Một trong ba yếu tố để thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo từ 1/1/2011 là có ít nhất một cơ sở xay, xát lúa gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ. Nhiều doanh nghiệp, cả nhà nước và tư nhân, đều lo xây kho để đáp ứng điều kiện.
Công ty lương thực Trà Vinh đã khởi công xây dựng kho 10.000m2 trữ lúa gạo khép kín tại xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè trên diện tích 1,8ha, với hệ thống máy xay xát (32 – 48 tấn gạo/giờ), thiết bị lau bóng gạo, tách màu, đóng gói… hiện đại, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Kho lúa gạo của một doanh nghiệp. Từ 1/1/2011, kho lúa gạo là một trong ba yếu tố để thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, theo nghị định 109-2010/NĐ-CP. Ảnh: Hoàng Bảy
Công ty CP bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) cũng có dự án xây dựng hệ thống lò sấy gắn liền với vùng sản xuất nguyên liệu 10.000ha lúa chất lượng cao (tổng diện tích sản xuất 3 vụ/năm) huyện Châu Thành và Châu Phú, công suất 500 tấn/ngày (đến năm 2012 nâng lên 1.000 tấn/ngày), hệ thống xay xát và lau bóng gạo công suất 20 tấn/giờ (480 tấn/ngày), hệ thống kho chứa 35.000 tấn, tổng vốn đầu tư trên 65 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Nhường, thương nhân xuất khẩu gạo tại Cần Thơ cho biết ông đã lần dò theo tả – hữu ngạn sông Hậu để tìm kiếm đất làm nhà máy nhưng giá ở vùng Tân Quới, Tân Lược đắt hơn nhiều. “Hiện nay, ngoài vùng nuôi cá tra sạt nghiệp phải bán đất, những nhà làm gạo xuất khẩu đang hướng về Sa Đéc, nhất là vùng gần lò gạch, cần trấu nên giá đất ở khu vực này còn nới cho người làm nhà máy xay xát”.
Một thương nhân tại Cần Thơ từng tổ chức sản xuất, cung ứng trên 200.000 tấn gạo/năm cho biết ông phải lẹ lẹ đi nhiều nơi dò tìm nơi bán đất để cất kho, nhà máy xay xát. Vốn liếng, lời lãi mấy năm nay rốt cuộc dồn về đất và xây dựng cơ bản…” Giá đất nông thôn tại Cần Thơ là 700.000 đồng/m2. Trong khi đó tại Chợ Mới – khu vực bãi bồi ven sông – chỉ có 300.000 đồng/m2 do các chủ ao cá tra sạt nghiệp bán lại cho những cò đất mua gom chờ cơ hội”, thương nhân này cho biết ông đã mua được 4,5ha khu vực ven sông tại Chợ Mới.
Nghị định 109-2010/NĐ-CP ban hành ngày 4/11/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo có hiệu lực từ 1/1/2011. Theo nghị định, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải đáp ứng đủ ba điều kiện là: được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; có ít nhất một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ.
Ở Sa Đéc, một thương nhân địa phương cho biết: “Bà Năm Triều từ Sài Gòn, ông Phước từ Cần Thơ cũng đã mua đất cất nhà máy xong rồi”.
Ở Sa Đéc, một thương nhân địa phương cho biết: “Bà Năm Triều từ Sài Gòn, ông Phước từ Cần Thơ cũng đã mua đất cất nhà máy xong rồi”.
Ông Nhường cho biết: “Ở Đồng Tháp và một số nơi ở An Giang dễ mua đất có diện tích lớn, lúa gạo nhiều hơn các vùng khác”.
Giám đốc công ty TNHH công – nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, ông Bùi Phong Lưu cho rằng cần phải khảo sát năng lực chế biến, trong đó làm rõ năng lực sấy, xay, xát trắng, sức chứa các kho… Đầu tư nhà máy theo nghị định 109-2010/NĐ-CP còn phải “cân” vùng nguyên liệu. Làm nhà máy lớn nhưng nguyên liệu phân tán sẽ không ổn, cần phải lập lại trật tự trên vùng nguyên liệu nữa chứ không chỉ làm nhà máy là xong.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ cho rằng đây là dịp sắp xếp lại trật tự trong xuất khẩu lúa gạo, tái cấu trúc hệ thống chế biến và sàng lọc để chọn doanh nghiệp đủ thực lực đầu tư vào cuộc chơi này. Thực tế cũng sẽ dẫn tới sự liên kết mới với hình thức sáp nhập, định giá lại tài sản, mua bán cổ phần…
Nguồn SGTT
Bình luận (0)