Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sau quốc hoa là… quốc phục

Tạp Chí Giáo Dục

Tuy chưa kết thúc nhưng dường như câu chuyên “quốc hoa” đã ngã ngũ (?). Từ nhiều loài hoa được gợi ý trên các phương tiện thông tin đại chúng người ta nhắc đến những hoa sen, hoa cau, hoa mào gà, hoa đào, hoa mai, hoa ban… rồi hoa lúa nữa.
Không phải là người đề xuất nhưng lại là người lên tiếng ủng hộ nhiệt thành và đăng một bài viết gây tiếng vang xác nhận quan điểm của mình “Tôi bỏ phiếu chọn hoa lúa làm quốc hoa” là một anh bạn vong niên hiện là một thành viên chủ chốt của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, lại là người đứng đầu bộ môn thông tin dự báo. Đã cứng tuổi của U80, anh vẫn vừa lái xe vừa đọc gần như nguyên văn bài viết của mình với nhiều dẫn chứng thơ ca để thuyết phục lý lẽ khi chọn hoa lúa… Nghe anh nói rằng số người đồng thuận ý kiến của anh rất cao ở trên mạng và có ý cho rằng sớm kết luận về hoa sen là có phần vội vã, cho dù loại hoa đã từng được 2 quốc gia châu Á là Ấn Độ và Sri Lanca chọn làm quốc hoa cũng rất xứng đáng…

Tôi vốn là người quan điểm hay nghiêng ngả. Ban đầu, có bạn hỏi, rất cảm tính tôi chọn “hoa chuối” vì lẽ đơn giản là… chưa thấy ai nhắc đến. Rồi ngẫm kỹ cũng có nhiều ý hay: Nó vừa là củ, vừa là hoa rồi thành quả. Nó vừa để ngắm, lại vừa có thể ăn. Vẻ đẹp của nó vừa hoang dã lại rất mô-đéc nếu biết cách cắm vào những cái vại sành đanh mộc… Nhưng có người nhắc đến 2 chữ “củ chuối” thì quả là có phần gây phản cảm nếu gắn với ý nghĩa cao quý của danh vị “quốc hoa”, nên cũng xin không nhắc đến nữa. 

