Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Thầy hiệu trưởng trường chuyên

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà giáo Nguyễn Hữu Danh (trái) tại Hội Cựu giáo chức TP

Nghe lời khuyên của tổ chức, ông cùng bảy học sinh (HS) miền Nam tập kết đã tình nguyện đăng ký vào học trường sư phạm chỉ vì một mong muốn: sớm được trở về cống hiến cho quê hương. Ông là nhà giáo Nguyễn Hữu Danh – nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM.
9 tuổi đã làm cách mạng
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình viên chức ở Sài Gòn, thế nhưng, ngay từ nhỏ Nguyễn Hữu Danh đã có ý thức giác ngộ cách mạng. Ít ai biết rằng ngôi nhà ông bà nội của cậu bé Danh ở trên đường Trần Nhật Duật chính là một cơ sở cách mạng từ lâu. Là thủy thủ tàu biển chở hàng từ Sài Gòn ra Đà Nẵng và có khi qua tận Quảng Châu (Trung Quốc), ông nội của Nguyễn Hữu Danh trở thành một mắt xích quan trọng trong đường dây hoạt động bí mật từ Nam kỳ ra Bắc kỳ. Đã có lúc đứng trước tình hình khó khăn, bà nội phải thay chồng ra tận Hải Phòng lập trạm để nối thêm đường dây liên lạc. Sau khi ông mất, cậu bé Danh lại chứng kiến những câu chuyện mà ba mình là ông Nguyễn Hữu Lợi có khi quên cả mạng sống để tiếp tế thuốc men, vải vóc cho tổ chức trong vùng chiến khu. Năm lên 9, cậu bé Danh đã hòa mình vào dòng người đi cướp chính quyền tại nhà thờ Chợ Lớn và sau đó tham gia vào Đội Thiếu niên tiền phong tại địa phương. Từng chứng kiến nhiều cuộc biểu tình của thợ thuyền, công nhân đòi dân sinh dân chủ, cậu bé Danh hiểu được nỗi đau mất nước của người dân nô lệ. Không một chút chần chừ, ông cùng đám bạn vào tận đồn giặc xin đạn của lính Nhật tiếp tế cho các anh, các chú. Chiến công mà ông lập được trong thời kỳ này là giúp chị giao liên Lan Mê Linh nhận dạng và điều nghiên quy luật đi lại của tên chủ bút báo Phục Hưng để có thể ám sát gọn lẹ tên bồi bút phản động.
Lớn lên cùng phong trào cách mạng, Nguyễn Hữu Danh nhanh chóng bắt nhịp vào phong trào đấu tranh của HS, SV Sài Gòn – Chợ Lớn. Năm 1950, mới 14 tuổi, ông đã tham gia biểu tình ở đám tang anh Trần Văn Ơn và kêu gọi đánh đuổi hai tàu chiến Mỹ ở bến Bạch Đằng. Trước cổng Dinh Gia Long, nhiều người thấy một cậu bé la to: “Không được bắt bớ đại diện học sinh”. Chính câu nói của ông đã có tác dụng châm ngòi nổ cho cuộc biểu tình ngày hôm đó. Lần khác tại ga xe lửa Sài Gòn, cậu bé Danh đã khoát tay đánh lừa đoàn tàu dừng lại để các anh chị SV có cơ hội nhảy lên lấy than củi ném xuống đường gây cản trở cho bọn cảnh sát và binh lính Pháp. Sau đó, ông cùng với nhóm SV xông đến lật và đốt cháy một chiếc xe buýt tạo nên làn sóng đấu tranh giữa đường phố Sài Gòn.
Anh TNXP đi học sư phạm
…Ngày 20-4-1955, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Danh tạm biệt gia đình lên đường đi tập kết ở Hải Phòng. Ông Danh nhớ lại: “Năm đó tôi vừa học xong tú tài 1, ra Hà Nội, chờ đến tháng 9 đi học tiếp. Một lần cùng anh em đi dạo trên bờ đê Yên Phụ gặp đội thanh niên xung phong (TNXP), tôi đến trò chuyện làm quen. Thấy chúng tôi thích đi TNXP nhiều người lấy làm lạ, nhưng không ngờ ngày hôm sau chúng tôi đã đạt được nguyện vọng của mình”. Từ đó, theo chân đội 36 ông đã tham gia công trình xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai đoạn từ Yên Bái trở lên. Cũng trong thời gian này, ông còn tình nguyện ở lại Vụ Ẻn xây dựng Nhà máy Chè Phú Thọ để khắc phục hậu quả chiến tranh, kiến thiết đất nước sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc. “Do có người nhà ở Pháp nên tôi thường viết thư cho ba mẹ gửi sang đó rồi họ chuyển ngược lại qua Sài Gòn. Có khi thư của tôi phải từ Hà Nội sang Campuchia rồi mới về lại Sài Gòn”, ông tâm sự.
