Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thị trường bất động sản: Bán dự án vì… đói vốn

Tạp Chí Giáo Dục

Thiếu vốn để duy trì hoạt động, triển khai các dự án dở dang và cả trả nợ vay ngân hàng… đã buộc nhiều doanh nghiệp rao bán bớt dự án để tránh nguy cơ “đóng băng” tài sản.
Tại TP.HCM thời gian gần đây hàng loạt dự án đã và đang được sang tên đổi chủ.

“Người gặp khó, kẻ thấy cơ hội!”

Thông tin từ Công ty CP Chương Dương vừa cho biết doanh nghiệp (DN) này đang tích cực đàm phán với đối tác nước ngoài để thực hiện việc chuyển nhượng dự án Golden Land (Thủ Đức, TP.HCM). Đây là dự án trung tâm thương mại và chung cư cao tầng, được quy hoạch trên diện tích gần 15.000m2 đất, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 880 tỉ đồng.

Công trình xây dựng cao ốc căn hộ Thủy lợi 4 tại 205 Nguyễn Xí, Q.Bình Thạnh, TP.HCM – một trong những dự án vừa được chuyển nhượng trong quý 1/2011 – Ảnh: T.T.D.
Tương tự, Công ty CP đầu tư địa ốc Khang An (KAC) đang xúc tiến các thủ tục pháp lý để hoàn tất vụ chuyển nhượng dự án khu dân cư Tân Tạo A (quận Bình Tân) cho nhà đầu tư nước ngoài Da Cin Holdings Pte; Công ty CP Vạn Phát Hưng (VPH) cũng cho biết sẽ bán bớt các quỹ đất tại các dự án nhỏ lẻ…
Ngoài các thương vụ đang trong quá trình đàm phán hoặc chờ hoàn tất thủ tục, trong quý I-2011 vừa qua hàng loạt dự án bất động sản (BĐS) đã được thay tên đổi chủ. Có thể kể đến như dự án cao ốc căn hộ Thủy lợi 4 (Bình Thạnh) được Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4 chuyển nhượng cho Công ty CP đầu tư BĐS Thủy lợi 4A; Công ty Vinaland Limited, thành viên của VinaCapital, bán toàn bộ cổ phần trong một dự án phát triển nhà ở tại quận 9, TP.HCM cho một đối tác VN…

Ông Nguyễn Hồng Phúc – Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng Nhà Việt – khẳng định đây chỉ là một phần nổi trong “tảng băng chìm” của một thị trường dự án những tháng đầu năm nay.
“Khá nhiều dự án đã được đổi chủ hoặc chuyển nhượng một phần nhưng thông tin không được các đối tác tham gia công bố, đặc biệt trường hợp chủ đầu tư là các DN nhỏ đang gặp khó khăn về vốn…” – ông Phúc nói.
Cùng quan điểm, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) – cho biết riêng đơn vị này đã nhận được khá nhiều lời mời chào mua dự án BĐS thời gian gần đây. Nhưng HAGL vẫn đang trong quá trình xem xét danh sách để chọn ra những dự án tiềm năng, thủ tục pháp lý hoàn chỉnh trước khi ngồi vào bàn đàm phán.
“Thị trường BĐS đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng đây là cơ hội tốt nhất để đầu tư mua lại các dự án. Khó khăn của DN này cũng là cơ hội của những DN khác, nếu có tiềm lực tài chính…” – ông Đức nói.
Tránh nguy cơ “chết trên đống tài sản”
Theo ông Bùi Tiến Thắng, Phó tổng giám đốc Sacomreal, “chợ” dự án BĐS “manh nha” từ năm 2009, nhưng chỉ bắt đầu sôi động hơn từ nửa cuối năm 2010 đến nay với nhiều thương vụ. Thương vụ bán lại phần vốn góp của một nhà đầu tư Hàn Quốc tại dự án Blooming Park (nay là Imperia An Phú, quận 2) cho Quỹ đầu tư Prudential VN vào năm 2010 là một ví dụ cho thấy ngay cả những nhà đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn, buộc phải thoái vốn…
Ngoài sự trầm lắng kéo dài của thị trường BĐS, theo ông Thắng, các chủ đầu tư hiện đang chịu áp lực rất lớn của chính sách siết chặt tín dụng BĐS.
“Chủ đầu tư không vay được vốn để triển khai dự án, khách hàng không vay được vốn để mua sản phẩm nên đầu ra của thị trường bị tắc, nếu không tìm đối tác chuyển nhượng lại mà cứ ôm dự án càng lâu thì chủ đầu tư càng gặp khó khăn hơn…” – ông Thắng nói.
Theo một số chuyên gia, hàng loạt doanh nghiệp BĐS đang rơi vào tình trạng “đói vốn”, đặc biệt là các DN có nhiều dự án đang triển khai dở dang, nguy cơ “chết lâm sàng” do thiếu tiền mặt để xoay xở chuyện triển khai dự án, trả lương cho lao động… là điều khó tránh khỏi.
“Không được ngân hàng tài trợ, không huy động được vốn từ khách hàng, nhiều doanh nghiệp BĐS có thể sẽ rơi vào tình trạng cạn nguồn tiền mặt nếu không cơ cấu lại danh mục dự án, hay nói cách khác là bán bớt các dự án để tránh nguy cơ “chết” trên đống tài sản…” – ông Nguyễn Hồng Phúc nói.