Hoa sen thì đương nhiên rồi, mọi lý lẽ đều hay trừ một chút lăn tăn là phải chung đụng với quốc gia khác. Vì thế nghe câu chuyện hoa lúa thì quan điểm của tôi lại đung đưa và có phần ngả theo ý anh bạn già… Rồi nhân trảy hội Chùa Hương được vị sư trụ trì ngôi chùa tiếng tăm này tiếp, tôi bèn đưa ra ý kiến hoa lúa để thăm dò. 
Vị sư trụ trì ngôi danh tự này cũng lại là người phụ trách lĩnh vực văn hoá trong Giáo hội, ông lại cũng là đồng nghiệp với tôi khi tham gia phụ trách một tờ tạp chí chuyên về văn hoá của giới Phật giáo. Không biết có gọi là chuyên nghiệp không nhưng ống kính nhiếp ảnh của ông thuộc loại “cao thủ”, đặc biệt với chủ đề liên quan đến đời sống tôn giáo, tâm linh và vẻ đẹp thánh thiện của con người và thiên nhiên… 
Đương nhiên quan niệm của thầy là không gì sánh được hoa sen. Thầy nhấn mạnh góc nhìn mỹ học của sự lựa chọn chứ không chỉ bằng con mắt của người tu hành theo đạo Phật. Cũng vì thế, thầy tỏ lòng trân trọng bông/hoa lúa nhưng cho rằng cái giá trị thực dụng che lấp cái giá trị thẩm mỹ nên không dễ thuyết phục cho danh vị “quốc hoa”. 
Để thêm sự thuyết phục, ông giới thiệu sự kiện năm ngoái, tham gia tổ chức môt cuộc triển lãm các tác phẩm hội hoạ lấy chủ đề hoa sen trưng bày tại Singapore. Quá đẹp những bông sen qua tài nghệ của những tên tuổi quen biết trong giới hội hoạ. Nhưng điều làm tôi chú ý lại là một chi tiết có mặt trong sự kiện. Đó là bộ trang phục mà ông Đại sứ Việt Nam ở đó mặc trong buổi khai mạc triển lãm. Đó là một bộ áo dài sang trọng mà vẫn toát lên cái dáng vẻ Việt Nam không lẫn được với trang phục của cả người Tây lẫn người Hoa. 
Đã lưu truyền trong giới ngoại giao từ lâu nỗi băn khoăn của các nam đại sứ là không có “quốc phục” trong những ngày lễ trọng. Câu chuyện khó xử khi bộ comlê của Âu phục ở nhiều quốc gia Âu Tây vốn chỉ được coi là trang phục công sở hay thường nhật không thể thay thế cho lễ phục trong ngày trình quốc thư hay dự quốc tiệc, ít ra là phải có thêm cái “đuôi tôm”… Rằng có vị đại sứ bí quá, ướm đại bộ trang phục đạo cụ của văn công lại được bạn hoan nghênh, tán thưởng… 
Nhớ lại hồi sắp chuyển qua một thế kỷ mới, để chuẩn bị cho lần đầu tổ chức trọng thể Giỗ Tổ Hùng Vương theo nghi thức quốc gia, ngành văn hoá đã tổ chức công phu việc thiết kế bộ quốc phục cho nam giới. Bao nhiêu công lênh, bao nhiều đồ án, bàn lên bàn xuống rồi cũng ra được một bộ cùng lấy hình loại “khăn đóng áo dài” làm nền tảng để cải biến. Trước hết dùng cho quan chức đại diện nhà nước đứng chân chủ tế trong ngày Giỗ Tổ mở đầu Thiên niên kỷ. 
Cuối cùng thì nghe đâu, vị đại diện cấp cao ấy chưa chịu mặc nên chỉ có vị lãnh đạo địa phương (được ví như đại diện dòng con trưởng của Vua Hùng) và vị lĩnh xướng có giọng chuẩn đọc văn tế là một quan chức cấp “cục, vụ viện” của Bộ. Ấy vậy mà linh nghiệm ngay, vị quan chức ấy chẳng bao lâu được Tổ phù hộ lên hàng ngũ lãnh đạo cấp Bộ, nhưng bộ “quốc phục thử nghiệm” ấy mới chỉ được dùng trong Lễ tế Tổ hàng năm. 
Đến hồi Việt Nam đăng cai APEC thì không thể lùi, ta cũng cất công đưa ra được một bộ đồng phục có nét Việt Nam để các vị nguyên thủ mặc đủ màu xanh đỏ vàng, tuy vui mắt nhưng vẫn chưa thể định hình cho một thứ “quốc phục” theo đúng nghĩa mà bộ của các vị khách bà cũng chẳng khác mấy của các khách ông. Nhìn sang các nước bạn thì người ta nhận ra ngay những nét riêng của cái váy “kilt” của nam giới Scottland, áo “kimono montsuki” của đàn ông Nhật Bản, cái áo “batik” của đàn ông Nam Dương… hay thiên hạ trầm trồ khen Hàn Quốc đã khoác lên các nguyên thủ quốc gia các nước bạn những bộ “durumagi” đặc sắc trong bộ quốc phục Hanbok (các kiến thức trang phục nước ngoài này tôi được một anh bạn Việt kiều say mê với văn hoá dân tộc mà về nước định cư chỉ bảo cho biết). 
Chính anh bạn Việt kiều đưa ra một hệ thống tri thức về những thay đổi của chiếc áo dài đàn ông vốn đã được các nhà truyền giáo, lái buôn hay các nhà hàng hải nước ngoài mô tả trong các sách báo ở nhiều thế kỷ trước. Và anh cũng cho rằng tất cả phải bắt đầu từ cái áo dài, cái rất tiếc là hình như kể từ khi các nhà Duy tân đầu thế kỷ 20 chủ trương cúp đi cái tóc trên đầu thì cái vạt áo cũng bị cắt theo để giống hơn những gì mà nền văn minh phương Tây đang chinh phục tâm trí người Việt sau bao nhiêu thế kỷ chỉ biết đến mẫu hình “Trung Hoa”.
