Cô đỡ thôn bản là cứu tinh cho các sản phụ và trẻ sơ sinh ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, đa số các cô chỉ hành nghề bằng tấm lòng mà thiếu sự hỗ trợ cần thiết để đảm bảo đời sống và sức khoẻ cho bà mẹ, trẻ em.
Đỡ đẻ bằng “tinh thần”
Chị Triệu Thị Trang (27 tuổi, dân tộc Dao, xã Lương Thông, huyện Thông Nông, Cao Bằng) mới vào nghề đỡ đẻ được hơn 1 năm. Để vượt quãng đường hàng chục cây số từ nhà xuống Trạm Y tế xã, rồi đi khắp các thôn, Trang phải trèo hết quả đồi này sang ngọn núi khác, có lúc phải cưỡi ngựa mới đủ nhanh.
Cô đỡ Triệu Thị Trang.
|
Trang vừa khám thai, vừa vận động sản phụ đến ngày sinh nở thì kịp thời chuyển xuống Trạm Y tế để được sinh nở mẹ tròn con vuông. Đã có 9 trường hợp ở xa, Trang đến nơi thì đứa trẻ đã “đòi ra”, nên chị phải đỡ ngay tại chỗ. Tuy vậy, chị chỉ được phát có 7 gói đỡ đẻ sạch, nên 2 ca sau cùng đành đỡ đẻ “suông”.
Hiện tại, bộ đồ nghề đỡ đẻ của Trang rất sơ sài, Trang mới xin được xã một cái kéo và banh kẹp. “Muốn nghe thai thì chỉ có cách ghé tai vào bụng người mẹ, nếu thai đạp yếu thì cũng không biết được” – chị cho biết.
Còn chị Cà Rá Thị Lan (xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) phải lặn lội lên tận rẫy để tư vấn cho các bà mẹ người dân tộc. Công cuộc đi “khai sáng” kiến thức về sức khỏe sinh sản cho bà con dân tộc rất khó khăn. Bà con thường quan niệm: “Con gà tự đẻ trứng được thì phụ nữ cũng phải tự đẻ thôi”, phụ nữ thường tự đẻ, tự đỡ, cắt rốn cho trẻ bằng mảnh sành, cật nứa, người mẹ cũng không được vệ sinh sạch sẽ.
Tại xã Lợi Hải trước đây đã có nhiều trường hợp thai phụ tử vong do bị nhiễm khuẩn, còn trẻ thì nhiễm trùng uốn ván, ngạt thở, đẻ non. Vì thế, công việc của chị Lan rất nặng nề.
Cô đỡ Chama Bá Thị Hén (dân tộc Đăklay, xã Phước Thành, Bác Ái, Ninh Thuận) làm nghề đỡ đẻ từ năm 17 tuổi, năm nay đã được gần 6 năm, đỡ đẻ cho hơn 100 người. Mỗi quý chị nhận được 652.000 tiền hỗ trợ, nhưng từ năm 2010 đến nay Trung tâm Y tế xã vẫn còn nợ chưa trả.
Cần tập trung cho miền núi
Theo TS Lưu Thị Hồng – Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế: Tỷ lệ tử vong mẹ ở các vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số thường cao gấp 3-4 lần so với khu vực thành thị, đồng bằng. Hơn nữa, người dân tộc không thích người dân tộc khác, nói tiếng khác đến “can thiệp” chuyện sinh đẻ của mình. Vì thế, mô hình đào tạo cô đỡ thôn bản ngay tại chỗ có hiệu quả rất lớn trong việc hạn chế tử vong mẹ và chết non của trẻ sơ sinh.
Theo điều tra cỡ mẫu nhỏ của Vụ Sức khoẻ bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), có đến 90/232 hộ sinh được hỏi chưa được học đầy đủ trong chương trình đào tạo chính quy về tất cả 30 kỹ năng cần thiết cho người đỡ đẻ; không có hộ sinh nào thao tác đúng 3 kỹ năng quan trọng nhất để cứu sống mẹ và sơ sinh khi có sự cố.
Hiện nay, Bộ đang tập trung đào tạo hơn 1.000 cô đỡ thôn bản với mong muốn họ sẽ là “kênh truyền thông” hiệu quả về kiến thức sức khỏe sinh sản, chăm sóc trẻ để hạn chế bệnh tật và suy dinh dưỡng cung cấp kiến thức sức khỏe sinh sản, chăm sóc trẻ đến người dân.
Báo cáo của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, 5% (517 xã) chưa có hộ sinh; 33% BV tuyến huyện chưa thực hiện được mổ lấy thai; 48% chưa có khả năng truyền máu, tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa; 20% sản phụ ở vùng núi Tây Bắc chưa được hỗ trợ y tế… Vì thế, việc tập trung nguồn lực cho cô đỡ ở miền núi là cần thiết để xóa những bản “trắng” về y tế, giúp phụ nữ tiếp cận được dịch vụ sinh nở an toàn.
Theo Diệu Linh
(Dân Việt)
Bình luận (0)