Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ngân hàng nối nhau hạ lãi suất USD

Tạp Chí Giáo Dục

Tiếp sau VietinBank, PG Bank, SeABank và VietABank, xu hướng hạ lãi suất huy động USD tiếp tục có thêm sự nhập cuộc của nhiều NHTM có tiềm lực lớn về ngoại tệ.

Trong đó đáng lưu ý, Agribank vừa quyết định giảm lãi suất huy động USD với việc giảm mức lãi suất cao nhất 5,55%/năm trước đó xuống còn 5,3%/năm và chỉ áp ở kỳ hạn 9 tháng. Các kỳ hạn còn lại chỉ áp dụng ở mức 5-5,2%/năm trong khi các kỳ hạn dài 18 và 24 tháng lần lượt chỉ có lãi suất 4,8% và 4,7%/năm.
Cùng thời điểm với Agribank, Sacombank cũng công bố điều chỉnh giảm lãi suất huy động USD với việc xóa bỏ mức lãi suất cao nhất trước đó từng được giữ ở mức 5-5,2%/năm. Theo đó với các khoản tiết kiệm dưới 10.000USD, lãi suất cao nhất tại Sacombank sau điều chỉnh còn 4,62%/năm và chỉ áp dụng ở kỳ hạn 6 tháng. Trong lúc các khoản tiền gửi cao hơn, thậm chí đến trên 300.000USD, lãi suất huy cao nhất cũng chỉ còn 4,88%/năm và áp dụng cho hai kỳ hạn ngắn 2 – 3 tháng.
Thực tế xu hướng hạ nhiệt lãi suất huy động USD bắt đầu được khởi động từ giữa tháng 3.2011 với sự mở đầu của Eximbank và KienLongBank. Tuy nhiên, dù có nhiều ngân hàng tham gia hạ nhiệt, mức giảm khiêm tốn của các ngân hàng khiến mặt bằng lãi suất huy động USD trên thị trường vẫn ít có biến động trong các tuần qua.
Theo thống kê của NHNN, tính đến cuối tháng 3.2011, lãi suất tiết kiệm USD vẫn phổ biến ở mức 0,2-0,5%/năm đối với không kỳ hạn, 4,2-5,8%/năm ở kỳ hạn dưới 12 tháng và 4,5-6,0%/năm ở các kỳ hạn trên 12 tháng. Song theo các dự báo, việc NHNN nghiên cứu và đề xuất lộ trình chuyển dần quan hệ huy động – cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua – bán trình Chính phủ quyết định trong tháng 4 sẽ có tác động nhất định tới mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường.   

Văn Nguyễn / Lao Động

Bình luận (0)