Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xuất khẩu tôm sẽ lập kỷ lục 1,8 tỷ USD?

Tạp Chí Giáo Dục

Đầu năm 2010, ngành thủy sản đề ra mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 1,4 tỷ USD, nhưng trong 11 tháng đã thu về hơn 1,68 tỷ USD, lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Ước tính năm nay, Việt Nam sẽ xuất khẩu được 220 nghìn tấn tôm, đạt kim ngạch 1,8 tỷ USD. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 11 tháng qua đạt 4,55 tỷ USD, tăng 17,86% so với cùng kỳ năm 2009. Xuất khẩu thuỷ sản có sự tăng trưởng khá ở hầu hết các thị trường lớn như Hoa Kỳ tăng 27,26%, Nhật Bản tăng 17,44%, Hàn Quốc tăng 17,79%.

Vượt qua những biến động sâu sắc về sức tiêu thụ trên các thị trường và vấn đề thiếu tôm nguyên liệu, từ đầu năm đến nay tôm vẫn giữ vững vị trí hàng đầu trong các mặt hàng thủy sản của Việt Nam. Hiện tại, tôm 30 con/kg có giá 175.000 đồng/kg, loại 40 con/kg từ 135.000 -140.000 đồng/kg, mức giá cao nhất trong gần 10 năm qua.

Tôm vẫn giữ vững vị trí hàng đầu trong các mặt hàng thủy sản của Việt Nam Ảnh minh họa.

Giá tôm xuất khẩu cũng liên tục thẳng tiến, bình quân 11 tháng đạt 8.530 USD/tấn; cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Những tháng cuối năm sản lượng thu hoạch tôm tăng lên, nhờ vậy xuất khẩu tôm năm 2010 đã thiết lập được kỷ lục về giá trị.

Mặt hàng tôm đã vượt lên chiếm 40,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, cũng là mặt hàng đứng đầu trong nhóm thủy sản.
Từ đầu năm đến nay, mức tăng giá trị xuất khẩu tôm cao gấp rưỡi mức tăng sản lượng, chứng tỏ có sự thay đổi tích cực về các tiêu chí rất đáng quan tâm: tôm cỡ lớn và tôm chế biến đạt giá trị gia tăng xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao hơn.
Theo dõi diễn biến vài năm gần đây, có thể thấy xuất khẩu tôm năm 2010 có tốc độ tăng tháng sau luôn cao hơn tháng trước tới 23%.
Thị trường tiêu thụ tôm đã vươn tới 90 nước, trong đó 3 thị trường chính chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta đều đạt mức tăng trưởng cao so với năm trước.
Trong 11 tháng, Nhật Bản nhập từ Việt Nam 55,6 nghìn tấn tôm, trị giá 504 triệu USD, tăng 12,8% về khối lượng và 18,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu nhập khẩu tôm của Nhật Bản hài hòa hơn so với Mỹ, không quá tập trung vào tôm cỡ lớn.
Năm nay, khối lượng tôm của Indonesia xuất sang Nhật Bản giảm thấp do thu hoạch giảm bởi dịch bệnh, vì vậy Nhật Bản đã tăng cường nhập khẩu từ Việt Nam.
Đặc biệt vào thời điểm này, các hợp đồng mua tôm của Nhật Bản tăng quá lớn, khiến các nhà máy chế biến ở nước ta đang phải thúc đẩy sản xuất, cố gắng giao hàng để phục vụ cho các dịp lễ hội cuối năm.
Việt Nam đã vươn lên đứng đầu về cung cấp tôm đông lạnh và đứng thứ 5 về khối lượng các sản phẩm tôm nói chung cung cấp cho thị trường Nhật Bản.
Theo VASEP, khả năng hấp thụ tôm của thị trường Nhật Bản có thể còn cao hơn nếu Việt Nam có đủ nguồn nguyên liệu giao hàng đúng thời gian yêu cầu của thị trường Nhật, đồng thời phải đảm bảo không chứa dư lượng kháng sinh, hóa chất bị cấm.
Trong tháng 10 vừa qua, sau khi một số lô tôm từ Việt Nam vào Nhật Bản bị phát hiện nhiễm trifuralin vượt quá giới hạn (1 phần tỷ), cơ quan thẩm quyền của Nhật Bản đã quyết định áp chế độ kiểm tra 100% các lô tôm từ Việt Nam. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hoạt động xuất khẩu tôm.
Bởi vậy, Tổng cục Thủy sản đang thúc đẩy các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường triển khai các biện pháp cấm lưu thông và sử dụng trifluralin trong nuôi trồng thủy sản. Đó là những biện pháp tích cực và đúng hướng, tuy có chậm so với yêu cầu thực tế.
Trong 11 tháng của năm nay, Mỹ đã nhập khẩu 459,5 triệu USD tôm từ Việt Nam, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 26,4% tổng thị phần xuất khẩu tôm của nước ta. Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong số các nhà xuất khẩu tôm vào Mỹ, sau Thái Lan, Indonesia, Ecuador và Trung Quốc.
Những tháng giữa năm, xuất khẩu tôm vào Mỹ tăng tốc nhờ được hưởng lợi từ sự cố tràn dầu ở Vịnh Mexico khiến các nước Trung Mỹ ngừng khai thác tôm. VASEP nhận định, nhu cầu tiêu thụ tôm trên thị trường Mỹ vẫn chưa được thỏa mãn, do sản lượng nội địa rất nhỏ bé trong tổng nguồn cung cấp và so với nhu cầu chung cho cả thị trường.
Giá tôm hầu như chỉ giảm nhẹ đối với loại tôm cỡ trung và tôm cỡ nhỏ, còn tôm cỡ lớn thì nguồn cung vẫn thiếu rất nhiều nên giá khá vững vàng. Vì vậy, hiện Mỹ vẫn đang tiếp tục thu hút một lượng tôm đáng kể để chuẩn bị cho mùa tiêu thụ và các dịp lễ cuối năm cũng như đầu năm mới.
Tôm sú của Việt Nam và Thái Lan thường có chất lượng cao nên tôm vụ mới của nước ta hiện đang được chào giá cao hơn trước. Dự đoán, năm 2011 xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong 11 tháng, EU nhập khẩu 37,9 nghìn tấn tôm của Việt Nam, trị giá 275,6 triệu USD, tăng 10,3% về khối lượng và 18,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009.
Trong 3 năm qua, nhập khẩu tôm thế giới vào EU đã giảm dần, nhưng nhập khẩu tôm từ Việt Nam lại tăng lên với tốc độ đáng kể, năm sau thường cao hơn 20% về giá trị so với năm trước.
Tuy vậy, hiện nay thị trường EU là địa bàn cạnh tranh quyết liệt của hầu hết các nhà xuất khẩu tôm thế giới. Để giữ vững thị trường này, các doanh nghiệp nước ta cần phải tăng cường sản phẩm tôm chế biến sẵn và tiện dụng, nhất là tôm sú và tôm chân trắng cỡ trung bình và nhỏ…
Nguồn: VNECONOMY

 

Bình luận (0)