Chính phủ đã bàn và quyết định những giải pháp nhằm đưa ra thông điệp mạnh mẽ thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát vì xác định lạm phát là thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế trong năm 2011.
Các giải pháp đưa ra sẽ đánh mạnh vào tổng cầu, giảm cung tiền khoảng 100.000 tỷ đồng, giúp giảm nhập siêu 3 – 4 tỷ USD để bớt áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là mâu thuẫn giữa tăng trưởng và lạm phát liệu có được giải quyết ổn thỏa?
Một số nhà phân tích ước tính Việt Nam sẽ phải giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế chỉ còn trong khoảng từ 5% đến 6% trong năm nay. Đó là mức thấp hơn tốc độ tăng trưởng 7 – 7,5% mà Chính phủ đưa ra trước đó.
|
Trong một động thái mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã tăng chi phí vay lên 200 điểm cơ bản, từ 9% lên 11%. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hạ giá tiền đồng sẽ giúp kiểm soát thâm hụt thương mại, làm cho hàng nhập khẩu đắt hơn và xuất khẩu rẻ hơn. Một số phân tích cho rằng, tăng lãi suất có thể giúp hỗ trợ cho tiền đồng và kiềm chế lạm phát.
Thế nhưng, theo các phân tích của Barclays Capital, Citigroup, JP Morgan và những định chế tài chính quốc tế khác, dự kiến việc phá giá sẽ làm tăng lạm phát vì vào tháng 1/2011, lạm phát đã lên tới 12%, là mức cao nhất trong hai năm. Chuyên gia của JP Morgan đã nâng mức dự báo lạm phát cả năm của Việt Nam trong năm 2011 từ 11,5% lên 13,9%.
Quyết định tiếp tục điều chỉnh tỷ giá được đưa vào thời điểm dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm xuống còn khoảng hơn 10 tỷ USD so với 16 tỷ USD năm 2009.
Con số này có nghĩa rằng, túi tiền của Nhà nước đã bị vơi đi khá nhiều trong nỗ lực hỗ trợ cho tiền đồng. Tỷ giá thấp hơn cũng như biên độ giao dịch thu hẹp hơn sẽ góp phần giảm mức thâm hụt mậu dịch của Việt Nam, ở mức 12,4 tỷ USD trong năm ngoái.
Tuy nhiên, hành động này lại không tính đến thực tế là nhiều sản phẩm của Việt Nam, trong đó có các mặt hàng xuất khẩu, trên thực tế phần lớn được sản xuất từ nguyên liệu ngoại nhập.
Thậm chí, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như giày dép, hàng dệt may được sản xuất từ 90% nguyên liệu ngoại nhập. Nếu tiền tệ giảm giá, nguyên liệu nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn và khiến chi phí sản xuất sẽ gia tăng. Các nhà sản xuất sẽ buộc phải tăng giá sản phẩm để bù vào khoản chi phí gia tăng.
Vì vậy, vô hình chung, giảm giá tiền đồng sẽ kích hoạt lạm phát tăng nhanh vì nhiều mặt hàng sẽ tăng giá. Theo tính toán của một số chuyên gia kinh tế, nếu tiền đồng mất đi 1% giá trị so với đồng đôla thì chỉ số giá tiêu dùng, CPI, sẽ tăng 0,15% và việc giảm giá tiền đồng xuống 9,3% có thể sẽ khiến chỉ số CPI tăng 1,4%.
Có thể thấy việc tăng lãi suất là cần thiết, đặc biệt là sau khi đánh sụt giá tiền đồng hồi tuần trước. Mặc dù vậy, nhiều đánh giá bắt đầu quan ngại nếu tiếp tục nâng lãi suất có thể sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Một số nhà phân tích ước tính Việt Nam sẽ phải giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế chỉ còn trong khoảng từ 5% đến 6% trong năm nay. Đó là mức thấp hơn tốc độ tăng trưởng 7 – 7,5% mà Chính phủ đưa ra trước đó.
Ở đây cần phải thấy, những công cụ điều tiết vĩ mô thường dùng ở các nền kinh tế đã phát triển để chống lạm phát, như chính sách tiền tệ (tăng lãi suất, giảm cung ứng tiền, thắt chặt tín dụng) và tài khóa (giảm chi tiêu công, thắt lưng buộc bụng) trong thời gian qua ở nước ta tỏ ra ít hiệu quả và thường mâu thuẫn nhau do các mục tiêu không nhất quán.
Chẳng hạn, Quốc hội vừa muốn tăng trưởng nhanh hơn năm 2010 với GDP tăng khoảng 7,5%, vừa muốn lạm phát thấp hơn nhiều so với năm 2010 với CPI tăng khoảng 7%. Loay hoay với mâu thuẫn này nên gánh nặng kiềm chế lạm phát lại được đặt lên vai một thứ chính sách vốn không phải để chống lạm phát – đó là chính sách quản lý giá.
Quá trình thẩm tra báo cáo của Chính phủ, nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế, tài chính đã đưa ra quan ngại sâu sắc khi lạm phát đã làm giảm ý nghĩa tăng trưởng.
Thu nhập danh nghĩa tăng nhưng thu nhập thực tế tăng không tương xứng làm cho một bộ phận dân cư, nhất là người làm công ăn lương đời sống gặp khó khăn, đến Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Quang Bình cũng phản ánh than thở của dân "đi chợ bây giờ cứ như bị móc túi".
Trong 5 năm gần đây, từ 2006 đến 2010, lương tối thiểu sau khi đã điều chỉnh theo CPI đã hầu như không tăng (chỉ số 185 năm 2006 đến 189 năm 2010). Trong khi đó cùng thời gian này đã chứng kiến cơn bão về giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, xăng dầu, cũng như giá bất động sản…
Một lần nữa giằng co giữa chống lạm phát và mục tiêu tăng trưởng lại được đề cập. “Muốn nền kinh tế phát triển, chất lượng đời sống người dân được nâng lên thì lạm phát phải thấp hơn tăng trưởng”.
Đó là điều được Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đặc biệt nhấn mạnh trong thảo luận báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội năm 2010 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 18/12.
TRỌNG NHI/ DNSG
Bình luận (0)