Hoàng Nhật Lệ đang là hiện tượng ở một xã vùng biên heo hút khi là học sinh người Tày duy nhất nơi đây được vào học trường chuyên của tỉnh.
|
Nhật Lệ trong lớp học của Trường THPT chuyên Cao Bằng – Ảnh: V.T.B.
|
Năm ngoái, gần một tháng trước kỳ tuyển sinh vào Trường THPT chuyên Cao Bằng, Hoàng Nhật Lệ mới được về thị xã để luyện thi. Nhưng ngay khi đến xin vào học ở một lò luyện thi tiếng tăm của thị xã thì thật bất ngờ khi một giáo viên ở đây nói thẳng: “Đừng luyện thi tốn tiền, học trò Cần Yên, Thông Nông không vào trường này được đâu”. Ở lò thứ hai người ta từ chối khéo hơn: “Mấy tuần nữa thi rồi, sợ luyện không kịp…”.
Người cha an ủi con gái: “Thôi con ơi, ta vào trong trường luyện thi cũng được”. Vậy mà bây giờ Nhật Lệ đang là học sinh chuyên hóa lớp 11 của ngôi trường THPT danh tiếng nhất tỉnh.
Nhà cô học trò người Tày ở xã Cần Yên, huyện Thông Nông, cách thị xã chừng 100km đường núi hiểm trở với cơ man đèo dốc. Từ nhà ra thị trấn huyện cũng đã 20km. Cha của Lệ – đại úy biên phòng Hoàng Văn Quỳnh thuộc tiểu đoàn huấn luyện cơ động tại huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) cách nhà hơn 200km. Mẹ là cô giáo vùng cao Nông Thị Hoan, quanh năm bám lớp dạy học ở bản Bó Thẩu, cách nhà ba giờ leo núi.
Bà con bảo: đúng là hình ảnh tiêu biểu của một gia đình sống nơi biên giới khi chồng là sĩ quan biên phòng, vợ là cô giáo cắm bản. Gia đình ba người ở ba nơi khi cô con gái cũng phải xa nhà học nội trú tại trường chuyên của tỉnh. “Nhìn gia đình người ta quấn quýt, ấm cúng bên nhau mà mủi lòng lắm” – người mẹ đỏ hoe mắt bảo.
Lặng lẽ nuôi lớn ước mơ
Bố mẹ công tác xa, từ 2 tuổi Nhật Lệ đã ở cùng ông bà nội, một tuần gặp mẹ được một lần và có khi ròng rã mấy tháng trời mới cảm nhận được hơi ấm từ vòng tay cha.
Chị Hoan nhớ lại: hồi sinh Nhật Lệ phải bán đi con bò duy nhất do ông bà nội cho làm của hồi môn lấy tiền cho chồng đi học Học viện Biên phòng. Lúc ấy chị cũng phải xa con nhỏ đi học nghiệp vụ sư phạm. Thế nhưng khi tốt nghiệp Trường trung cấp Sư phạm Cao Bằng, chị lận đận dạy hợp đồng từ bản này tới bản khác, tạm thay cho giáo viên chính thức nghỉ sinh hoặc chuyển công tác với mức thù lao ít ỏi chỉ vài trăm ngàn đồng một tháng.
Gần chục năm sau, cuối năm 2008, chị Hoan mới xin được đi dạy chính thức và hiện đứng lớp tại phân trường Thua Bó ở bản Bó Thẩu (xã Cần Nông). Hằng tuần, cô giáo Hoan cứ chiều chủ nhật lại lội bộ lên lớp, thứ sáu về thăm nhà. Nhiều lúc anh Quỳnh được đơn vị cho nghỉ phép, nhưng về tới nhà cửa vẫn khóa trái, lại băng núi đón chị về. Có lẽ vì vậy khi con gái đầu đã 15 tuổi anh chị mới có cháu trai thứ hai.
Chị Hoan tâm sự: hai vợ chồng dường như quên hết vất vả, khó khăn khi nhìn vào đứa con gái bé bỏng, chăm ngoan học giỏi. Xa nhà lên huyện ở từ khi vào trung học cơ sở, cô học trò đã dần rèn cho mình cuộc sống tự lập và liên tục là học sinh giỏi. Cũng do thích các môn tự nhiên, đặc biệt là môn hóa nên Nhật Lệ đã thi vào lớp chuyên bây giờ.
Lúc có kết quả thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh, chị Hoan dò hỏi ý con gái: “Nhà mình còn khó khăn, con lại là con gái, sống xa nhà sẽ khổ”. Cô học trò nhỏ đã rắn rỏi thưa với mẹ: “Mẹ ơi, con đã thi đỗ vào trường chuyên và sẽ cố gắng học lên cao nữa. Con nghĩ đó là cách tốt nhất để sau này có thể chăm lo cho gia đình”.
VŨ THANH BÌNH – LÂM HOÀI (TTO)
Bình luận (0)