Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Sẽ bùng phát nạn tranh mua nguyên liệu tôm?

Tạp Chí Giáo Dục

Khi các vùng nuôi tôm ven biển bị thiệt hại nghiêm trọng, người nuôi tôm tự giải bài toán khó từ ngoài đồng. Còn doanh nghiệp? Không ít doanh nhân nói “bí quá thì nhập nguyên liệu hoặc chuyển qua chế biến loại khác".

Ở Trà Vinh, mức độ thiệt hại không quá nghiêm trọng như các tỉnh lân cận nên các thương lái luôn trong tư thế tranh mua, chở tôm sang các tỉnh khác. Theo Chi cục nuôi trồng thủy sản Trà Vinh, tính đến đầu tháng 6.2011, toàn tỉnh đã thả nuôi gần 1,7 tỷ con giống, khoảng 6.546 ha diện tích tôm nuôi bị thiệt hại với số lượng 359 triệu con giống, chiếm khoảng 21% số lượng con giống được thả nuôi.

Tận lực gom nguyên liệu, đáp ứng 30% công suất cho các nhà máy chế biến tôm trong tỉnh Trà Vinh đã là giỏi.

Hàng năm, Trà Vinh thả nuôi khoảng 19.000 đến 23.000 héc-ta, đạt sản lượng khoảng 20.000 tấn tôm thương phẩm/năm. Hai nhà máy chế biến tôm xuất khẩu chủ lực của tỉnh là công ty cổ phần thủy sản Cửu Long (tại phường 3, TP.Trà Vinh) và công ty cổ phần thủy sản đông lạnh Long Toàn (tại thị trấn Duyên Hải, huyện Duyên Hải).

Các thương lái tại Trà Vinh cho biết: Lẽ ra tôm nguyên liệu đủ cung cấp cho 2 nhà máy nhưng tôm nguyên liệu bị hút qua các tỉnh khác nên Trà Vinh sẽ thiếu nguyên liệu. Ông Nguyễn Trọng Văn, chủ doanh nghiệp Ngọc My, cơ sở thu mua, sơ chế tôm tại xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành than rằng: “Hiện nay, cơ sở chỉ hoạt động khoảng 10% công suất do nguồn nguyên liệu tôm giảm sút”.

Doanh nghiệp Quận Nhuần, một cơ sở thu mua, sơ chế có tầm cỡ ở phường 6, TP Trà Vinh cũng rơi vào tình cảnh thiếu nguồn nguyên liệu. Mỗi ngày cơ sở chỉ mua được từ 7-10 tấn tôm nguyên liệu, trong khi cùng thời điểm này năm 2010, mỗi ngày cơ sở thu mua từ 20-25 tấn tôm nguyên liệu. Với gần 200 công nhân lành nghề thường xuyên làm việc cho cơ sở, cộng với các chi phí đang tăng lên hàng ngày, khả năng mỗi tháng cơ sở có thể thua lỗ vài ba trăm triệu đồng.

Các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu trong tỉnh đối diện tình trạng thiếu nguồn tôm nguyên liệu hàng ngày. Tận lực gom nguyên liệu, đáp ứng 30% công suất đã là giỏi. Trà Vinh chưa đến thời điểm thu hoạch rộ, nhưng thương lái đã thấy trước những dấu hiệu khó khăn do phải cạnh tranh gay gắt chưa từng có.

Nhập tôm nguyên liệu để chế biến? Chuyển đổi chế biến các loài thủy hải khác? Nếu nhập tôm nguyên liệu từ các nước khác (chủ yếu ở Ấn Độ), chất lượng tôm ở các nước không cao so với tôm của Việt Nam; chi phí cao và còn phụ thuộc vào vấn đề tạm nhập, tái xuất rất khó khăn… Nói tóm lại, rủi ro rất cao. Còn việc chuyển sang chế biến các loài thủy sản khác là rất khó, bởi vì mỗi dây chuyền sản xuất cho mỗi loại thủy sản đều khác nhau. Chính vì vậy, nếu chuyển đổi, công ty hoặc doanh nghiệp phải đầu tư xây dựng mới hoàn toàn để phù hợp với yêu cầu.

Trong khi đó, hầu hết các nguồn liệu thủy sản khác như: cá tra, tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng không ổn định. Diện tích nuôi các loài thủy sản này còn lệ thuộc khá nhiều về quy hoạch, giá cả tiêu thụ, các chi phí đầu tư cho sản xuất, nhất là nguồn vốn của người trực tiếp sản xuất. Lạm phát, lãi suất tiền vay đang ở mức rất cao trong thời điểm hiện nay thì khó có doanh nghiệp nào mạo hiểm đầu tư cho các dây chuyền sản xuất mới.

Bức tranh nuôi trồng, thu mua, chế biến xuất khẩu thủy sản không được sáng sủa trong thời điểm hiện nay. Các doanh nghiệp kỳ vọng tình hình dịch bệnh tôm nuôi được khống chế và người nuôi tôm ở các tỉnh ven biển ĐBSCL tiếp tục thả nuôi tôm vụ sau. Trong khi đó, nhiều người nuôi cho rằng bế tắc ở chỗ giữa người nuôi và doanh nghiệp nhìn thấy thực tế nhưng chẳng ai biết phải làm gì để có được nguồn nguyên liệu một cách bền chặt.

Bài và ảnh: Trường Lê

SGTT

Bình luận (0)