưa xứng với vai trò, vị thế Thủ đô…, Bí thư nêu rõ.
Theo Bí thư, mong muốn của Hà Nội là hội thảo sẽ tập trung làm sáng tỏ các giá trị cốt lõi trong suốt 1000 năm lịch sử của Thăng Long – Hà Nội là “Văn hiến, anh hùng, hòa bình – hữu nghị”. Qua đó, đề xuất các giải pháp nhằm phát huy những giá trị cao đẹp của Thủ đô.
Với gần 150 tham luận, trong đó có 25 tham luận của các học giả quốc tế, theo TS. Vũ Minh Giang, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức hội thảo, các vấn đề liên quan đến Thăng Long – Hà Nội đã được đề cập khá toàn diện tại hội thảo.
Riêng về các vấn đề kinh tế – xã hội, hơn 30 tham luận đã tập trung đưa ra bức tranh đa sắc màu về tình hình kinh tế, xã hội Thủ đô và đưa ra các đề xuất phát triển bền vững theo nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Theo đó, một số vấn đề cần sớm được tập trung nghiên cứu làm rõ là bài toán quy hoạch tổng thể, giải quyết triệt để các vấn nạn, phát triển kinh tế hài hòa…
Theo chương trình, trọn ngày mai (8/10) hội thảo sẽ tập trung thảo luận theo các tiểu ban Lịch sử – chính trị; Văn hóa; Kinh tế – xã hội; Điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường và quản lý đô thị và sẽ công bố kết quả thảo luận vào sáng 9/10.
Nguồn VNECONOMY
Bình luận (0)