Ngày 22-9, tại thành phố Vĩnh Long, Báo Giáo Dục TP.HCM Kết hợp với Công ty Truyền thông Giáo Dục Sáng Tạo tiếp tục hành trình tư vấn hướng nghiệp CĐN-TCCN và TCN đến với các em ở một số tỉnh thành. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình THVL1.
Buổi tư vấn đã mang đến nhiều thông tin bổ ích về các ngành nghề bậc CĐN-TCCN và TCN cho phụ huynh và học sinh, những em không may rớt trong kỳ thi ĐH-CĐ vừa qua.
Tư vấn tại Vĩnh Long |
Cảnh giác với bài học thừa thầy thiếu thợ
Tại buổi tư vấn, các chuyên gia tuyển sinh đến từ các trường CĐN-TCCN và TCN tại TP.HCM đều nhìn nhận thực trạng thừa thầy thiếu thợ diễn ra từ lâu do người học chưa hiểu thấu đáo về các ngành nghề. Ông Tạ Văn Doanh, cố vấn chuyên môn, nguyên Tổng biên tập báo Giáo dục TP.HCM nhận định: Tâm lý chuộng thầy chê thợ đã có trong xã hội từ lâu. Tại TP.HCM và một số đô thị lớn tâm lý này có thay đổi theo hướng tích cực. Ở các nước như Mỹ, Úc, Thái Lan… chương trình đào tạo lao động kỹ thuật bậc trung cấp rất thịnh hành. Nhiều học sinh không thích con đường nghiên cứu hàn lâm mà chuộng học nghề. Là cha mẹ phải quan tâm hơn nữa đến việc tìm hiểu đặc điểm tâm lý con em mình, hướng con lựa chọn ngành học vừa sức, phù hợp với sở thích. Đó là hành trang giúp con bước vào đời một cách tự tin.
GS TS Vũ Gia Hiền, Hiệu trưởng Trường TC Âu Việt chia sẻ, hiện nay không ít người đã tốt nghiệp ĐH nhưng vì không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không đam mê đã quay lại học TC. GS Hiền dẫn chứng, lớp vừa học vừa làm tại trường TC Âu Việt hiện có đến 4 cử nhân đang học ngành TC dược. Trước thực trạng các bậc cha mẹ quá kỳ vọng vào con sẽ thi đỗ vào các trường CĐ-ĐH trong khi sở thích và năng lực của con hạn chế đã gây áp lực rất lớn cho con nếu không may chúng thi hỏng. TS Hiền chia sẻ: “Ai cũng một lần ngã trong đời. Cái ngã của con mình đã làm chúng đau, cha mẹ đừng làm chúng đau hơn nữa. Tất cả các ngành nghề đều hay, chỉ có người dở. Chọn ngành nghề đúng sở thích, năng lực, có đam mê và học hết mình thì sẽ thành công”.
Nói như GS Hiền, thừa thầy thiếu thợ là một bài học cay đắng, hãy cảnh giác… Rõ ràng, các ngành nghề có yếu tố cạnh tranh cao thì nguy cơ thất nghiệp càng lớn. Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TP.HCM, xu hướng phát triển công nghiệp ở Vĩnh Long nói riêng và Đông Nam bộ nói chung, vài năm tới, thị trường lao động sẽ có nhu cầu cao ở các ngành nghề như: cơ khí, hóa chất, bất động sản, maketing, bán hàng, công nghệ thông tin… Ông Tuấn nhìn nhận, trong tương lai, ai có kỹ năng nghề chắc chắn sẽ thành công.
Ths Nguyễn Thành Sơn, Trưởng phòng đào tạo Trường TC Bến Thành trả lời thắc mắc về ngành nghề cho học sinh Trường THPT Vĩnh Long sau buổi tư vấn. |
Học trung cấp, làm lương khủng
Ths Nguyễn Đình Bá, Phó Hiệu trưởng trường TC Quang Trung khẳng định con đường bước vào đời nhanh nhất là học CĐN-TCCN hoặc TCN. Những ngành đào tạo trình độ trung cấp nhưng dễ kiếm việc làm với mức lương cao hiện nay có thể nhắc đến như: điều dưỡng, lập trình viên, quản lý nhà hàng, khách sạn… Ths Nguyễn Huy, Giám đốc đào tạo Trung tâm Lập trình viên Aptech cho biết, theo thống kê năm 2001, một lập trình viên khi ra trường làm việc với mức lương khởi điểm từ 7 – 8 triệu đồng trở lên và một tester làm việc với 25USD/giờ. Người làm việc ở vị trí cao hơn mức lương sẽ cao hơn. Ths Huy cũng khẳng định, tại Aptech, giáo viên đều có mặt 24/24 trên Internet để có thể trả lời mọi thắc mắc liên quan đến việc học của học viên. Chương trình đào tạo của Aptec cũng được dựa trên kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia.
GS TS Vũ Gia Hiền chia sẻ, chọn bậc học TC-TCCN hoặc TCN là con đường ngắn cho những ai muốn khởi nghiệp sớm, có điều kiện chăm lo gia đình |
Tại buổi tư vấn, nhiều phụ huynh và học sinh còn đặc biệt quan tâm đến cơ sở vật chất, chính sách hỗ trợ cũng như chất lượng đội ngũ giảng viên của các trường CĐN-TCCN và TCN. Theo đó, hiện nay các trường CĐN-TCN và TCCN đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ học phí, tập huấn kỹ năng làm việc và giới thiệu việc làm cho học sinh khi ra trường. Bà Trần Thị Thúy Hằng, Hiệu trưởng Trường TC Bách Khoa Sài Gòn cho biết: nhiều năm qua nhà trường đã làm rất tốt công tác này. Từ lâu các trường cũng đã tiến đến việc liên kết với các công ty, xí nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên có thể làm việc bán thời gian vừa để học tập kinh nghiệm vừa trang trải chi phí học tập. Trường TC Quang Trung đã xây dựng trung tâm đào tạo, huấn luyện kỹ năng làm việc khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngoài ra, trường còn tổ chức nghiên cứu, hỗ trợ, dự báo nguồn nhân lực. Kết quả là đã đưa được nhiều điều dưỡng Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản và một số nước tiên tiến.
Báo Giáo Dục TP.HCM và Công ty Truyền thông Giáo Dục Sáng Tạo xin chân thành cảm ơn Trường TC Bách Khoa Sài Gòn, Trường TC Âu Việt đã hỗ trợ chúng tôi tổ chức thành công chương trình này. |
Phương Anh
Bình luận (0)