Giá một số loại rau củ, thực phẩm tại Hà Nội bắt đầu giảm sau những ngày viện cớ tăng do nguồn cung khan hiếm và chi phí vận chuyển đắt đỏ.
Chị Hoa, bán rau tại chợ Thành Công cho biết, về cơ bản, các loại rau đều đã giảm khoảng 1.000-2.000 đồng mỗi kg. Cải bắp từ 6.000 đồng giảm còn 4.000 đồng một kg, cà chua từ 14.000 đồng xuống còn 10.000-12.000 đồng một kg. Các loại cải canh, cải cúc bán theo mớ cũng giảm từ 2.500 đồng xuống còn 1.500 đồng một mớ, rau dền từ 5.000 đồng xuống còn 2.000-3.000 đồng một mớ.
Theo giải thích của chị Hoa, giá các loại rau giảm đáng kể do nguồn cung ổn định. Thời tiết ấm, ẩm rất thuận lợi cho rau sinh trưởng nên giá bán tại ruộng hay chợ đầu mối đều rẻ đi trông thấy, nhất là những loại rau đầu mùa hè, cuối mùa đông.
Tâm lý thắt chặt chi tiêu của người dân khiến khiến các tiểu thương phải giảm giá mới bán được hàng. Ảnh minh họa: Tuệ Minh
Tại chợ đầu mối, những loại rau bán theo cân cũng giảm mạnh: cải ngọt từ 8.000 đồng xuống còn 6.000 đồng một kg, cải canh bán theo cân cũng giảm từ 12.000 đồng xuống còn 10.000 đồng một kg bán buôn.
Giá một số loại thịt tươi sống cũng bắt đầu hạ nhiệt. Chị Hiền, bán thịt tại chợ Thái Hà (Hà Nội) cho hay, giá thịt lợn thăn bán vào lúc sáng sớm và cho khách lạ vẫn 120.000 đồng một kg, các loại thịt mông, vai, ba chỉ khoảng 100.000-110.000 đồng. Tuy nhiên, đến trưa, chiều, giá bán có thể giảm khoảng 5.000 đồng mỗi kg.
"Thật ra bình thường nếu đông khách, ngay cả hàng hơi ế vẫn phải cố co kéo, được thêm đồng nào thì thêm. Nhưng hiện tại hàng bán chậm hơn, nên tùy cơ ứng biến", chị Hiền chia sẻ.
Mấy ngày gần đây, một số tiểu thương tại các chợ Thái Hà, Thành Công, Cầu Giấy, Láng Thượng…, thay vì "hét" giá thịt lợn nạc thăn 120.000 đồng một kg, đã giảm xuống còn khoảng 113.000-115.000 đồng một kg. Những loại thịt khác cũng đã giảm khoảng 5.000 đồng một kg so với trước.
Nguyên nhân các loại thực phẩm cũng giảm giá, theo một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ tạm trên phố Chính Kinh (Thanh Xuân, Hà Nội), nhu cầu của người dân ít đi, nên để bán được hàng thì người bán bắt buộc phải hạ giá thành sản phẩm, ăn lãi ít.
Tuy vậy, nhiều tiểu thương cho biết, hàng bán vẫn chậm ngay cả khi giá giảm. Chị Loan, bán rau tại chợ Thái Hà chia sẻ, giá cả tăng cao, người đi chợ có tâm lý chọn món rẻ tiền để mua, nên lượng hàng bán ra chậm hẳn. Những năm trước, những ngày trời bắt đầu nắng lên là những ngày rau xanh đắt hàng. Nhưng vài hôm nay, trời đã nắng to, hàng bán vẫn chậm. Trưa nay, ngồi đến gần 11h, sạp rau của chị vẫn còn tới hai phần ba dù đã lấy hàng ít hơn bình thường. Trời nắng, rau héo, mặt người bán rau cũng "héo" theo.
Tại một số chợ khác như Nghĩa Tân, Đồng Xa, Láng Hạ B…, cảnh nhiều sạp rau vẫn ê hề đến trưa muộn khá phổ biến trong những ngày này. Một người bán rau tại chợ Đồng Xa rầu rĩ cho hay, có hôm ngồi từ sáng đến chiều tối mới bán hết gánh rau vài chục mớ; trong khi trước kia nếu ngồi đến chiều, có thể bán được lượng hàng nhiều gấp rưỡi.
Bà Thành, nhà ở đường Hồ Tùng Mậu thường xuyên mua rau củ, thực phẩm tại chợ Đồng Xa cho hay, tâm lý người già vốn tiết kiệm, nên khi thấy mọi thứ cứ tăng giá, càng thêm dè xẻn chi tiêu. Trước kia, đi chợ cho năm người ăn, chỉ cần mua 50.000 đồng, nhưng giờ cầm 70.000-80.000 đồng mà vẫn thiếu, nên phải tính toán chi li từng đồng một.
Giá rau củ, thực phẩm đắt đỏ trong khi đồng tiền kiếm ra khó khăn khiến không chỉ bà Thành, mà nhiều người khác cũng có xu hướng cắt giảm một số món tráng miệng là hoa quả hoặc bánh trái. Chị Linh, nhà ở đường Tô Hiệu cho biết, các loại hàng thiết yếu như rau hay thịt, cá thì không thể không mua. Tuy nhiên, chị hạn chế sắm những loại đắt tiền mà chuyển sang ăn các loại thịt, rau thông dụng. Chị kể, gần như từ bỏ được thói quen mua các loại hải sản như mực, tôm sú hay sò huyết và những món rau đắt tiền như ngọn su su, bông bí đỏ…
Nguồn VNEXPRESS
Bình luận (0)