Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tập đoàn kinh tế nhà nước: Nắm gì, buông gì?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chúng ta đang tiếp cận vấn đề cực kỳ phức tạp. Bức tranh tập đoàn trên cơ sở thí điểm 12 doanh nghiệp đang tồn tại cả những điểm lấp lánh cũng như lấp khuất, được dư luận xã hội quan tâm, TS. Hoàng Chí Bảo, Chủ nhiệm đề tài “Mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước” lưu ý như vậy trong phần khai mạc một hội thảo về vấn đề này vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Không phải ngẫu nhiên, các vấn đề liên quan đến tập đoàn kinh tế nhà nước lại được nhắc đến khá thận trọng. Nhiều ý kiến tại hội thảo thẳng thừng nói rõ, sau khi xảy ra “vấn đề Vinashin”, dư luận đã có những đánh giá, nhìn nhận phần nào lệch lạc, cực đoan, và gần như phủ nhận vai trò của tập đoàn kinh tế nhà nước.
Tập đoàn là “to và lớn”?
Vì sao có nhiều ưu đãi, nhiều cơ hội tiếp cận những nguồn lực khan hiếm, cơ chế cởi mở nhưng hiệu quả sinh lợi không tương xứng tiềm lực ấy từ các tập đoàn hiện nay? Có lãi giả lỗ thật hay không? Đổ vỡ thì trách nhiệm vừa qua như thế nào với các lãnh đạo tập đoàn? Vấn đề độc quyền nhà nước, độc quyền doanh nghiệp nên nhìn nhận thế nào?

Cuộc hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo một số tập đoàn.

Hàng loạt câu hỏi được vị chủ tọa đặt ra để cùng thảo luận, nhưng gom lại chỉ nằm ở vấn đề nên buông gì, nắm gì đối với các tập đoàn. Ở điểm này, không phải lúc nào cũng có sự thống nhất về quan điểm, ngay cả trong nhóm các nhà nghiên cứu.
Chỉ một chuyện đơn giản, thế nào là tập đoàn cũng đưa đến nhiều suy luận khác nhau. Tập đoàn có là vốn lớn, là chiếm vị thế chi phối ngành và dẫn dắt “cuộc chơi”? Cách hiểu như thế này hiện nay vẫn đang tồn tại, hệ quả là ở một số nơi doanh nghiệp đã nhanh chóng phình to cả về quy mô vốn và lĩnh vực tham gia, để “lên trình” thành tập đoàn.
Trong khi đó, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân Phạm Quang Trung thẳng thắn cho rằng, việc duy trì vốn nhà nước quá cao tại tập đoàn cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới hiệu quả hoạt động thấp, nếu kéo dài xu hướng này sẽ làm suy yếu tập đoàn.
Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo Lê Xuân Đình cũng lưu ý thêm từ thực tế mô hình tập đoàn trên thế giới, ông cho rằng tính độc quyền thao túng đáng sợ là có thật ở một số tập đoàn trên thế giới, đặc biệt là thao túng chính phủ.
Ông Đình cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn suy giảm vừa qua, và nhất là sau hai đợt nền kinh tế phải “gồng mình” chống lạm phát và ổn định vĩ mô mới thấy, các tập đoàn chưa phải đã là “con át chủ bài”, hay “quả đấm thép” hoàn hảo bên cạnh Chính phủ. Chưa nói, các tập đoàn còn tăng trưởng chậm hơn các thành phần kinh tế khác.
Tập đoàn, buông và nắm
Sau phần thảo luận kể trên, nhiều diễn giả chuyển hướng đến một vấn đề khác: tập đoàn nên buông gì và nắm gì để đảm bảo vừa chi phối được ngành, lĩnh vực với ý nghĩa tập trung sức mạnh, từ đó tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Trường Giang lưu ý trường hợp những tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng cần nhiều lao động, gia công là chính và doanh nghiệp tư nhân có thể hoạt động tốt thì không nhất thiết phải xây dựng tập đoàn kinh tế nhà nước chi phối thị phần ngành này.
Phân tích các trường hợp cụ thể, ông Đình nêu những lập luận rất đáng chú ý. Chẳng hạn với vai trò bảo đảm nguồn cung điện cho nhu cầu phát triển của nền kinh tế, Tập đoàn Điện lực (EVN) đang chi phối gần như toàn bộ thị trường truyền tải và phân phối điện.
“Trớ trêu thay, chính sự độc quyền trong khâu truyền tải, phân phối của EVN lại trở thành lực cản lớn đối với sự phát triển nguồn cung cấp điện cho quốc gia. Tổng sơ đồ 6 về cân đối lớn năng lượng điện cho nền kinh tế, có thể nói, đã không thành công như mong muốn. Trong khi phương án bán nguồn cung theo cơ chế chào giá cạnh tranh chậm được áp dụng”, ông Đình dẫn chứng.
Với các tập đoàn trong các lĩnh vực xây dựng, dệt may, trồng và khai thác chế biến cao su, đầu tư bất động sản, ông Đình dẫn quan điểm cho rằng điều này không thực sự cần thiết. Lý do là những ngành nghề kinh doanh vừa nêu đã có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân đang kinh doanh khá hiệu quả. Đây lại cũng không phải là những ngành có vai trò then chốt.
Liên quan đến chuyện buông và nắm nhưng ở vai trò quản lý nhà nước với các tập đoàn, quan điểm khác lại tỏ ra e ngại sự kiểm soát dường như quá chặt của nhà nước đối với các tập đoàn, làm khó doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cạnh tranh.
Phó viện trưởng Trường Giang lưu ý rằng trường hợp của Tập đoàn Điện lực vừa phải làm kinh doanh nhưng làm quá nhiều nhiệm vụ chính trị xã hội nên trong hoạt động đang chịu nhiều sức ép. Hay với Vinashin, dù doanh nghiệp này được đổ nhiều vốn, được cho hưởng những cơ chế thuận lợi nhưng can thiệp cũng mạnh mẽ, khiến lãnh đạo doanh nghiệp này khó độc lập theo nghĩa doanh nghiệp làm kinh tế.
Ông Trường Giang đề xuất tiêu chí nắm và buông đối với các tập đoàn cần chú trọng đến ổn định hệ thống, gồm cả chính trị và kinh tế vĩ mô; và đảm bảo cam kết tham gia. “Quan điểm của tôi là tập đoàn không phải chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà còn là thị phần, là chiếm được các nguồn lực gì trên thế giới trong môi trường cạnh tranh hiện nay”, ông Giang nói.
Nguồn VNECONOMY

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)