Hơn 20 năm nay, cô Trần Thị Ngọc Diệp vẫn lặng thầm với công cuộc đem con chữ thay phù sa lấn biển ở Sơn Trà |
Có một thuở, nhắc đến địa danh Vũng Thùng – mảnh đất làm điểm nối ở cuối nguồn sông Hàn với cảng biển Tiên Sa, thuộc phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) – người ta liền liên tưởng đến khu vực một bên là bao gồm đầm lầy nước đọng, bên kia là cây cối um tùm với bãi hoang nghĩa địa.
15 năm sau ngày tách từ tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, thành lập thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, một cuộc sống mới đang từng ngày đổi thay trên bán đảo Sơn Trà, xua dần không khí hoang vu một thuở…
Xa rồi một thuở nhà chồ
“Đây là cái Tết thứ hai cư dân làng cá Nại Hiên Đông được đón Tết sum vầy trong một mái nhà thực sự. Từ thuở cha ông sinh ra đến chừ, mỗi khi Tết đến chỉ biết kê tấm ván đầu mũi thuyền làm bàn đón xuân, mà cái sự Tết ấy cũng vui buồn tùy theo con sóng, lúc nào sóng to, gió giật, mưa lớn thì coi như hết Tết!”, ông Mai Công Đức, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) hồ hởi nói.
Phường Nại Hiên Đông có gần 3.500 hộ dân. Ông Đức tâm tư: Hơn 10 năm trước, Nại Hiên Đông là một trong những phường nghèo nhất thành phố. Người dân đa phần làm nghề đánh cá nhưng họ đều không có tàu lớn vươn khơi, chủ yếu đánh bắt ven bờ với phương tiện thô sơ. Cuộc sống nghèo khó. Hầu hết người dân đều sống lênh đênh trên con thuyền cạnh mặt nước hoặc trong các ngôi nhà chồ trên biển. Sóng gió khôn lường, con người cả già lẫn trẻ lúc nào cũng phải gồng mình chống chọi với thiên nhiên. Đa phần mù chữ, có nhiều đứa trẻ cái tên mình viết còn chưa vững đã phải theo cha mẹ cầm mái chèo, buông mảnh lưới đánh cá để kiếm sống, tương lai mịt mù theo từng mớ cá đánh được mỗi ngày. “Hồi đó vùng đất này nhìn đâu cũng thấy hoang vu đến rợn người, cheo leo bên con nước đổ dồn về biển là những bãi nghĩa địa với cây cối mọc um tùm…”, ông Đức hồi tưởng.
Nhắc đến một thuở ở nhà chồ, nhiều ngư dân sống ven khu vực Vũng Thùng dưới chân cầu Thuận Phước – điểm tiếp giáp hạ nguồn sông Hàn với biển vẫn không khỏi giật mình thảng thốt. Cứ dăm bữa, cả xóm lại chịu một cái tang thương tâm của trẻ nhỏ, có cháu chỉ vừa đến tuổi lẫy, bò… Người dân vẫn không sao quên được cảm giác hãi hùng khi bão đến. Gọi là nhà nhưng chỉ được vài cái cột trụ đơn sơ, lợp bằng phên nứa, tôn rách… chỉ cần một ngọn gió mạnh là đủ rung rinh chực sập. Vợ chồng, con cái chỉ biết co cụm lại cầu trời khấn Phật đừng để bão đánh sập.
Trong kí ức của người dân trải qua đời sống nhà chồ vẫn nhớ như in những hoàn cảnh cười ra nước mắt. Như gia đình ông Huỳnh Đầm (60 tuổi). “Căn nhà 50m2. 6 người chen chúc và thêm mấy con lợn. Toàn bộ chất thải của người và heo đều xả trực tiếp xuống sông Hàn, khi nước sông mang chất thải đi rồi thì người dân xóm chồ lại lội ra đấy để tắm, giặt. Bởi, giếng nước ngọt nằm cách xa xóm và nguồn nước ít ỏi đó chỉ được ưu tiên cho việc ăn uống. Ông Đầm kể lại cảm giác xót xa khi tiễn con gái đi lấy chồng, gia đình thông gia không vào nhà ông một phần vì không đủ chỗ để đứng và một phần vì không ai dám “bò” qua cây cầu khỉ lắt lẻo dài 30m để có thể vào nhà. Lúc đấy, nhìn lên bờ ông lại ước ao có một khoảnh đất để có thể dựng nhà, cưới chồng cho con. Chỉ 30m là chạm bờ đất. Vậy mà bao đời, bao thế hệ người dân xóm nhà chồ vẫn không thực hiện được, cho đến ngày…”, ông Đầm trầm giọng.
