Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Hơn 30 năm vững vàng trên bục giảng

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Trần Thị Ngọc Anh bên bàn làm việc

Trong cuộc sống, nếu bạn dành trọn “trái tim” mình cho sự đam mê nghề nghiệp, chắc chắn bạn sẽ thành công! Cô Trần Thị Ngọc Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, quận 11 là người như thế.
Ra trường, đi dạy bốn năm, cô đã đạt được danh hiệu “Giáo viên giỏi quốc gia” không chỉ một mà hai lần. Thành tích đó cùng với quá trình phấn đấu không mệt mỏi, cô tiếp tục được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Nhà giáo ưu tú!
Giáo viên giỏi cấp quốc gia trẻ nhất
Cô Trần Thị Ngọc Anh sinh năm 1958 tại TP.HCM. Năm cô học lớp 11 tại Trường Nữ Trung học Gia Long (THPT Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ) thì miền Nam được giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất. Lúc này, tất cả học sinh (HS), sinh viên đều hăng hái tham gia vào các công tác xã hội nhằm khắc phục những hậu quả, tàn dư của chiến tranh. Vì thế, hàng ngày, sau giờ học tại trường, cô nữ sinh vui tính và rất dễ thương Ngọc Anh cùng mọi người hăng say tham gia vào công tác “Bình dân học vụ”. Nhiều khi học xong, để nguyên cuốn tập còn chưa ráo mực, Ngọc Anh đã cùng anh chị trong nhóm có mặt tại phường 9, quận Tân Bình, hòa mình vào từng trò chơi, bài tập đọc với những học sinh… đều đáng tuổi cha chú của mình. Điều gây ấn tượng nhất với Ngọc Anh trong lớp học này là tình cảm của các “HS” dành cho “cô giáo”. Không vì “thầy” ít tuổi mà “trò” tỏ ra khinh thường, quậy phá. Các cô, các chú học bài, tham gia các hoạt động của lớp một cách nghiêm túc nhưng cũng tràn đầy niềm vui. Ba tháng tham gia phong trào rồi cũng qua đi, trở về với tuổi học trò hồn nhiên, nhí nhảnh, có những lúc thả hồn theo cánh phượng rơi nơi cuối sân trường, Ngọc Anh thấy yêu nghề dạy học biết bao. Và sau hai năm theo học tại Trường THSP TP.HCM, năm 1978, cô giáo trẻ Ngọc Anh được phân công về dạy học tại Trường Tiểu học Phú Hòa, Q.11. Một năm sau, cô chuyển qua dạy tại Trường Tiểu học Đại Thành, cũng thuộc Q.11. Đây là khu dân cư rất đông người lao động nghèo và có trên 80% là người gốc Hoa. Vất vả kiếm kế mưu sinh, cuộc sống của dân cư ở đây quá khó khăn nên con em họ đa phần là mù chữ. Để ngày càng có nhiều HS đi học, cô Anh cùng Ban giám hiệu nhà trường đã đến từng nhà vận động phụ huynh (PH) cho con em tới trường. Gia đình nào quá khó khăn, thầy cô vận động mạnh thường quân, làm kế hoạch nhỏ… để tặng tập, viết hỗ trợ cho các em. Bên cạnh đó, phương châm “vừa dạy vừa dỗ” được tập thể giáo viên Trường Tiểu học Đại Thành và bản thân cô triệt để thực hiện. Cô Anh tâm sự: “Thầy cô trong trường khi đó cũng vất vả với cuộc sống mưu sinh, đồng lương “ba cọc, ba đồng” không đủ trang trải trong cuộc sống nhưng không vì thế mà xao nhãng việc dạy. Mọi người luôn tìm cách khắc phục khó khăn, cố gắng đến lớp thật đều và hạn chế tối đa việc bỏ buổi. PH, HS cảm nhận được sự yêu nghề của giáo viên nên rất quý mến thầy cô. Một thời gian sau, số HS bỏ học tại trường chỉ còn đếm trên đầu ngón tay”.