Câu chuyện đến với nghề giáo cũng rất bất ngờ và nằm ngoài ý định của chàng trai Sài Gòn. Tháng 7-1956, ông được cử đi học tại Trường Nguyễn Công Trứ ở phố Hàng Than. Thấy chưa có ai đăng ký ngành sư phạm nên đại diện của Bộ GD đã khuyên các HS miền Nam nên đăng ký vào học để sau này trở về phục vụ quê hương. Nghe vậy, ông cùng bảy HS khác đăng ký vào Ban Khoa học xã hội thuộc Trường Trung cấp Sư phạm TƯ. Ba năm sau, thầy giáo dạy môn địa lý Nguyễn Hữu Danh đã về Trường HS miền Nam Đông Triều, Quảng Ninh đứng lớp. “Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là không có trà và chè xanh nên chị nuôi phải lấy cơm cháy rang lên nấu nước cho cả khu tập thể uống. Có hôm xuống ký túc xá thấy mâm cơm của năm người nhưng chỉ có một học trò ăn, tôi thấy lạ liền hỏi thì các em cho biết, cho một người ăn trước đến khi no căng bụng để ai cũng một lần có được cảm giác no trong một tuần”. Chứng kiến được câu chuyện như thế, ông chỉ biết ngậm ngùi lau nước mắt.
Gắn bó với nghề
Trong cuộc đời đi dạy của mình, ông đã giúp không ít HS mang tiếng quậy phá, hư đốn phục thiện, trở thành con ngoan trò giỏi. Điển hình là trường hợp cậu HS Nguyễn Hữu Lập – con của một cán bộ, người bị không ít giáo viên (GV) “chê”. Thế mà sau một năm học lớp thầy Danh, cậu học trò này tiến bộ rõ rệt. Theo ông, HS cá biệt thường có nhân cách đặc biệt, không bình thường về cả trí tuệ, nói cách khác là các em có chút thông minh nổi trội trong một vài lĩnh vực nào đó. GV phải phát hiện ra được sở trường đó và tuyệt đối tin tưởng các em. Đó là cách dùng người mà những bài học của nhà sư phạm lỗi lạc Ma-ka-ren-cô đã dạy cho ông. Câu chuyện thứ hai là về cậu học trò cá biệt Nguyễn Hữu Lũy. Nổi tiếng là ngang tàng nên bạn bè gắn cho cậu biệt danh “Hổ Lũy”. Thế mà sau một lần đọ sức vật tay với thầy Danh bị thua, cậu học trò “Hổ Lũy” bắt đầu cảm phục thầy chủ nhiệm của mình. 10 năm sau, trước khi ra trận, tìm mọi cách để đến thăm nhà ông ở Hà Nội và đó cũng là lần chia tay cuối cùng của hai thầy trò. Ông Danh ngậm ngùi: “Trưa hôm đó hai vợ chồng tôi đang ăn cơm thì thấy một anh bộ đội đứng trước cửa. Khi nhận ra Lũy, tôi mừng quá, còn cậu ta thì khỏi phải nói. Hai thầy trò chỉ gặp nhau được 5 phút vì đơn vị của Lũy đang nghỉ ở Công viên Thống Nhất nên cậu ta tranh thủ tìm đến xin phép chào thầy trước khi lên đường vào Nam chiến đấu. Sau này tôi mới biết Lũy là bộ đội tên lửa vào bảo vệ vùng lũy thép Vĩnh Linh và đã hy sinh ngay trong trận chiến đấu đầu tiên lúc tuổi đời còn quá trẻ”.
Năm 1975, đang công tác tại Trường Cấp 3 Trương Định – Hà Nội, thầy giáo Danh được điều động vào Nam tiếp quản Sài Gòn với các cương vị như Thường vụ Công đoàn lâm thời Sở GD TP.HCM, Bí thư Chi bộ Phòng Phổ thông, chuyên viên bộ môn địa lý… Năm 1989, ông về làm Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong với biết bao khó khăn buổi ban đầu. Ông nhớ lại: “Không có chương trình riêng, GV tổ bộ môn phải dựa vào chương trình trường phổ thông để soạn ra chương trình trường chuyên. Vì lúc đó không được soạn SGK cho trường chuyên nên chúng tôi đành tìm cách liên kết với NXB Giáo Dục in sách bài tập”. Không ngờ chiến lược đó đã đi đúng hướng. Không chỉ có HS trường chuyên mà HS các trường phổ thông từ các địa phương khác cũng sử dụng sách bài tập do trường biên soạn. Ngoài những suất học bổng theo chỉ tiêu của bộ và sở, nhà trường còn khuyến khích thầy cô du học tự túc để nâng cao trình độ. GV của trường luôn tự học, tự bồi dưỡng, thiếu sách thiếu tài liệu thì xin từ nhiều nguồn của nước ngoài. Tất cả đều đi từ không tới có. Theo ông chuyện xin GV về trường cũng phải có “nghệ thuật”: “Nếu đến trường khác lựa GV xin về thì ai mà chịu, chỉ bằng cách là xin GV lâu năm, có kinh nghiệm sau đó tự đào tạo thêm. Không thể ngồi một chỗ mà chờ đợi”.
Đến nay, dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn tham gia nhiệt tình vào các hoạt động ngoài xã hội và tại địa phương với chức vụ cao nhất là Phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang

Một giáo sư nước ngoài đã có lần hỏi ông: “Tại sao Việt Nam lại có trường chuyên?”. Ông giải thích: “Vì đất nước tôi còn nghèo chưa đủ điều kiện chăm lo cho tất cả HS nên chúng tôi phải dành ưu tiên cho một số em có đủ điều kiện trước đã, nhưng việc làm đó không ngoài mục đích đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho quê hương. Trường chuyên là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chứ không phải đào tạo nhân tài”. Vị giáo sư nọ đã bắt tay ông và trầm trồ: “Ông nói rất đúng với thực tế”.

 

Bình luận (0)