Cái ngày mà ông Đầm xúc động nhắc đến ấy là vào cuối năm 2004, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đưa 118 hộ nhà chồ đầu tiên lên bờ, bắt đầu cuộc sống mới với nhà xây kiên cố, khang trang, đường bê tông thẳng tắp, điện sáng choang… Rồi tiếp những năm sau đó cho đến 2008, những hộ nhà chồ cuối cùng được đặt chân lên bờ với cuộc sống khang trang. Những cái giật mình thon thót sợ con rơi xuống sông, sợ mưa bão bất ngờ ập đến đi vào dĩ vãng…
Con chữ thay phù sa lấn biển
Hôm đưa tôi về thăm Nại Hiên Đông, chạy xe bon bon trên con đường trải nhựa phẳng lỳ, ông Mai Công Đức không giấu niềm vui: “Nại Hiên Đông bây giờ đã thay áo mới. Sướng nhất là không còn cảnh trẻ em bỏ học đi làm thuê, ở đợ”. Lật lại kí ức hơn 10 năm làm công tác khuyến học ở phường, ông Đức vẫn nhớ rõ mồn một từng hoàn cảnh trẻ nghèo rơi con chữ lẫn những người lặng thầm làm công tác gieo chữ ở đây. “Kiên trì nhất với nghề lấy con chữ thay phù sa lấn biển phải kể đến cô Diệp”, ông Đức bắt đầu câu chuyện.
Nhiều thế hệ học trò ở Nại Hiên Đông giờ khôn lớn, thành đạt vẫn không quên hình ảnh một cô giáo nhỏ thó, giọng nói ngọt ngào đưa họ đến với từng nét chữ, con tính, rồi dẫn họ lên tận phường làm giấy khai sinh, dắt tay vào trường học xin nhập lớp. Cô Trần Thị Ngọc Diệp nhớ lại: “Năm 1982, sau cơn biến động của gia đình, bao nhiêu năm chắt chiu làm lụng trở thành tay trắng. Hai vợ chồng dắt díu nhau ra xóm Vũng Thùng dựng căn lều tạm bên nghĩa địa”. Cú sốc lớn bao giờ cũng khiến người ta gục ngã và khó lòng đứng dậy. Nhưng chính khung cảnh đìu hiu rờn rợn bên mép sóng này thôi thúc cô quyết tâm đưa con thoát cảnh sống bần hàn. Vốn là một học sinh giỏi văn của Trường Quốc học Huế, từng đỗ ĐH ngành văn khoa nhưng ước mơ trở thành cô giáo vì nhiều tác động khách quan đành bỏ dở. Ban ngày cô dầm mình trong nước đục mò cua, bắt tép nuôi chồng tai biến và ba đứa con thơ. Tranh thủ buổi trưa và ban đêm, cô dạy cho con học. Thấy lạ, những đứa trẻ quanh xóm và cả người lớn tập trung ngoài cửa sổ nhìn. “Cô đang mần chi rứa?” – câu hỏi bất ngờ của bác ngư dân làm cô Diệp giật mình. Thì ra, ở xóm chài này chẳng ai biết mặt con chữ. Hôm sau cô bảo, các cháu muốn học thì cứ vào nhà. Từ hôm đó, lấy giường làm bàn, kê đòn làm ghế. Chưa hết, có nhiều gia đình vẫn nặng quan điểm, học chữ không no cái bụng nên bắt con cái đi làm thuê. Cô Diệp lại chèo thuyền đi khắp các nhà chồ vận động. Nhiều đứa trẻ biết mặt con chữ, cô lại dẫn đến trường xin cho các cháu vào học. Và cũng từ buổi dắt các cháu vào trường, cô mới vỡ lẽ, thì ra cả xóm này chẳng đứa trẻ nào có giấy khai sinh. Thế là cô lại tất bật đi làm khai sinh cho các cháu. Nhiều người lớn thấy con mình biết chữ cũng vui lây cái bụng, tranh thủ giờ rảnh chính họ lại mang sách vở đến xin vào lớp.
Ở vào cái tuổi 55, với 20 năm lặng thầm lấy con chữ thay phù sa lấn biển, cô Diệp không nhớ rõ bao nhiêu học trò đã khôn lớn từ hành trang con chữ đầu đời cô trao cho họ. Cái lớp học ngày xưa vơi dần sĩ số theo bước chân khôn lớn của học trò và trường lớp được mở nhiều hơn, công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm. Lớp bây giờ chỉ còn dăm bảy học trò, hầu hết là các em thiểu năng và phụ nữ lớn tuổi, bận rộn với công việc bán buôn nơi cảng cá nhưng cô vui bởi Nại Hiên Đông bây giờ ai cũng biết mặt chữ, con em mỗi năm đỗ vào ĐH càng nhiều.
Chia sẻ niềm vui, ông Đức phấn khởi, Nại Hiên Đông trước đây là phường có tỷ lệ mù chữ đông nhất thành phố, nhưng bây giờ là một trong những địa phương đi đầu trong công tác xã hội hóa giáo dục. Có được thành quả ấy, một phần nhờ vào sự đóng góp lặng thầm như cô Diệp đấy. Mừng nhất là năm học 2012, cả phường có 4 cháu bỏ học nhưng sau đó chúng tôi đã vận động được các cháu trở lại trường và học nghề. Chia tay làng cá, hướng mắt về cửa biển, nơi có cảng Tiên Sa sầm uất với bán đảo Sơn Trà xanh ngắt mời gọi, phía mênh mông khơi xa nơi những con tàu vẫn ngày đêm lướt sóng mang ấm no về cho đất liền. Nhìn lại nơi chúng tôi đang đứng, hàng chục tòa chung cư vững chãi; giờ tan tầm, các em học sinh áo trắng tinh khôi rộn ràng… Nơi đầu biển, cuối sông ấy bây giờ đã mọc lên những ngôi trường ươm mầm xanh tương lai!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)