Kể từ ngày 1/4 tới đây, việc áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da Việt Nam sẽ chính thức được Ủy ban châu Âu (EC) bãi bỏ. Điều này cũng có nghĩa là doanh nghiệp da giày Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thị trường hơn. Bên cạnh đó, giày da Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa đến từ các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc.
Phát triển thị trường nội địa là giải pháp tốt nhất cho các doanh nghiệp sản xuất da giày Việt Nam hiện nay.
Thị trường rộng mở, cạnh tranh khốc liệt!
Ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương, cho biết: “Quyết định này đã tác động tích cực hơn đến tâm lý người tiêu dùng châu Âu cũng như các nhà xuất khẩu của Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp hai bên trong bối cảnh EU và Việt Nam đang trong quá trình tiến tới việc đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương”.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Tòng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), sự phát triển của ngành da giày vẫn đang tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững, điển hình là thiếu nguyên liệu, lao động không ổn định. Thêm vào đó là sự cạnh tranh quyết liệt của các nước xuất khẩu da giày.
Đồng quan điểm này, ông Vũ Bá Phú cho rằng, không phải vì được bỏ thuế chống bán phá giá mà các doanh nghiệp Việt Nam chủ quan. Theo đề nghị của các nhà sản xuất da giày của EU, Ủy ban châu Âu (EEC) cũng tuyên bố rằng sẽ có biện pháp giám sát chặt chẽ hợp lý với hoạt động xuất khẩu da giày từ Việt Nam, để xem xét các doanh nghiệp Việt Nam có tiếp tục bán phá giá mặt hàng này vào EU hay không.
Những tác động của quyết định này thì đã rõ nhưng nó cũng tạo ra tính cạnh tranh trực tiếp với các nước khác. Chắc chắn sau khi gỡ bỏ thuế chống bán phá giá mặt hàng da giày, tính cạnh tranh trên thị trường sẽ trở nên gay gắt hơn, nhất là với Trung Quốc bởi họ cũng là đối tượng được hưởng lợi từ việc này (thuế áp giá chống bán phá giá của Trung Quốc là 16,5%). Xét về mức thuế thì Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trước khi lệnh được bãi bỏ nhưng từ ngày 1/4 thì giày mũ da của hai nước vào thị trường châu Âu đều chịu mức thuế như nhau.
“Thế nhưng việc cạnh tranh bao gồm nhiều yếu tố, công cụ, biện pháp để cạnh tranh với nhau. Đó có thể là thông qua chất lượng, phân khúc thị trường khác nhau. Đối với phân khúc hàng bình dân thì họ thường cạnh tranh về giá, còn phân khúc cao cấp thì bằng chất lượng, thương hiệu, chiến dịch truyền thông. Do đó, Việt Nam không nhất thiết phải cạnh tranh bằng giá mà nên tập trung vào phân khúc trung và cao cấp với chất lượng mang thương hiệu tầm cỡ hơn” – ông Phú nhấn mạnh.
Đầu tư thị trường nội địa trước
Có một thực tế, Việt Nam là nước xuất khẩu da giày khá lớn nhưng tại thị trường trong nước thì hàng Trung Quốc lại bán tràn lan và đánh đúng tâm lý chuộng giá rẻ của người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Tòng cho biết, trong quy hoạch phát triển đến năm 2020, ngành da giày chú trọng phát triển thị trường nội địa, định hướng các doanh nghiệp tập trung vào thị trường nội địa với 87 triệu dân. Khi phát triển được thị trường nội địa thì buộc các doanh nghiệp sẽ quan tâm đến việc phát triển thương hiệu và nhãn hiệu riêng để có thể đứng vững trên thị trường và từ đó mới thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp của chính mình.
Hiện nay, phát triển thị trường nội địa là giải pháp tốt nhất cho các doanh nghiệp sản xuất da giày Việt Nam. Khi quay về chiếm lĩnh được thị trường nội địa, phát triển các sản phẩm da giày cao cấp…, ngành da giày sẽ giảm dần được tỉ lệ gia công hàng, xây dựng được thương hiệu với thị trường quốc tế và xuất khẩu ở phân khúc thị trường cao hơn, có giá trị kinh tế hơn, đảm bảo sự phát triển bền vững.
“Về nguyên tắc sản xuất, ngành yêu cầu các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của người dân trong nước và quốc tế, bởi hiện nay yêu cầu của người tiêu dùng rất cao. Nếu sản phẩm không đáp ứng yêu cầu thì nó sẽ bị loại khỏi thương trường” – bà Tòng đưa ra cảnh báo.
Bình luận (0)