Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhà ở xã hội: Giáo viên khó… với tới

Tạp Chí Giáo Dục

Với những chính sách như hiện nay, cô Phạm Kim Thoa – giáo viên Trường Mầm non Tuổi Xanh không thể với tới chương trình NOXH
Bà Trương Thị Ánh – Phó chủ tịch HĐND TP cho biết: “Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015 TP.HCM xây trên 20 ngàn căn nhà ở xã hội (NOXH). Riêng năm 2013 là 3 ngàn căn”.
Nếu đúng theo kế hoạch thì Quỹ NOXH của TP.HCM không phải là ít. Tuy nhiên, không phải đối tượng chính sách nào (cán bộ, công chức, viên chức…) cũng có thể tiếp cận được với NOXH, nhất là những người đang công tác trong ngành giáo dục…
Khó sở hữu NOXH
Cô Lê Thanh Diệu Ái – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kết Đoàn, Q.1 cho biết: “Mới đây, Công đoàn ngành đã giới thiệu cho giáo viên trong trường 2 dự án NOXH tại Q.8 và Q.12. Theo đó có hơn 10 giáo viên đăng ký mua nhà tại dự án ở Q.8. Còn Q.12 thì quá xa trường, đi lại khó khăn nên không giáo viên nào đăng ký. Sau khi nhờ chính quyền địa phương xác nhận những giấy tờ liên quan, các thầy cô đã đi thực tế để tìm hiểu. Nhưng khi xuống đến nơi thấy nhà xây dựng chưa đâu vào đâu, đã vậy khu vực đó lại ngập nước nặng nên các thầy cô… đã bỏ”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Trường Tiểu học Kết Đoàn có 30/71 cán bộ, giáo viên có nhu cầu mua nhà. Tuy nhiên, khi được hỏi về chương trình NOXH các thầy, cô đều lắc đầu.
Tại Q.Tân Bình, khi chung cư 171A Hoàng Hoa Thám bắt đầu khởi công xây dựng (với quy mô 484 căn, trong đó có 105 căn là NOXH), chính quyền địa phương đã triển khai xuống các trường học để những giáo viên có nhu cầu đăng ký mua. Đến khi chung cư chuẩn bị hoàn thành lại tiếp tục triển khai tại các trường học thêm 2 lần nữa. Những giáo viên đang có nhu cầu bức thiết về nhà ở trong ngành GD-ĐT Q.Tân Bình rất hồ hởi với dự án này. Tuy nhiên, với số tiền phải đóng trước 20% giá trị căn nhà (khoảng 150 triệu đồng) thì phần lớn giáo viên đều không biết chạy ở đâu. Bởi vậy, trong số cả ngàn giáo viên có nhu cầu nhà ở nhưng chỉ khoảng 10 giáo viên đủ khả năng mua nhà tại chung cư Hoàng Hoa Thám.
Một giáo viên may mắn mua được nhà tâm sự: “Hơn 30 năm gắn bó với ngành giáo dục, đến bây giờ gần về hưu rồi tôi mới có được cái nhà. Còn trước đây, hết ở nhà mẹ đẻ rồi lại sang nhà mẹ chồng. Dù ở nhà ngoại hay nhà nội thì cũng là ở nhờ nên không được thoải mái”…
Cô cũng cho biết, để mua được căn hộ rộng khoảng 65m2 này, vợ chồng cô đã phải vay bên nội, bên ngoại để đóng tiền cọc. Sau đó thế chấp giấy tờ nhà vay ngân hàng (được vay 60% giá trị căn nhà) để có tiền trả cho chủ đầu tư. “Trong 10 năm tới, gia đình tôi phải chi tiêu tiết kiệm để có tiền trả lãi và gốc cho ngân hàng”, cô nói.
Cần có chính sách riêng cho nhà giáo

Giáo viên đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội là điều rất khó khăn. Trong ảnh: Chung cư Ngô Gia Tự là một trong những khu nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng tại TP.HCM. Ảnh: Quang Huy

Theo ông Nguyễn Hữu Hùng – Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục TP.HCM thì: “Hiện nay trong ngành GD-ĐT TP có khoảng 20 ngàn nhà giáo có nhu cầu bức thiết về nhà ở”. Trong khi đó, theo số liệu của Sở Xây dựng TP, toàn TP có khoảng 30.000 cán bộ công nhân viên chức đang gặp khó khăn về nhà ở. Điều đó cho thấy đối tượng của chương trình NOXH trên địa bàn TP.HCM chủ yếu vẫn là nhà giáo. Vì vậy cần phải có những chính sách riêng đối với đối tượng này…
Cô Phạm Kim Thoa – giáo viên lớp Mầm 2 Trường Mầm non Tuổi Xanh, Q.Tân Bình cho biết: “Bao nhiêu năm nay vợ chồng tôi chỉ ở nhà thuê. Trước đây thì ở Q.Gò Vấp, ở đó có đông người trọ nên hơi xô bồ. Vì vậy, mới đây tôi đã dọn về Q.Phú Nhuận. Giá thuê 1,5 triệu đồng/tháng cả tiền điện nước, nhà quá nhỏ so với nhu cầu sinh hoạt của 4 người (2 người lớn và 2 trẻ em). Tuy vậy, thuê nhà lớn hơn thì không có tiền. Tổng thu nhập của cả 2 vợ chồng là 8 triệu đồng/tháng, trong đó tiền thuê nhà 1,5 triệu đồng, tiền học của 2 đứa con (đứa lớn học lớp 6, đứa nhỏ học mầm non) khoảng 2 triệu đồng. Như vậy mỗi tháng chỉ còn lại 4,5 triệu đồng, ăn uống cái gì cũng phải tính toán. Tóm lại, hoàn toàn không có dư đồng nào”…
Chính vì vậy mà dù rất “thèm” nhưng cô Thoa không dám đăng ký mua NOXH. “Tiền đặt cọc không có, rồi tiền trả lãi ngân hàng mỗi tháng cũng không có. Dù hai vợ chồng nhịn ăn, con cái không đi học cũng không đủ trả tiền vay ngân hàng thì làm sao dám mơ tưởng tới một căn nhà của riêng mình chứ”, cô Thoa tâm tư.
Theo đó, cô Nguyễn Thị Kim Dung – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Xanh, Q.Tân Bình cho rằng: “Để giáo viên dễ dàng tiếp cận được với chương trình NOXH, thiết nghĩ thời gian trả lãi ngân hàng nên kéo dài từ 10 năm lên 20 năm. Bên cạnh đó không phải đặt cọc trước vì phần lớn thu nhập của giáo viên, nhất là những giáo viên khoảng 30-35 tuổi chỉ tạm đủ sinh hoạt, dư không đáng là bao. Dù sao thì mỗi tháng giáo viên cũng phải trả tiền thuê nhà, nếu số tiền này dùng để trả lãi ngân hàng thì sau mấy chục năm các thầy cô sẽ được sở hữu căn nhà…”.
Đại diện Ban Chấp hành Công đoàn Trường Tiểu học Kết Đoàn, Q.1 cũng nêu ý kiến, NOXH không nên quá xa nơi làm việc của giáo viên, dạy ở Q.1 mà nhà ở Q.12 thì rất khó khăn trong việc đi lại…
Bài, ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)