Cô Anh nhớ lại lần đầu tiên tham gia Hội giảng toàn quốc vào năm 1981: “Hồi đó, mới bước vào nghề bốn năm, tôi được cấp trên và đồng nghiệp tin tưởng giao phó để tham gia Hội giảng toàn quốc. Mừng đấy nhưng thật sự rất hồi hộp và lo lắng bởi kinh nghiệm trong giảng dạy chưa có nhiều, chẳng biết khi tham gia có đạt được gì không? Đến ngày dự thi tôi mới giật mình vì khi đó tôi là giáo viên trẻ nhất và chỉ có bằng… trung cấp. Sau khi tự trấn an mình bằng cách hít thở thật sâu và tôi đã có thể tự tin trình bày bài giảng của mình một cách xuất sắc. Thời khắc nghe thông báo kết quả, tôi đã ôm lấy đồng nghiệp mà khóc ngon lành vì không tin được mình đã đoạt được giải A1, giải cao nhất lúc bấy giờ”.
Hạnh phúc của cô giáo yêu nghề
Bây giờ, khi đã là Hiệu trưởng của Trường Tiểu họcTrần Văn Ơn, một ngôi trường có bề dày thành tích trong dạy và học, nhớ lại quãng đường đã qua, cô Anh thấy mình thật may mắn. Ánh mắt nhìn xa xăm, kí ức của những tháng ngày khó khăn nhưng hạnh phúc đó như tràn về khiến cô bồi hồi: “Những năm đất nước còn bao cấp, cuộc sống của mọi người lúc đó vất vả lắm, có nhiều đồng nghiệp đã không trụ lại được với nghề cũng vì chuyện “cơm-áo-gạo-tiền”. Nhà thơ Đoàn Vị Thượng khi đó đã có câu thơ “Viên phấn của lòng mình không giữ nổi trên tay”, chỉ có đi dạy thì không thể nào tồn tại được trong cuộc sống. Góp phần cho vợ đỡ vất vả, “ông xã” tôi trong ba năm liền, sáng dạy học thì chiều đạp xích lô và ngược lại. Nhiều hôm vừa đi dạy về có khách gọi chở hàng, vậy là bỏ cặp xuống không kịp ăn với vợ con miếng cơm, vội chạy xe đi ngay đến tối khuya mới về. Tôi thương chồng lắm nhưng không thể làm khác được! Vợ chồng tôi xác định, dù khó khăn đến mấy cũng phải vượt qua để giữ nghề cho con cái noi gương”.
Thành công của một gia đình, không phải là “quyền cao, chức trọng – lắm tiền nhiều của”, mà quan trọng nhất theo cô Anh đó là: “Ngoài chuyện con cái học hành tấn tới, cái quan trọng nhất vẫn phải giúp cho đứa trẻ có đạo đức. Bởi, con cái hiếu thảo là hạnh phúc của tuổi già”. Quả thật, đến bây giờ nhìn thấy con cái trưởng thành, nối theo nghiệp cha mẹ đó là thành công, hạnh phúc nhất trong cuộc đời của cô. Cậu con trai út khi chuẩn bị thi vào đại học, bạn bè, người thân cũng có nhiều ý kiến khuyên nên chọn những trường có thương hiệu, nghề “hot” để sau này kiếm tiền dễ hơn. Sau thời gian suy nghĩ, anh chàng quyết tâm theo nghề của cha mẹ và anh trai. “Tôi đã nói: Con phải biết nghề này không thể làm giàu được, và muốn theo nghề con phải yêu thương học trò. Cháu nói: Ba mẹ yên tâm, con sẽ và rất yêu thương học trò. Tôi trải lòng: Đồng lương của giáo viên lúc này tuy đã khá hơn nhưng chắc hẳn cuộc sống của con sẽ không tránh khỏi sự chật vật. Trong lớp học sẽ có trò ngoan, học giỏi và ngược lại. Khi đó, sự đấu tranh tư tưởng với bản thân của người thầy sẽ rất khắc nghiệt. Những lúc như vậy con cần phải mạnh mẽ, nghị lực hơn và phải tuyệt đối bình tĩnh để giữ được sự sáng suốt của đầu óc mà tìm ra phương cách giải quyết hiệu quả nhất. Con nên nhớ, chỉ có tình thương của người thầy mới thuyết phục được HS lắng nghe để chúng ngày càng tiến bộ” – cô Ngọc Anh chia sẻ.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy

 

Bình luận (0)