Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bình ổn giá – có làm được?

Tạp Chí Giáo Dục

Cứ mỗi khi lạm phát gia tăng, giá cả biến động leo thang, thì phải “bình ổn giá”. Nhà nước đổ tiền hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá (dẫu đó là các doanh nghiệp thương mại hay sản xuất, mà có lẽ chủ yếu là các công ty thương mại).

Rầm rộ nhất là chương trình bình ổn giá của thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu từ 9.4.2011.

Báo chí đưa tin các gương “không tăng giá” ở một số siêu thị và không hiểu có phải đó là biện pháp ngầm hô hào các thương gia khác noi theo hay là cách trấn an tâm lý người tiêu dùng. Theo tôi, cả hai mục tiêu ấy đều là viển vông.

Ảnh minh họa.
Nếu nhà nước có hỗ trợ, thì nên hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo. Còn hỗ trợ cho các doanh nghiệp để doanh nghiệp bán giá thấp thì không đạt kết quả gì. Và tiền hỗ trợ không đến được đúng những người cần hỗ trợ. Như thế cách làm này không những làm méo mó giá thị trường, mà còn có thể gây ra rất nhiều bất công giữa những người tiêu dùng và giữa các doanh nghiệp. Còn muốn hỗ trợ tất cả những người tiêu dùng, thì Nhà nước lấy đâu ra tiền mà hỗ trợ.
Cho nên, không hề lạ rằng sau hơn 1 tháng (tất cả các năm trước cũng vậy) báo chí lại vạch ra những chuyện bất hợp lý của chính sách bình ổn giá. Cách làm lỗi thời, tất nhiên dẫn đến những kết quả như vậy. 
TPHCM năm ngoái đã bỏ ra gần 380 tỷ đồng để “bình ổn” giá, năm nay thì bỏ ra 412 tỷ đồng. Các doanh nghiệp tham gia bình ổn được ưu đãi (vay không lãi 12 tháng, trong khi lãi suất thị trường khoảng trên 20%/năm) nếu giá bán thấp hơn giá thị trường ít nhất 10%. nếu có bán thấp hơn giá thị trường, thì chắc chắn họ sẽ để đúng mức thấp hơn 10% và như thế có thể được lợi không nhỏ so với việc không tham gia bình ổn giá.
Mà giá thị trường là bao nhiêu? Ai biết được chính xác. Và bản thân các doanh nghiệp tham gia bình ổn cũng tăng giá để đưa giá thị trường lên và như thế cái tiêu chuẩn “dưới 10% giá thị trường” thật dễ thỏa mãn. Cơ chế này tạo ra các khuyến khích làm cho các doanh nghiệp hành xử như vậy.
Cho nên, thật dễ hiểu những chuyện trái khoáy trong việc bình ổn giá. Thí dụ như chuyện mà báo Thanh Niên (ngày 18.5) đưa tin: giá đường của một công ty tham gia bình ổn giá là 21.500 đồng/kg trong khi giá của doanh nghiệp không tham gia bình ổn chỉ là 21.400 đồng/kg. Nhưng doanh nghiệp bán rẻ đó sau khi tham gia bình ổn đã tăng giá lên 21.500 đồng/kg như doanh nghiệp đã tham gia bình ổn trước đó.
Tham gia bình ổn mà như vậy, chắc các doanh nghiệp phải chạy vạy chán chê thì mới được tham gia bình ổn giá! Bản thân chính sách bình ổn giá tạo ra các khuyến khích như vậy đối với các doanh nghiệp. Như thế, tiền của nhân dân đã được dùng không thỏa đáng, mục tiêu cao cả của chuyện bình ổn giá không thành, hơn thế nữa còn gây ra bất công xã hội và sự méo mó của giá thị trường.
Cần nghiêm túc rút kinh nghiệm của các năm trước. Nếu không thay đổi tư duy và lắng nghe ý kiến của người dân thì những năm sau các hiện tượng ấy vẫn lặp lại.
Hay các nhóm lợi ích cũng ẩn đằng sau các chủ trương bình ổn giá này?
Phải bỏ cách làm lỗi thời này đi.
Phân biệt thật rõ chính sách xã hội và các công cụ thị trường. Không nên can thiệp một cách duy ý chí như vậy vào thị trường.
Để giúp người nghèo trong lúc giá cả tăng cao, cách trực tiếp là cho họ tiền (hay các phiếu mua hàng) và để cho họ được quyền lựa chọn. Không hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp quốc doanh. Hãy để họ cạnh tranh. Tiền hỗ trợ để mua hàng của các doanh nghiệp và chẳng cần phải hô hào họ tham gia làm gì (nếu hỗ trợ bằng tiền). Có thể ưu đãi thêm (bù chi phí giao dịch nếu cấp phiếu mua hàng) cho các doanh nghiệp bán hàng được trả bằng phiếu mua hàng. Tuy nhiên, cách hỗ trợ trực tiếp làm tăng chi phí (đánh giá việc hỗ trợ ai, việc trao tiền cho họ cũng tốn nhiều công hơn) và cũng có thể xảy ra tiêu cực trong việc xét duyệt hỗ trợ.
Cũng là hỗ trợ, nhưng hỗ trợ các doanh nghiệp thì dễ làm (đỡ tốn chi phí tổ chức) nhưng  tất yếu gây ra những sự trái khoáy như báo chí vẫn nêu.
Chính vì vậy chuyện bình ổn giá có lẽ chỉ đạt mục đích tuyên truyền là chính và mục đích ấy chắc cũng khó đạt được.
Nên bỏ cách làm lỗi thời và nên thay đổi tư duy để làm sao giữ vững sức mạnh của đồng tiền, để cho lạm phát ở mức vừa phải (3-4%/năm) nhằm loại bỏ được tận gốc vấn đề.
Theo Lao Động

 

Bình luận (0)