Sinh viên thảo luận về các giải pháp thực hiện những định hướng lớn cho nhiệm kỳ mới |
445 đại biểu đại diện cho toàn thể sinh viên (SV) TP.HCM lần thứ V (nhiệm kỳ 2015-2020) đã tham dự Đại hội Đại biểu Hội SV Việt Nam TP.HCM diễn ra trong hai ngày 10 và 11-1 với khẩu hiệu “SV TP.HCM phấn đấu là SV 5 tốt vì thành phố văn minh, phát triển”.
Trong khuôn khổ đại hội, các SV đã dâng hoa báo công tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Xây dựng lớp SV có lý tưởng, lối sống đẹp
Điểm lại những kết quả nhiệm kỳ 2010-2015, ông Nguyễn Thanh Đoàn – Phó chủ tịch Thường trực Hội SV TP.HCM – khẳng định, nhiệm kỳ qua là giai đoạn khẳng định và phát triển mạnh mẽ của cuộc vận động “SV 5 tốt”. SV thành phố ngày càng ý thức, tự giác tham gia và xác định danh hiệu “SV 5 tốt” là mục tiêu phấn đấu rèn luyện của bản thân. Cuộc vận động này đã được SV ủng hộ, nhà trường và xã hội đánh giá cao. Bên cạnh các cá nhân, cũng đã xuất hiện những tập thể và câu lạc bộ “SV 5 tốt”.
Các chương trình hoạt động và phong trào SV tiếp tục phát triển, tạo môi trường thuận lợi để SV học tập, rèn luyện. Hoạt động nghiên cứu khoa học trong SV được đầu tư và nâng cao. Giải thưởng SV nghiên cứu khoa học Euréka liên tục được đổi mới, đề tài nghiên cứu của SV từng bước gắn với yêu cầu thực tiễn. Các hoạt động hỗ trợ SV cũng được tăng cường. Gần 115 tỷ đồng học bổng đã được trao cho SV. Lĩnh vực tư vấn, hỗ trợ SV hội nhập quốc tế cũng được đẩy mạnh…
Dù vậy, một số cơ sở hội còn thụ động trong tìm kiếm phương thức, cách làm mới; thiếu khảo sát, nắm bắt nhu cầu SV trước khi tổ chức hoạt động, khó khăn trong tổ chức các sân chơi cho SV do điều kiện cơ sở vật chất một số trường còn thiếu thốn. Ngoài ra, nhiều cấp bộ hội chưa có nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác nắm bắt định hướng kịp thời tư tưởng, lối sống SV. Các hoạt động tư vấn tâm lý, sức khỏe cho SV chưa được thường xuyên, hiệu quả. Công tác tuyên truyền, kết nối và phát huy các gương “SV 5 tốt” chưa được đầu tư đúng mức.
Trong nhiệm kỳ sắp tới, Hội SV TP.HCM hướng đến mục tiêu xây dựng lớp SV có lý tưởng cách mạng, lối sống đẹp, tích cực thi đua học tập và nghiên cứu khoa học; sáng tạo nắm bắt công nghệ mới, chủ động hội nhập quốc tế… Theo đó, hai đề án được chú trọng trong thời gian tới để tăng cường năng lực hội nhập gồm: Hỗ trợ nâng cao trình độ tiếng Anh và trang bị kỹ năng thực hành xã hội cho SV thành phố. Nhiệm kỳ mới cũng đặt ra chỉ tiêu vận động 100 tỷ đồng học bổng hỗ trợ SV, ít nhất 10 triệu ngày tình nguyện của SV toàn thành và 20 ngàn đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp trường trở lên…
Chuẩn bị cho hội nhập
Trong khuôn khổ đại hội, 10 tổ đại biểu đã thẳng thắn thảo luận tìm kiếm giải pháp thực hiện các định hướng lớn cho nhiệm kỳ 2015-2020. Nội dung thảo luận xoay quanh các chủ đề lớn như: Nâng cao sức sống của phong trào “SV 5 tốt”; SV thành phố học tập và làm theo gương Bác; tích cực học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học; xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hội đáp ứng yêu cầu của phong trào SV trong giai đoạn hiện nay; khi gặp khó khăn, SV sẽ tìm đến tổ chức hội SV; định vị khả năng SV TP.HCM so với khu vực và quốc tế trong quá trình hội nhập; trách nhiệm SV khi tham gia cộng đồng mạng xã hội; đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động tình nguyện trong SV.
Riêng chủ đề hội nhập, đa số đại biểu đặt ra vấn đề tăng cường năng lực ngoại ngữ cho SV. Thực tế hiện nay, khả năng ngoại ngữ của SV nói chung chưa được đánh giá cao. SV Hà Thị Phương Thúy (năm nhất, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) nhìn nhận, khi hội nhập vào Cộng đồng ASEAN, những ứng viên không đủ năng lực, nhất là khả năng ngoại ngữ sẽ nhanh chóng bị loại. Trong khi đó, SV Quỳnh Hoa (Trường ĐH Mở) cũng đánh giá, chương trình giảng dạy tiếng Anh trong trường hiện chưa thu hút SV, đa số học để lấy điểm, đối phó với thi cử. Ngay cả SV trường “tốp trên” như ĐH Y dược cũng thiếu tự tin về khả năng ngoại ngữ. Ủy viên Ban Thư ký Hội SV Trường ĐH Y dược TP.HCM Nguyễn Thị Hà Tiên lý giải, Câu lạc bộ Tiếng Anh trong trường chưa hoạt động hiệu quả vì SV quá bận rộn từ chuyện học đến đi thực hành bệnh viện, không có thời gian tham gia. Thậm chí cả chủ nhiệm câu lạc bộ cũng không sắp xếp thời gian tham dự thường xuyên được. Hà Tiên đặt vấn đề tạo sân chơi giao lưu quốc tế cho SV học khối ngành đặc thù tham gia, rèn luyện.
Ngoài ngoại ngữ thì trình độ tin học, kiến thức văn hóa, tinh thần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng được các đại biểu nhấn mạnh đối với quá trình hội nhập.
Tại tổ thảo luận về trách nhiệm SV khi tham gia cộng đồng mạng xã hội, đa số các ý kiến cho rằng cần có các hoạt động định hướng SV, nhằm kiểm soát, chọn lọc và làm chủ thông tin. SV Đoàn Thảo Nguyên (Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM) nêu thực tế, hiện những trang mạng đầy ắp các thông tin cá nhân, các thông tin Đoàn hội bị “trôi”, “lấp” đi. Thảo Nguyên dẫn chứng, có trường hợp một nhóm SV qua kết nối facebook đã gặp gỡ giao lưu, giúp nhau rèn luyện kỹ năng nhưng lại bị “lôi kéo” mua đồng hồ với giá 2 triệu đồng trong khi giá trị thực của nó rẻ hơn đáng kể. Nếu SV được định hướng tốt, sẽ tránh được những kiểu tốn kém không đáng như thế này. Phạm Vũ Vũ (SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cũng cho rằng trong điều kiện khó truyền đạt thông tin trực tiếp do không dễ tập hợp SV thì mạng xã hội là giải pháp thiết thực. Tuy nhiên, chỉ nên xem đây là công cụ liên lạc, tránh để phụ thuộc.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)