Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chữ ký số: Thuận tay nhưng chưa ký ngay

Tạp Chí Giáo Dục

Chữ ký số (CA) được nhắc đến nhiều hơn trong khoảng một năm trở lại đây khi tại Việt Nam đã có tới năm đơn vị được cấp phép cung cấp dịch vụ này. Tuy nhiên, khái niệm CA đối với cộng đồng vẫn còn khá mới mẻ, song nó lại là bước đi tất yếu khi giao dịch điện tử ngày càng phát triển, cụ thể từ công việc kinh doanh đến các dịch vụ hành chính công.

Cầu có, cung có
Mới đây, trong đợt tập huấn về kê khai thuế qua mạng do Tổng cục Thuế tổ chức, Công ty An ninh mạng Bkav đã cung cấp CA của Bkav (BkavCA) cho 14 cục thuế các địa phương. Việc triển khai kê khai thuế qua mạng đối với các doanh nghiệp (DN) đụng đến vấn đề CA và cần có nhà cung cấp giải pháp để hỗ trợ.

Theo ông Phạm Quang Toàn (Tổng cục Thuế), hiện cả nước đã có hơn 3.000 DN đăng ký CA để kê khai thuế qua mạng, và gần 1.500 DN tại năm tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Phúc) thực hiện gửi hồ sơ thuế điện tử, với gần 29.000 tờ khai có CA.

Theo kế hoạch, trong năm 2010 Tổng cục Thuế sẽ mở rộng diện khai thuế qua mạng lên 10.000 DN tại 19 tỉnh, thành; năm 2011 mở rộng thêm 10.000 DN nữa tại 20 tỉnh, thành; sang năm 2012 sẽ mở rộng kê khai thuế qua mạng cho hơn 300.000 DN trong cả nước.
Nhu cầu ứng dụng CA hiện rất lớn. Tính đến hết tháng 9/2010, ngành hải quan đã triển khai hải quan điện tử tại 13 tỉnh, thành phố. Theo ông Nguyễn Trần Hiệu, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin – Thống kê Hải quan thuộc Tổng cục Hải quan, việc ứng dụng CA diễn ra từ khâu người khai hải quan đến các chi cục, cục hải quan; và thủ tục này cũng liên quan đến các ngành khác như: ngân hàng, kho bạc; các khâu kiểm tra hàng hóa, hồ sơ, địa điểm kiểm tra…
Ngành hải quan hướng tới triển khai 100% CA cho thủ tục hải quan điện tử, thu thuế qua ngân hàng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tiếp nhận thông tin từ các hãng tàu…
Vừa ký vừa lo
Ông Phan Thái Dũng, Cục Công nghệ thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, cho biết, quá trình triển khai CA tại NHNN cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Khó khăn chung là thiếu kinh nghiệm về lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, việc áp dụng CA cần có hạ tầng về khóa công khai (PKI) quốc gia và kinh nghiệm triển khai PKI dùng riêng. Vào hai năm 2005-2006 cũng chưa có ứng dụng chuẩn và chính sách về CA. Chính vì thế, các đơn vị đi vào lĩnh vực này phải tự mày mò tìm hiểu và nghiên cứu.
Từ một góc nhìn khác, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM, cho rằng: “Cốt lõi của CA không phải là vấn đề kỹ thuật công nghệ vì dần dà có thể chuẩn hóa và thống nhất, mà là cơ sở pháp lý để ứng dụng CA vào đời sống”. Sở TT&TT TP.HCM thành lập trung tâm CA từ năm 2007, đến nay đã có 24 quận, huyện, 8 sở và 12 ngành đã triển khai CA.
CA được triển khai trong hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc tại các Sở TT&TT, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Xây dựng, đồng thời cũng đã được ứng dụng trong công tác chỉ đạo điều hành.
Các DN được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng là: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Công ty Công nghệ Thẻ Nacencom, Công ty An ninh mạng Bkis, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel và FPT.
Đến thời điểm này, theo ông Tuấn, hành lang pháp lý để triển khai CA khá căn cơ, từ thực tế đã có những đóng góp để điều chỉnh cho các quy định của Nhà nước, hạ tầng kỹ thuật cũng được xây dựng tương đối ổn định.
Nhưng nỗi lo lớn nhất là vấn đề an toàn thông tin của dịch vụ CA thì vẫn còn đó khi các quy định về vấn đề này vẫn chưa được ban hành.
Trên thực tế, việc dùng CA thay chữ ký thường mang tính thủ công nhưng đã quá quen thuộc cũng gặp khó khăn nhất định. Nhiều cá nhân và đơn vị còn cảm thấy lo lắng hơn, bởi một khi họ đã chấp nhận ứng dụng CA thì mọi vấn đề xảy ra cũng sẽ gắn liền với trách nhiệm của họ, có khi gây thiệt hại lớn nếu bị tin tặc tấn công để giả mạo. Từ nỗi lo này, ông La Thế Hưng, Phó trưởng ban VNPT-CA, đã đề nghị ban hành quy định về giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực CA.
Trong tương lai, khi dịch vụ công trực tuyến ngày càng phát triển thì CA sẽ được sử dụng nhiều hơn trong mối quan hệ giữa người dân, DN với các cơ quan nhà nước. TP.HCM trong giai đoạn 2011-2015 sẽ triển khai CA sâu hơn vào hệ thống thông tin nền về dân cư, kinh tế, quản lý đô thị và khoa học công nghệ, đặc biệt là trong quá trình kết nối giữa các đơn vị, khu vực, sự liên thông giữa các sở, ngành với nhau, và khi ấy, vấn đề an toàn thông tin trong lĩnh vực CA sẽ càng phải được quan tâm.
Theo DNSG

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)