Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Để ngành sữa VN phát triển bền vững

Tạp Chí Giáo Dục

Thứ Sáu ngày 29/10/2010, tại khách sạn Sofitel Sài Gòn Plaza, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên giai đoạn III đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Hội nhập kinh tế quốc tế – Những cơ hội và thách thức với sự phát triển của ngành Sữa Việt Nam”.

Sữa là một trong những ngành đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong ngành thực phẩm ở Việt Nam. Doanh thu tăng trung bình 18% năm.

Giá trị sản xuất công nghiệp của ngành năm 2008 đạt 7.083 tỷ đồng, chiếm 4,97% giá trị sản xuất công nghiệp của ngành thực phẩm đồ uống và 1,09% giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp.
“Trong tiến trình hội nhập kinh tế thị trường WTO, chăn nuôi và phát triển bò sữa Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội mới giai đoạn 2010 – 2020”
Tiêu thụ sữa bình quân đầu người tại Việt Nam ngày càng tăng, đạt 14,81 lít/người/năm 2008. Vậy nên, giá sữa lên cao trong những năm gần đây là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng.
Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương giải thích: “Doanh nghiệp trong nước tăng giá do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng và tỷ giá ngoại tệ trượt”, trong khi “Sữa nhập khẩu tăng giá do chi phí gây dựng thương hiệu của các hãng ngoại quốc rất lớn”.
Điều đáng nói là sữa nhập tuy đắt nhưng vẫn chiếm thị phần cao đến 72%, trong khi doanh nghiệp trong nước là Vinamilk chỉ 20% và Nutifood 5%, vì “tâm lý người tiêu dùng Việt Nam “sính” ngoại, “đắt mới chất lượng””.
Ông Dũng gợi ý giải pháp cho các nhà sản xuất sữa trong nước là nâng cao chất lượng, để dần dần chiếm được lòng tin người tiêu dùng. Và bên cạnh việc cải thiện máy móc sản xuất, nâng cao tay nghề công nhân, thì phải chú trọng chăn nuôi bò sữa.
Từ sau QĐ 167 của Thủ tướng Chính phủ năm 2001, ngành bò sữa Việt Nam phát triển nhanh. Trình độ và kỹ thuật chăn nuôi bò sữa được nâng cao thông qua các chương trình tập huấn.
“Hiện tại, 84,5% bò sữa được lai tạo ở Việt Nam là bò HF. Năng suất và sản lượng của bò sữa Việt Nam hiện nay là 4.000 – 4.500kg một chu kỳ”, Th.S Đỗ Kim Tuyên, Trưởng phòng Gia súc lớn, Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết.
“Trong tiến trình hội nhập kinh tế thị trường WTO, chăn nuôi và phát triển bò sữa Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội mới giai đoạn 2010 – 2020”, Ông Tuyên tin tưởng. “Và mục tiêu tương lai của ngành bò sữa là phát triển trang trại quy mô vừa và lớn để đáp ứng 34% nhu cầu tiêu dùng trong nước năm 2015 và 38% nhu cầu năm 2020”.
Đến tham dự hội thảo, ông Trịnh Quý Phổ, Tổng thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam thành lập ngày 25/3/2010 cam kết: “Hiệp hội sẽ trở thành cầu nối, liên kết các bên có liên quan trong ngành để giải quyết các tồn tại, nhằm tại sản phẩm sữa chất lượng cao cho người Việt Nam”.
Theo DNSG

Bình luận (0)