Thuế nhập khẩu thành phẩm vào Việt Nam từ các nước trong khu vực đang giảm dần đến mức 0% dấy lên sự lo ngại về làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài ngưng sản xuất, chuyển sang hình thức nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam.
Cuối tháng 11/2010, trong một buổi giới thiệu về sản phẩm và chiến lược kinh doanh nhắm vào vào năm nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, ông Shigenori Tokumitsu, Phó chủ tịch Công ty Visual Products Company thuộc Tập đoàn Toshiba cho biết, 80% khả năng hãng này sẽ dời sản xuất tivi LCD từ Việt Nam sang Indonesia.
Sony từ năm 2008 đã ngưng sản tivi bóng đèn hình tại VIệt Nam.
Nguồn: sonyinsider.com.
“Tất nhiên là chúng tôi vẫn đang nghiên cứu xem đâu là nơi tốt nhất ở ASEAN mà Toshiba có thể đặt cơ sở sản xuất. Hiện chúng tôi đã có một nhà máy sản xuất (tivi LCD) tại Indonesia.
Tôi nghĩ việc tập trung sản xuất tại một nhà máy sẽ là giải pháp tốt để giảm chi phí. Và từ nơi tập trung này chúng tôi sẽ phân phối ra các nước ASEAN khác. Có thể chúng tôi sẽ chuyển sản xuất từ Việt Nam sang Indonesia”, ông Tokumitsu nói.
Công ty sản phẩm tiêu dùng Toshiba Việt Nam (có nhà máy tại quận Thủ Đức, TPHCM) là cơ sở duy nhất sản xuất tivi LCD và đầu máy DVD Toshiba tại Việt Nam. Công ty bắt đầu hoạt động từ năm 1996, sản phẩm chủ yếu được phân phối tại thị trường Việt Nam.
Dù Toshiba khẳng định chưa có quyết định cuối cùng, nhưng nếu công ty này ngưng dây chuyền tivi LCD và tập trung sản xuất tại Indonesia thì cũng không có gì khó hiểu.
Trước đó, năm 2008 khi Sony ngưng sản xuất tivi bóng đèn hình tại Việt Nam và tập trung vào việc nhập khẩu, đã có nhiều chuyên gia dự báo về làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài sẽ ra đi. Mới đây, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cũng cho biết có hiện tượng này, rõ nhất là mặt hàng điện tử.
Hiện, phần lớn tivi LCD Toshiba tiêu thụ ở thị trường Việt Nam được nhập khẩu từ Indonesia. Các sản phẩm tivi LCD khác trên thị trường, phần lớn cũng nhập khẩu từ Indonesia và Malaysia, chỉ một phần lắp ráp tại Việt Nam.
Tác động của hội nhập
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, sở dĩ có hiện tượng trên là do tác động của hội nhập kinh tế, nhất là với các nước trong khu vực.
Từ năm 2006, Việt Nam đã cắt giảm hầu hết các dòng thuế đối với sản phẩm nhập từ các nước ASEAN, nhiều mặt hàng được hưởng thuế suất 0-5%.
Theo Tổng cục Hải quan, hiện tivi các loại nhập khẩu từ các nước ASEAN được hưởng mức thuế ưu đãi 5%, theo lộ trình cắt giảm thuế của FTA ASEAN.
Sản phẩm chỉ cần có 40% hàm lượng xuất xứ từ ASEAN là được giảm thuế, nên các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động ở khu vực ASEAN có thể xuất hàng qua Việt Nam với thuế suất thấp hơn nên sản phẩm có tính cạnh tranh hơn.
Theo bà Phạm Chi Lan, việc này khiến các nhà đầu tư bắt đầu tính toán lại xem có nên sản xuất ở nhiều nơi hay tập trung một nơi, đặc biệt đối với những doanh nghiệp sản xuất để xuất khẩu.
“Hiện nay, khi thuế giảm xuống rất thấp với hàng nguyên chiếc nhập từ bên ngoài vào, nên họ tính toán lại, và thấy việc chịu thuế nhập linh kiện để lắp ráp hoặc sản xuất tại Việt Nam không có lợi bằng việc nhập khẩu sản phẩm hoàn chỉnh và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam”, bà Lan nói.
Theo chuyên gia này, trước đây khi doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư ở Việt Nam thì phải đáp ứng yêu cầu nội địa hóa hàng xuất khẩu để được hưởng ưu đãi.
Nhưng đến khi Việt Nam tham gia WTO, các yêu cầu như vậy cũng giảm dần, nên nhà đầu tư không có động lực sản xuất hay nội địa hóa cao tại Việt Nam dù để tiêu thụ ngay trên thị trường nội địa hay xuất khẩu.
Ngoài ra, theo cam kết WTO và Luật đầu tư 2005, doanh nghiệp nước ngoài được quyền kinh doanh tại Việt Nam chứ không chỉ đầu tư.
“Tôi cũng rất lo việc các doanh nghiệp nước ngoài ngưng sản xuất tại Việt Nam và chuyển sang kinh doanh phân phối có thể xảy ra với các ngành khác như điện máy, sản phẩm cơ khí và ô tô”, bà Lan nói.
Chính sách đầu tư có vấn đề?
Theo bà Phạm Chi Lan, các công cụ thu hút đầu tư mà Việt Nam đưa ra trong năm 2005 cũng cho thấy có những kết quả không như mong muốn. Chích sách đầu tư lâu nay nặng về khuyến khích đầu tư chung chung và thiếu chọn lọc.
“Đã đến lúc phải có sự chọn lọc thực sự, nhất là các ngành Việt Nam cần, những ngành có giá trị gia tăng cao, và chuyển giao công nghệ. Không nên khuyến khích khai thác tài nguyên thiên nhiên và đất đai, bất động sản.
Trên thực tế sau khi Việt Nam tham gia WTO, đầu tư tăng mạnh vào hai ngành này. Phải hoạch định lại những gì chúng ta thực sự cần và thực sự khuyến khích và cái nào không cần thì phải từ chối”, bà Lan nói.
Chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng Nhà nước nên xem lại những cam kết ban đầu của nhà đầu tư nước ngoài và kiểm tra xem họ thực hiện cam kết đến đâu vì các nhà đầu tư thường được hưởng nhiều ưu đãi ngay lúc mới vào.
“Khi họ không thực hiện cam kết thì phải rút lại những ưu đãi. Những ưu đãi như thế là thừa và gây bất lợi cho chúng ta”, bà Lan nói.
Ngoài ra, trên thực tế Việt Nam kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài nội địa hóa, nhưng lại chậm trễ trong việc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, nên hầu hết các nhà đầu tư phải nhập linh kiện vào lắp ráp tại Việt Nam.
Theo ông Trần Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ CôngTthương), ở những nước có trình độ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ còn thấp, chi phí về công nghiệp hỗ trợ chiếm nhiều hơn so với chi phí lao động trong giá thành.
Do đó, dù có lợi thế về lao động giá rẻ, thì sự yếu kém về ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ làm mất sự hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư.
Nguồn: TBKTSG
Bình luận (0)