Biến động của nguyên liệu nhập khẩu đang tạo ra áp lực cho không ít ngành công nghiệp chủ lực, gây ảnh hưởng cho cả xuất khẩu lẫn thị trường nội địa.
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, năm 2010, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nhựa đạt khoảng 1 tỷ USD, duy trì mức tăng ổn định 10 – 15% trong suốt gần 10 năm nay. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) ngành này vẫn còn nhiều lo ngại, đặc biệt là sự bất ổn định về giá nguyên liệu sản xuất.
Do nguyên liệu sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của các DN nhựa nên mỗi năm ngành nhựa vẫn phải nhập khẩu 2 – 2,5 triệu tấn các loại nguyên liệu khác như PE, PP, ABS, PC, PS…
Sản xuất đồ nhựa tại công ty Đại Đồng Tiến
Chính vì không chủ động được nguồn nguyên liệu, giá thành sản xuất của ngành nhựa cũng bị ảnh hưởng mạnh do sự tăng giá của hai nguyên liệu chính là PP và PE.
Nếu so sánh, giá thành sản phẩm nhựa Việt Nam bị đẩy lên cao khoảng 10 -15% so với hàng nhựa của Trung Quốc.
Dù đang phải gồng mình hứng chịu nhiều đợt tăng giá nguyên liệu, nhưng nhiều DN sản xuất ngành nhựa cho biết vẫn phải cầm chừng, thậm chí phải chấp nhận lỗ vì không dám tăng giá bán sản phẩm.
Khác với nhựa, lâu nay, xuất khẩu cá tra lại hoàn toàn chủ động về nguyên liệu, nhưng cũng đứng trước thách thức lớn về sự thiếu hụt hiển hiện trong năm 2011.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), năm 2011, sản lượng xuất khẩu cá tra sẽ giảm gần 40% so với năm 2010, đưa kim ngạch xuất khẩu tụt xuống mức 1 tỷ USD. Ngoài những khó khăn về thị trường xuất khẩu đã được dự báo, thì thiếu hụt nguyên liệu mới là nguyên nhân chính.
Dự báo, sản lượng cá tra năm 2011 chỉ đạt khoảng 900 ngàn tấn. Theo lý giải của VASEP, dù giá thu mua cá hiện nay đang ở ngưỡng cao: 22.000 – 23.000 đồng/kg, nhưng nông dân vẫn chưa dám nuôi lại do giá thức ăn tăng cao khiến nhiều người thua lỗ. Cộng vào đó là việc cả DN lẫn người nuôi khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng do lãi suất quá cao.
Nguyên liệu tăng giá, chắc chắn giá hàng hóa cung ứng cho thị trường nội địa cũng phải tăng. Nhưng tăng vào thời điểm nào và tăng có đúng không, đang là bài toán cho DN lẫn các nhà quản lý.
Ngày 29/12/2010, Cục Quản lý giá đã nhận được các công văn đăng ký giá của hai DN sản xuất, kinh doanh thép là Tổng công ty Thép Việt Nam và Công ty Thép Vinakyoei. Trong công văn đăng ký giá bán thép kèm theo phương án giá của các công ty này đã nêu chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trực tiếp; chi phí nhân công tăng nên phải tăng giá. Được biết, trong tháng 11/2010, hai công ty trên đã hai lần tăng giá.
Trong công văn của mình, Tổng công ty Thép Việt Nam đăng ký tiếp tục tăng giá bán với lý do chi phí sản xuất tăng quá cao, không hợp lý như: chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trực tiếp tăng 4,03%, chi phí bán hàng tăng 291,6%. Công ty Thép Vinakyoei lại cho rằng nguyên nhân tăng do chi phí bán hàng, chi phí quản lý DN với mức tăng 84.000 đồng/tấn so với kỳ trước.
Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Quản lý giá, hiện nay giá các chi phí đầu vào để sản xuất thép cơ bản vẫn giữ ổn định, như giá phôi thép trên thị trường thế giới trong tháng 12/2010 không tăng so với tháng 11/2010, giá xăng dầu ổn định từ tháng 8/2010 đến nay, giá điện ổn định đến hết 2010, tiền lương không tăng.
Do đó Cục đề nghị Tổng công ty Thép Việt Nam, Công ty Thép Vinakyoei giữ ổn định giá thép, không tăng giá như mức đã đăng ký.
HẢI MINH / DNSG
Bình luận (0)