Anh Ba Ngon (bên phải) cân còng giao cho thương lái
|
Về huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) những ngày này vào ban đêm tìm gặp đàn ông, thanh niên không dễ. Ngay từ sẩm tối, họ đã ra đồng soi… còng.
Nhắc đến Cần Giuộc, dân sành ăn trong Nam ngoài Bắc nhớ ngay đến món còng, từ mắm còng, còng chiên bột…, cho đến còng làm gỏi. Để có được món đặc sản dân dã rất Nam bộ này, phải trải qua nhiều công đoạn nhưng dày công nhất vẫn là đi soi còng.
Lấy đêm làm ngày
Chúng tôi gặp anh Ba Ngon ở ấp Phước Thới, xã Phước Lại (huyện Cần Giuộc) sau một đêm anh lội gần chục cây số soi còng. Anh hồ hởi khoe: “Mấy ngày nay, ai đi soi về cũng được trên dưới chục ký, tuy cực nhưng có đồng ra đồng vô lo tiền gạo, tiền chợ hàng ngày”. Chiến lợi phẩm mà anh Ba Ngon thu được sau 6 tiếng đồng hồ là 15kg còng, con nào cũng mập ú ngọ nguậy trong chiếc bao lưới.
Theo “nghề” soi còng ngót 25 năm, giờ đây ở xã Phước Lại, ai cũng biết anh Ba Ngon nổi tiếng là người soi còng số một. “Ổng mà xách đèn, vác bao đi là thế nào cũng có chục ký mang về”, bà Chinh, hàng xóm của anh tự tin nói. Anh Ba Ngon cho biết, chẳng phải hay ho gì, chỉ cần nắm được quy luật ra, vào hang của còng và theo con nước là được, nhiều thì cũng có vài ký, đủ trang trải tiền chợ trong ngày.
Còng sau khi bắt về, thương lái đến cân với giá 15.000 đồng/kg, riêng còng đã tách vỏ (yếm), giá mỗi ký là 22.000 đồng. Gần chục năm rồi, ngoài đi soi, anh Ba Ngon còn đi thu gom còng của người dân trong xã rồi bán lại cho đại lý lớn kiếm lời. Anh Ba Ngon cho biết: “Nếu có còng nhiều, thu mua về rồi thuê người tách yếm, mỗi ngày tôi kiếm 300.000-400.000 đồng là không khó”.
Căn nhà cấp 4 nằm sát con rạch, phía trước không biển hiệu nhưng hầu như ngày nào nhà anh Ba Ngon cũng có khách ở thành phố tìm về. “Khi thì ông chủ nhà hàng, lúc đại lý thu mua, hôm thì mấy ông dân nhậu đi tìm mồi đặc sản… Có khi mấy ông ngoài Hà Nội vô họp hành gì ở thị trấn Cần Giuộc, nghe giới thiệu món đặc sản, họ cũng tìm đến mua”, vợ anh Ba Ngon cho biết. Không chỉ có nhà anh Ba Ngon mà nhiều hộ gia đình khác làm mắm còng, từ sáng đến chiều luôn nườm nượp khách đến mua hàng, tham quan tìm hiểu nghề truyền thống.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, còng được các đại lý thu mua về làm mắm, xay bán cho người nấu riêu (bún riêu) hoặc cung cấp cho nhà hàng, quán ăn chế biến đặc sản gỏi còng, còng lăn bột chiên giòn… “Bao nhiêu cũng không đủ, nhu cầu tiêu thụ bình thường đã cao, những ngày cuối năm càng cao hơn”, anh Ba Ngon nói.
Quãng chục năm trước, hầu như thanh niên nam nữ trong xã đều đi soi còng. Họ đi thành từng tốp, dàn hàng ngang những vuông đất, ruộng gần mương, ao và sông. “Trước còng sinh sản nhiều lắm, bắt không xuể. Vào những ngày nước kém (nước ròng – PV), một đứa trẻ không có kinh nghiệm, mỗi đêm cũng bắt được 5-7kg. Người có nghề thì vài chục ký là bình thường”, bà Chinh cho biết.
