Theo nghiên cứu của Trung tâm Địa tin học thuộc Khu Công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TPHCM, hiện nhiều khu vực trên địa bàn TPHCM đang bị lún cục bộ với tốc độ trung bình trên dưới 1 cm/năm.
Khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh thời gian qua lún rất nặng
Đây là kết quả trung tâm thu được từ dự án “Quan trắc biến dạng mặt đất khu vực TPHCM bằng kỹ thuật Insar vi phân”. Kỹ thuật Insar vi phân giúp phân tích độ lệch pha của các bức ảnh vệ tinh chụp cùng 1 khu vực trong các thời gian khác nhau, từ đó tính ra độ biến dạng của mặt đất. Cơ sở dữ liệu mà trung tâm nghiên cứu là các ảnh vệ tinh từ tháng 10/1992 đến tháng 3/2010 của cơ quan không gian châu Âu và Nhật Bản.
Dựa vào kết quả của nghiên cứu này, trung tâm đã chứng minh bằng các con số khoa học suy đoán mà lâu nay nhiều nhà khoa học nhắc tới: TPHCM đang lún do quá trình đô thị hóa và khai thác nước ngầm quá mức. Cụ thể, hiện nhiều xã – phường trên địa bàn 14 quận huyện đang lún với tốc độ 7 – 10 mm/năm; nhiều khu vực ở 17 quận, huyệnn có tốc độ lún trên 10 mm/năm.
Đặc biệt, các khu vực có quá trình đô thị hóa nhanh trong thời gian qua thuộc các quận 2, 6, 7, 8, 9, 12, Tân Phú, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè có tốc độ lún trên 15 mm/năm. Đây cũng là các địa bàn có mức khai thác nước ngầm rất cao.
Như vậy, tính từ năm 1992 đến nay thì nhiều khu vực trên địa bàn 17 quận, huyện ở TP đã bị lún từ 20 – 30 cm, nhiều nơi lân cận các công trình lớn thi công trong thời gian này lún đến 50 cm. Điều này giải thích vì sao ngày càng có nhiều khu vực ở TPHCM bị ngập cục bộ khi triều cường.
Thống kê tốc độ lún qua từng thời kỳ cũng cho thấy TPHCM bắt đầu lún từ những năm 1996, 1997; đặc biệt tăng mạnh kể từ năm 2004. Đây đều là những thời điểm mà TPHCM bùng phát quá trình đô thị hóa, bê tông hóa.
Dựa vào kết quả trên, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Địa tin học cho rằng: nguyên nhân gây nên tình trạng lún thời gian qua ở TPHCM chủ yếu là do khai thác nước ngầm quá mức; trong khi đó, quá trình đô thị hóa khiến diện tích bê tông hóa ngày càng cao, diện tích kênh rạch bị san lấp ngày càng nhiều… khiến lượng nước bổ sung cho các túi nước ngầm ngày càng giảm.
Theo số liệu sơ bộ của Sở Tài nguyên Môi trường TP thì mỗi ngày người dân TP khai thác trên 1 triệu m3 nước ngầm. Trong khi đó, lượng nước mới bổ sung cho nguồn nước ngầm chỉ chừng 200.000 m3/ngày. Điều này dẫn đến tình trạng mực nước ngầm ngày càng hạ thấp. Qua thời gian dài, cùng với áp lực của các công trình bên trên, mặt đất bị ép biến dạng và lún dần.
Tuy quá trình lún nhìn chung rất khó nhận biết được bằng mắt thường nhưng hiện tượng này đã được cảnh báo từ lâu. Câu chuyện càng trở nên nghiêm trọng khi hàng loạt sự cố lún sụt xảy ra trên địa bàn quận 9, huyện Hóc Môn trong thời gian 2001 – 2007. Sau đó cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều trụ giếng khoang tại quận 6, 11, 12, Bình Tân và huyện Bình Chánh, Nhà Bè trồi lên cao so với mặt đất sau một thời gian sử dụng.
Nhận ra nguy cơ này, ngay năm 2007, Sở TN-MT đã tham mưu cho UBND TP ban hành quyết định số 69/2007/QĐ-UBND quy định việc hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất tại một số khu vực trên địa bàn.
Tuy nhiên, việc khai thác trái phép vẫn diễn ra mạnh mẽ, rất khó kiểm soát. Theo ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở TN-MT ở những khu dân cư mới đô thị hóa không được tiếp cận nước sạch nên họ phải khai thác nước ngầm. Vì vậy rất khó ngăn chặn được nhu cầu chính đáng của người dân.
Tùng Nguyên / Dan tri
Bình luận (0)