 Bộ cánh tiêu biểu của nhà yêu nước Phan Châu Trinh mà đương thời được gọi là “mốt Tây Hồ” cũng chuẩn mực ở bộ Âu phục, chỉ có điều cụ Phan cổ vũ cho hàng nội hoá bằng cách chọn chất liệu là các loại đũi hay lụa bản địa. Dường như từ đó, cái vạt áo dài trở nên biểu trưng cho sự cũ kỹ, lạc hậu. Người theo tân học chạy theo Âu phục. Người còn chút cổ điển thì vẫn mặc áo dài nhưng đi giày Tây, thay khăn vấn bằng khăn đóng (tạo khuôn sẵn để đội trên đầu) hay đội mũ của người Âu. Tuy nhiên bộ áo dài truyền thống vẫn sống dai dẳng ở nông thôn và trong giới quan trường thời trước cách mạng. Vì thế mà sự đả kích của những người cách tân thường chĩa vào hai đối tượng này. 
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công thì cái bộ áo dài khăn đóng truyền thống vốn đã bị coi là cổ hủ lại khoác thêm cái biểu tượng cho “phong kiến, địa chủ” nên càng ngày càng bị chối từ. Cái cảnh mấy người đứng đầu chính quyền miền Nam mặc khăn đóng áo dài lại càng tô đậm thêm cái mặc cảm “khó chấp nhận” cho lối ăn mặc của người Việt Nam tiên tiến. Ngay đến cái áo dài phụ nữ một thời cũng vắng bóng vì xã hội thời chiến tranh và lao động gian khổ chưa cần đến cái bóng dáng thướt tha của người phụ nữ… 
Nhưng qua thời Đổi Mới cái áo dài phụ nữ đã nhanh chóng không chỉ lấy lại mà còn thăng hoa để trở thành điều không cần tranh cãi là trang phục đạt tới cái tiêu chí “tiến tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”. Nhưng bộ “quốc phục” cho đàn ông thì dường như vẫn còn… bế tắc cho dù ở những dịp lễ tết, cưới xin hay lễ hội bộ “khăn xếp áo dài” truyền thống đã ngày một phổ biến hơn. Văn công văn nghệ đã quay lại sử dụng như một trang phục đặc trưng. Nhưng coi đó là “quốc phục” thì vẫn là… không thể.
Tôi biết một anh bạn doanh nhân trẻ ở TPHCM chuyên ngành trang sức, cũng tự thiết kế và tự mặc một bộ cánh cải biến từ áo dài của các cụ, có cổ, vai dựng cứng nhưng mềm hơn áo vét của Tây. Chưa dám gọi là “quốc phục” mà chỉ mong được các bạn doanh nhân chấp nhận mặc để có phần khác với bộ Âu phục thường dùng. 
Đi vào chi tiết có phần khác nhưng ở cả hai bộ mà bạn doanh nhân và vị đại sứ mặc đều có cái nét chung là áo dài, cổ đứng và vai cứng hơn chiếc áo dài truyền thống của các cụ khi xưa. Chất liệu của anh bạn doanh nhân là dạ còn của anh đại sứ thì có thêm bộ áo lót trắng phía trong tạo một đường viền kín đáo làm tôn lên sự sang trọng của chiếc áo màu sẫm bên ngoài. 
Thấy tôi thích thú, nhà tu hành nhiều năng khiếu nghệ sĩ nói rằng chính ông thiết kế và thuyết phục được vị đại sứ mặc trong ngày khai mạc cuộc triển lãm tranh về hoa sen nhà Phật ở bên Sing và cũng được nhiều người tán thưởng. Hy vọng, lần tuyển chọn “quốc phục” này, với sự đầu tư của nhà nước và với đội ngũ những nhà thiết kế chuyên nghiệp sẽ thành công với nhiều thể nghiệm mới mẻ và chắc không thể vượt ra ngoài chiếc áo dài sẽ được cải biến cho hiện đại mà có người đưa ra cái tiêu chí “không phải Tàu cũng chẳng phải Tây, ắt là Việt” hay một cách nhìn khác “có nét Tây, lại có cả nét Tàu cũng chính là Việt” (?). 
Sau “quốc hoa”, “quốc phục” chắc sẽ còn bàn đến cả “quốc yến”, “quốc tửu”… Riêng tôi nhớ đến một người từng làm thị trưởng của chế độ cũ, “thị phó” của chế độ ta là bác sĩ Trần Văn Lai. Khi được bầu làm người đứng đầu thành phố Hà Nội sau ngày Nhật đảo chính Pháp (3-1945), bác sĩ đã ra quyết định phá bỏ hết các tượng đài mà thực dân đã dựng lên từ ông Paul Bert (quan chức dân sự người Pháp đầu tiên đứng đầu thuộc địa) cho đến Bà Đầm Xoè (phiên bản tượng Nữ thần Tự do), chỉ chừa mỗi bức tượng ông bác học Pasteur thì để lại. 
Ông bác sĩ thị trưởng có ý tưởng sẽ xây dựng một “bảo tàng quốc xỉ” để tập hợp lại tất cả những dấu tích của chế độ thuộc địa để cho người đời sau biết được cái “quốc nhục” và giữ được cái “quốc xỉ” mà phấn đấu vươn lên… Chỉ tiếc rằng, việc chưa kịp làm thì, cái chính thể của ông thị trưởng đã bị cách mạng lật đổ. Là người thực thà yêu nước, sau này ông vẫn được chế độ ta vời ra tham chính ít lâu, nhưng ý tưởng của ông về một “bảo tàng quốc xỉ” cũng bị rơi vào quên lãng. Vả lại, tất cả những hiện vật đầu tiên là những bức tượng đồng mà ông quy tập thì cũng được nhân dân hành xử theo cách của mình là gom lại để đúc bức tượng Phật nay vẫn thờ ở phố nghề Ngũ Xã xưa…
Theo Lao Động

Bình luận (0)