Cô giáo Trương Thị Nga không lý giải trọn vẹn được tại sao mình lại đơn độc trụ nổi ở điểm trường Phia Cò 2 (Trường Tiểu học Bản Bung, xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm), vì nghề, vì học sinh, vì những người dân quá yêu quý cô, hay cả vì… không nhớ nổi đường về… Dù sao cô cũng đã ở Phia Cò 2 hơn 1 năm, mình cô dạy 3 lớp: 1, 2 và 3, lớp 1 còn thêm mấy cháu mẫu giáo học nhờ.
Cô giáo Trương Thị Nga trong giờ dạy buổi chiều với 2 lớp 2 và 3.
|
Nước mắt …ngày đầu đi dạy
Cô Nga người Tày, cũng sinh ra ở huyện miền núi Nguyên Bình, Cao Bằng, cũng thường xuyên phải đi rừng lấy củi nhưng Nam Cao xa quá. Từ Nam Cao vào đến Phia Cò 2 lại xa đến… “không tưởng tượng nổi” như lời cô Nga. Đi cả ngày đường mà chưa tới, đến chân núi Ke Chủa Sáu, thấy mây phủ kín đỉnh, nghĩ: “Làm gì có người ở”, vậy mà có, bản Phia Cò 2 với hơn 60 nóc nhà của người Mông, bản ấy “của cô”. Lúc vượt dốc lên đỉnh Ke Chủa Sáu, tưởng không thở nổi, cô đã… bật khóc
Cô Nga đến trường ngày 16.9.2010, lớp học xiêu vẹo, gà làm ổ trong lớp. Căn phòng ở tạm của giáo viên mái thủng lỗ chỗ, vách mốc đen sì, cô dọn mãi mới có chỗ trải cái chiếu… khóc. Bác chủ tịch xã, thầy hiệu trưởng trường đưa cô đi nhận lớp rồi chia tay cô để về, dặn mấy câu, cô lại… khóc. Sáng hôm sau lên lớp, buổi dạy đầu tiên ở bản Phia Cò 2 cũng là buổi lên lớp đầu tiên làm nghề giáo của cô, 24 học sinh lớp 1, em nhiều tuổi nhất đã… 13 tuổi.
Buổi học đầu tiên cô trò trao đổi với nhau qua “phiên dịch” Giàng Bằng Quạ – nhân viên hỗ trợ giáo viên của bản, cố lắm cũng hoàn thành được mục điểm danh, bập bẹ vài câu hát đầu tiên. Trưa nghỉ, không ăn được, cô hòa nước đường uống lấy sức… khóc.
Chiều dạy tiếp lớp 2, lớp 3 ghép cũng hơn 20 học sinh, đỡ hơn buổi sáng một chút nhưng cuối giờ dạy cô muốn ngất đi vì mệt. Hết giờ học chui vào phòng nghỉ lại… khóc. Ba ngày đầu tiên cô không ăn được cơm, chỉ mì tôm, nước đường giữ sức để dạy, để làm quen với mọi người và… khóc.
Giữ nghề cũng lắm truân chuyên
Những ngày đầu ở bản là thế, cô cứ ngại học sinh, dân bản cười mình hay khóc, nhưng không ai cười, mà hình như mọi người yêu quý cô hơn. Ông Giàng Súa Dính bảo: “Thương nó lắm, nhà xa, chồng con xa, vượt bao cái dốc vào đây dạy con em mình, nó khổ lắm”. Ông và mọi người chỉ mong “cô giáo Tày đừng bỏ về”.
Cả bản có miếng gì ngon cũng phần cô giáo Tày, cô cần gì ai cũng giúp, chỉ khổ ngôn ngữ bất đồng, có lần đi mượn cái chổi, chị chủ nhà đưa cái cuốc. Ở bản ngày hai buổi đánh vật với học trò bất đồng ngôn ngữ, đêm lại thức soạn giáo án đến nửa đêm, lúc nào cũng thấy mệt. Cô Nga bảo đấy cũng là một cái hay để “bớt phải nghĩ quẩn”.
Ra trường về ngay đây, một mình một điểm trường có vụng cũng không hỏi được ai, lúc nào cũng thèm gặp “người mình” để nói chuyện. Có đợt nhớ quá đành vượt dốc sang Phia Cò 1 gặp cô giáo Thu, “phát” tiếng Tày một bữa cho đã. Hôm chúng tôi ở bản, buổi sáng cô dạy lớp 1, các cháu hầu như chưa biết tiếng phổ thông, học chữ i, cô đọc cho từng cháu, chúng nhìn mồm cô đọc lại, nắm tay từng đứa để viết.
Cô Trương Thị Nga sở hữu nhiều cái nhất bất dắc dĩ: Dạy nhiều nhất, mình cô “ôm” 3,5 lớp, nếu tính cả mấy cháu mẫu giáo học ké lớp 1 là nửa lớp; ở điểm trường xa nhất của trường học trẻ nhất huyện (trường Bản Bung thành lập đầu năm học 2010 -2011); nằm trên địa bàn xã Nam Cao – xã khó khăn nhất huyện.
Cả buổi sáng cũng xong được chữ i ấy. Chiều lại vật nhau với toán lớp 3, tập viết lớp 2. Năm nay không còn chế độ cho nhân viên hỗ trợ giáo viên, mất “phiên dịch”, phần “nói” bằng tay, bằng mắt nhiều hơn.
Chuyện gia đình phó mặc cho chồng, cả năm học trước cô về nhà được 4 lần. Năm nay cậu con trai vào lớp 1, chuẩn bị xong cho con là cô dứt áo lên trường cho kịp khai giảng. Cũng vì vội mà đêm 4.9 mới lò dò cùng thầy Đình, cô Thu ở điểm trường Phia Cò 1 vượt dốc vào bản, đèn pin mất, 3 người dùng chung ánh sáng từ điện thoại.
Đi qua vách đá dựng đứng thấy sợi dây vắt ngang bíu lấy định đu lên, vừa bám tay vào cô nhủn người, hét lên, sợi dây ấy là con rắn, thầy Đình phía sau vung gậy gạt phăng nó xuống vực. Mồ hôi lạnh toát ra, đến nửa giờ sau cô Nga mới đứng lên đi tiếp được. Dù muộn nhưng vẫn kịp để sáng 5.9, gần 40 học sinh bản “của cô” được dự lễ khai giảng chung với học sinh cả nước.
Bài 2: Trường học quanh đỉnh Phja Dạ
Theo Xuân Trường
(Dân Việt)
Bình luận (0)