 

Hà Nội: Chung cư đua khuyến mại

Buôn đất ngoại thành khó đã đành, với các chủ đầu tư dự án chung cư, thậm chí chung cư trong nội thành cũng bắt đầu “thấm mệt” với bài toán đầu vào lẫn đầu ra. Trong bối cảnh đi vay ngân hàng để làm dự án đã gần như “hết cửa”, thì nay với lãi suất cao, chi phí cao khiến giá bán căn hộ không thể thấp, dẫn tới vắng khách đã khiến các chủ đầu tư gần như trong tình trạng “một cổ hai tròng”.
Bình luận nhân sự kiện công ty Vihajico – chủ đầu tư khu đô thị Ecopark – tuyên bố chiết khấu tận 12% cho khách hàng đăng ký mua căn hộ Rừng Cọ trong 3 ngày, từ 23 – 25/4, một chuyên gia trong ngành nói, việc nhiều chủ đầu tư liên tiếp tung ra các hình thức khuyến mại, ưu đãi, chiết khấu… đang thể hiện một thực tế mà trong nguyên lý kinh doanh hầu như ai cũng biết: tồn hàng và đói vốn.
Thực tế không phải tận lúc này các chủ đầu tư mới đua nhau “chiết khấu” giá bán, mà từ vài tháng trước một số dự án lớn tại Hà Nội cũng đã áp dụng chiêu này, trong đó có dự án “đình đám” trên đường Xuân Thủy.
Nhưng chỉ có điều, dù đưa ra bất kỳ hình thức nào để câu khách, hút vốn thì các chủ đầu tư cũng không muốn nhắc đến khái niệm tối kị, đó là “giảm giá”. Lý do vì sợ ảnh hưởng đến tiếng tăm, vị thế của dự án hay để lại tiền lệ xấu sau này.
Một chủ đầu tư dự án tại trên đường Lê Văn Lương, ngay khu vực nội thành cho hay, thực tế tỷ lệ bán thành công căn hộ tại dự án của tập đoàn này sau hơn 1 năm mở bán là không nhiều. Trong nhiều cuộc họp lãnh đạo, đã nhiều lần phương án giảm giá được cất nhắc thực hiện, song do uy tín và thương hiệu dự án nên cuối cùng việc giảm giá bán vẫn không được đưa ra.
Tuy nhiên, để tìm ra lối thoát, trước mắt tập đoàn này đã ban hành quyết định chiết khấu 3% giá trị căn hộ cho hơn 500 cán bộ, công nhân viên toàn tập đoàn. Và khi đưa ra quyết định trên, họ thừa hiểu rằng, đó là một mũi tên trúng hai đích, bởi trong số hơn 500 con người trên đăng ký mua căn hộ của dự án, không phải ai cũng đủ tiền để là người sử dụng nó sau này.

Nguồn Tuoi Tre

 

Bình luận (0)