Mùa còng hội
Lao động nữ tách yếm còng
|
Những năm 90 của thế kỷ trước, các cánh đồng trên địa bàn huyện Cần Giuộc, thuộc các xã Long Hậu, Phước Lại, Trường Bình, Tân Kim, Phước Lý… đều có bước chân của anh Ba Ngon. Anh nhớ lại: “Còng nhiều đến nỗi chiếc ghe bé tí chở 400-500kg, tôi phải lội bộ đẩy hoặc kéo xuồng. Lúc bấy giờ chỉ cần đi vài giờ đầu hôm là còng đầy cả ghe, còn bây giờ đi sáng đêm, bắt được vài chục ký là mừng lắm. Đó là chưa kể những hôm sáng trăng, còng nhác, thấy bóng người là chui tọt vô hang trốn biệt”.
“Sắp có còng hội rồi, tha hồ mà bắt”, chị Ngọc Nga (nhà ở ấp Phước Thới) nói với mọi người. “Còng hội”, nghe lạ tai khiến tôi tò mò. Theo anh Ba Ngon, “còng hội” được hiểu là mùa còng ra khỏi hang nhiều nhất trong năm. Chị Ba, vợ anh Ngon, giải thích thêm: “Giống như mình hay nói mùa trẩy hội, đông như trẩy hội. Nó bò nhanh lắm, chen chúc nhau, cứ kê miệng bao mà lùa”. Theo đó, mùa “còng hội” bắt đầu từ đầu tháng 12 âm lịch. Đây cũng là thời điểm làm ăn được nhất của người sống bằng nghề soi còng. “Còng nhiều nhưng không vì thế mà hạ giá, thậm chí còn bán được giá hơn. Người mua làm mắm dự trữ bán suốt năm. Người mua làm quà, chế biến đặc sản khô phục vụ 3 ngày Tết…”, bà Chinh cho biết. Tiền mua sắm, trang hoàng lại nhà cửa đón Tết cũng nhờ vào mùa “còng hội”.
“Thanh niên nam nữ, ngày đi làm xí nghiệp, đến mùa “còng hội” cũng tranh thủ bỏ vài giờ trong đêm đi soi còng kiếm thêm thu nhập. Bắt được 20kg “bỏ túi” 300.000 đồng ngon ơ, dại gì không đi”, bà Phải, một người làm công tách yếm ở nhà anh Ba Ngon nói.
|
Nhiều năm trước hai bên cầu sắt Phước Thới bắc qua con sông Cần Giuộc là bến thu mua còng của thương lái. Hừng đông, bên dưới ghe thuyền, trên bờ xe tải, xe máy xếp hàng chờ vận chuyển còng đi khắp nơi, từ miền Đông, miền Tây và TP.HCM. Tuy nhiên, TP.HCM vẫn là thị trường lớn. Nhưng khi người dân địa phương tổ chức thu gom xử lý và chế biến còng thì bến thu mua cũng đã ngưng hoạt động.
Săn còng không chỉ đơn giản là mưu sinh mà nó còn có cái thú riêng. “Anh em người mang lít đế, kẻ góp chút mồi, điếu thuốc thơm, đến giờ tụ lại lai rai, thú vị lắm. Trước đây, trong xóm còn mấy anh, chị có “máu” hát hò đêm nào cũng xôm tụ ngoài đồng. Có ông đội đèn ra đồng chỉ để… nhậu và ca phục vụ, đến giờ anh em mỗi người chia một ít còng mang về”, anh Ba Ngon chia sẻ.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
5.000 đồng/kg yếm
Khoảnh sân trước nhà anh Ba Ngon là nơi tập kết, phân loại và tách yếm còng. Sáng nào cũng vậy, gần chục lao động đến phụ việc, đa phần là phụ nữ và người già, cuối tuần còn có các em học sinh. Cứ 4-5 người ngồi quanh thau còng, mỗi người có một cái bao nilon để đựng yếm sau khi tách. Kết thúc buổi làm việc, mạnh ai nấy xách bao yếm về cho vịt đẻ ăn, đó chính là thù lao. Những ai không nuôi vịt, hoặc học sinh cần tiền mua tập vở hay ăn sáng thì có thể bán lại số yếm ấy cho chủ với giá 5.000 đồng/kg.
|
Bình luận (0)