Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thi tốt nghiệp THPT 2 hay 8 môn?

Tạp Chí Giáo Dục

HS TP.HCM xem lại bài thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Ảnh: D.B
Cùng với đổi mới mạnh mẽ chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) phổ thông sau 2015 là đổi mới thi và tuyển sinh. Vậy thi tốt nghiệp bao nhiêu môn là đủ? Ý kiến này đã nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia.
Từ năm 2009 đến 2010, Bộ GD-ĐT đã tổ chức đánh giá chất lượng toàn bộ hệ thống đánh giá HS của cả nước dựa theo tiêu chuẩn SABER. Theo đó, chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH được đánh giá theo hai tiêu chí là môi trường đánh giá và phương pháp, kỹ thuật đánh giá. Về tiêu chí đầu tiên, ưu điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi được luật hóa, kinh phí tổ chức được Nhà nước đảm bảo phần lớn; có quy định rõ ràng nhiệm vụ các bên liên quan và được tập huấn cẩn thận. Tuy nhiên, hạn chế là rất ít nhân viên khảo thí (cả Trung ương và địa phương) được đào tạo chuyên về chính sách, hoạt động đánh giá và cũng có ít cơ hợi được tham gia các khóa tập huấn về kỹ năng đánh giá; nhóm giáo viên rà soát câu hỏi và chấm điểm thi thì tự đào tạo trong công việc là chủ yếu. Đối với tiêu chí 2, ưu điểm là đã thiết kế cấu trúc đề thi và ma trận đề thi cho mỗi môn thi; đề thi được biên soạn dựa vào ma trận và thường phù hợp với SGK… Hạn chế là đề thi thường không dựa vào chương trình và chủ yếu tập trung vào kiến thức mà chưa đo các kỹ năng thực hành và kỹ năng sống; không tổ chức thử nghiệm câu hỏi và đề thi nên không có chứng minh về chất lượng đề thi; không kiểm soát được các hành vi gian lận ở kỳ thi tốt nghiệp THPT nên kết quả không được xã hội tin cậy; HS vùng sâu xa bị thiệt thòi vì giáo viên thường không giỏi và các nguồn lực nhà trường hạn chế; HS dân tộc thiểu số bị thiệt thòi bởi các kỳ thi dùng tiếng Việt. Trong báo cáo của mình, bộ phận thường trực Ban chỉ đạo đổi mới CT-SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 cũng chỉ rõ tuy đã có nhiều cải tiến nhưng nhìn chung kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn còn cồng kềnh, tốn kém, nặng nề; chưa có hiệu quả cao và có nhiều điều bất cập, gây bức xúc trong xã hội. Đề thi vẫn chủ yếu coi trọng ghi nhớ kiến thức, ít chú ý đến đánh giá năng lực vận dụng. Một trong các nguyên nhân của tình trạng dạy học theo lối đọc – chép, mở lò luyện thi, học tập để đối phó… là do đề thi chỉ chú ý đến yêu cầu tái hiện kiến thức… Ban chỉ đạo đề án cũng cho rằng xét một cách tổng quát, đánh giá nói chung và thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ nói riêng ở Việt Nam còn lạc hậu từ mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện đến quy trình, cách xử lý, sử dụng kết quả; coi việc đánh giá kết quả học tập chỉ là việc cho điểm các bài thi, kiểm tra.
Theo Đề án đổi mới giáo dục của Bộ GD-ĐT vừa được thông qua, việc thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cần kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình học tập (chủ yếu ở cấp THPT) và kết quả thi kiểm tra kết thúc (để tốt nghiệp), kết quả thi, kiểm tra đầu vào (để tuyển sinh). Cụ thể, với bậc THPT, học xong môn nào sẽ đánh giá luôn kết quả đạt chuẩn đầu ra môn đó. Kỳ thi cuối cùng (thi tốt nghiệp) đề thi sẽ yêu cầu vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực, môn học để giải quyết một vấn đề chung theo hai lĩnh vực lớn là khoa học xã hội – nhân văn và khoa học tự nhiên hoặc cũng có thể chỉ thi hai môn toán và ngữ văn.
Phát triển năng lực người học là một định hướng mới của chương trình sau năm 2015 và thi tốt nghiệp THPT dựa theo chuẩn năng lực đầu ra là một vấn đề khó khi thực hiện chương trình này. Do đó, cần phải có một lộ trình cụ thể để đánh giá kiến thức, kỹ năng môn học chuyển dần sang hướng đánh giá năng lực của người học. Đề thi tốt nghiệp THPT hàng năm chuyển dần từ việc đo lường kiến thức, kỹ năng cơ bản các môn học sang hướng đo lường các năng lực cốt lõi nêu trên thể hiện qua các môn thi. Từng bước thay đổi cấu trúc đề thi để đảm bảo vừa đánh giá toàn tiện, vừa đánh giá mức độ tư duy cao và khả năng thực hiện.n
Nghiêm Huê (lược ghi)
TS. Nguyễn Thị Lan Phương
(Viện Khoa học giáo dục Việt Nam)
Nên thi tốt nghiệp 8 môn
Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập lại đề xuất nên thi tốt nghiệp 8 môn văn hóa: Văn, toán, lý, hóa, sử, địa, sinh và ngoại ngữ.  Trên cơ sở kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các hệ đào tạo, các ngành nghề đào tạo phù hợp. Đây là các môn văn hóa rất cơ bản, là nền tảng kiến thức phổ thông, đã từng được chọn làm môn thi trong các tổ hợp 3 môn hay 6 môn thi của hai kỳ thi nhiều năm qua.
T.Lam
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)