Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Mưu sinh… trên những dòng kênh

Tạp Chí Giáo Dục

Cuộc sống nay đây mai đó lênh đênh trên các con rạch ở TP Hồ Chí Minh của nhiều thương hồ xa xứ trải qua không biết bao nhiêu cơ cực và khổ ải. Câu chuyện của hàng trăm gia đình thương hồ sống trên các kênh rạch này không biết bao nhiêu buồn vui lẫn lộn.  

Long đong phận nghèo 

Nơi trú ngụ và sinh sống của các thương hồ.

Thành phố có hàng trăm kênh rạch đang ô nhiễm, chết dần chết mòn  theo thời gian. Vậy mà nơi đây lại là "nguồn sống" cho không ít hộ chuyên

nghề mua bán trên sông. Đó là những gì thấy được khi đi dọc hai bên bờ kênh Lò Gốm (đường Lò Gốm, P.3, Q.6) và Bến Bình Đông (Q.8)… Vô hình trung, từ lâu nơi đây đã hình thành nên cái "chợ nổi" giữa lòng thành phố. Từ đây, hàng hóa tỏa đi khắp ngả, cảnh mua bán diễn ra tấp nập. Thế nhưng, cuộc sống của các gia đình lấy thuyền làm nhà nơi đây lại lênh đênh, trôi dạt không khác gì con nước… Anh Nguyễn Văn Hải (quê Hậu Giang) cho biết, anh chị làm nghề mua bán ở Bến Bình Đông hàng chục năm nay, cứ đến mùa trái cây nào anh chở lên loại đó, còn không đúng mùa trái cây thì anh lại xoay qua chở than. Nếu chuyến hàng nào bán chạy thì anh cặp Bến Bình Đông vài ba ngày, rồi xuôi về sông Hậu; còn hàng ế ẩm thì phải ở cả tuần, nhiều lúc phải ăn trái cây trừ cơm. Anh Hải tâm sự: "Không đất sản xuất đành chấp nhận cuộc sống rày đây mai đó. Cực khổ vợ chồng tôi không sợ, nhưng sợ nhất là ở dưới quê hai đứa nhỏ thiếu vắng bàn tay chăm sóc và dạy dỗ của cha mẹ…". Kế bên mạn thuyền của vợ chồng anh Hải là đôi vợ chồng trẻ Lâm Thị Thoại Lê. Vợ chồng chị Lê đều quê ở Bến Tre, theo cha mẹ từ nhỏ lênh đênh trên khắp các tuyến sông mua bán để kiếm sống. Từ ngày lấy nhau, anh chị vẫn tiếp tục chọn thuyền là nhà, sông là bạn để nuôi 2 đứa con thơ dại. Chiếc thuyền của gia đình chị Lê chắp vá nhiều mảnh; vậy mà còn hơn nhiều gia đình ở Bến Bình Đông. Bởi bình quân mỗi chuyến hàng anh chị cũng kiếm được vài trăm đến hơn triệu đồng, còn nhiều gia đình khác làm cả ngày may mắn lắm cũng chỉ đủ ăn, bởi ở đây thứ gì cũng đắt đỏ. Và đắt nhất có lẽ là nước sinh hoạt giá 10 nghìn đồng/phi (khoảng 250 lít); mỗi gia đình một ngày tiết kiệm lắm cũng mất đứt 15 đến 20 ngàn đồng tiền nước… 

Giấc mơ con chữ 

Mỗi ghe thuyền là một số phận nhưng họ đều có một điểm chung là cái nghèo đeo đẳng và những đứa trẻ sinh ra, lớn lên từ sông nước thất học ngày càng nhiều… Ở những gia đình thương hồ trên Bến Bình Đông và kênh Lò Gốm, có nhiều trẻ em trong độ tuổi đến trường nhưng phải vất vưởng mưu sinh. Học chữ là khát vọng của trẻ em nơi này. Phần lớn trẻ em chưa đi học hoặc bỏ học giữa chừng. Dù chỉ mới 12 tuổi nhưng Phạm Hoàng Mạnh đã có 5 năm làm thuê, làm mướn ở Bến Bình Đông lấy tiền phụ gia đình nuôi em nhỏ. Mạnh kể, nhà em nghèo lắm nên khi lên 7 tuổi đã phải rời quê lên Sài Gòn, bắt đầu cuộc mưu sinh cùng cha mẹ. Mạnh là con cả, còn 2 em gái nhưng không ai được đi học; hai em nhỏ theo mẹ đi kiếm ve chai ở khắp các nẻo đường thành phố…  

Dù ham học nhưng nhà quá nghèo nên cậu bé 10 tuổi Đậu Văn Sơn đành phải nghỉ học để theo cha lên Bến Bình Đông đi bán vé số. Nhưng tận sâu trong ánh mắt của Sơn luôn ánh lên niềm hy vọng, một ngày nào đó sẽ được cắp sách trở lại mái trường. Cùng cảnh ngộ và cùng một mơ ước trên, có rất nhiều trẻ em ở các gia đình thương hồ trên Bến Bình Đông và kênh Lò Gốm phải thất học để lao vào đối diện với bao cực nhọc của cuộc mưu sinh.  Đến trường học, chuyện tưởng như bình thường của bao đứa trẻ khác thì những đứa trẻ ở đây chỉ là niềm mơ ước mà chưa biết khi nào có thể thực hiện được. Đứng trên cầu chữ U nhìn xuống Bến Bình Đông, chúng tôi nhận thấy trò chơi yêu thích của những đứa trẻ nơi đây là chạy từ mũi thuyền này, sang mũi thuyền khác. Phải chăng đó cũng chính là vòng luẩn quẩn như cái nghèo đang đeo bám cuộc sống gia đình chúng.  

Hồ Văn(Theo HNM)

Bình luận (0)