Báo cáo về thị trường bất động sản Đà Nẵng quý 2 của CBRE vẽ ra một thực trạng hoàn toàn khác của thị trường được cho là sốt nóng từ tháng 4 năm nay. Công bố trong tháng 7, báo cáo ghi nhận, giao dịch đất nền của chủ dự án chậm lại, trong khi giao dịch thứ cấp, thực chất là mua đi bán lại, im ắng.
Theo báo cáo trên, ở phân khúc căn hộ hạng sang, tỷ lệ bán trung bình giảm sút so với quý trước. Do nguồn cung tăng thêm 69 căn, giá căn hộ hạng sang đã giảm 3,4%. Tỷ lệ bán trung bình ở các phân khúc hạng sang, cao cấp và trung cấp, lần lượt là 73%, 34,7% và 40,49%. Đáng chú ý, giá chào bán căn hộ trung cấp trong quý 2 tuy tăng nhẹ 9,3%, song so với một năm trước, giá bán đã giảm 24,3%.
Báo cáo về thị trường bất động sản Đà Nẵng quý 2.2011 của CBRE cho thấy rất im ắng, khác với nhận định tình trạng thị trường đang "sốt nóng" của một số phương tiện thông tin đại chúng. Ảnh: B.C
Đây không phải là lần đầu, thông tin có thể sử dụng để làm giá xuất hiện trên truyền thông đại chúng. Cuối năm 2009, khi xuất hiện bài báo cảnh báo nguy cơ bong bóng đất ở tỉnh Đ., ngay sau tết, xuất hiện gần như đồng thời trên các báo thời sự các bài báo có chung một thông điệp: thị trường ở tỉnh đó đang rất sôi động. Cho đến tháng 9.2010, mới có luồng thông tin cảnh báo nhà đầu tư nên cẩn trọng khi đầu tư vào tỉnh Đ.
Do CBRE chỉ là một đơn vị tư vấn và nghiên cứu thị trường nhà đất, nên thông tin trong báo cáo không mang tính đại diện cho toàn bộ thị trường, song về cơ bản, thông tin này có cơ sở để tin cậy và phản ánh đúng xu hướng thị trường. Khi thông tin về báo cáo này xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, chưa thấy phản ứng nào từ các chủ dự án đầu tư ở Đà Nẵng, trong khi từ đầu quý 2, liên tục xuất hiện trên một số tờ báo, một vài trang thông tin điện tử tổng hợp chuyên về bất động sản và tài chính, các thông tin miêu tả có một đợt sốt giá nhà đất ở Đà Nẵng. Kết quả tìm kiếm trên Google về thông tin sốt giá đất nền Đà Nẵng trong một năm qua, sau khi giới hạn thông tin ở Việt Nam, có 1,33 triệu kết quả thông tin hiển thị bằng tiếng Việt. Một điều đáng chú ý, có một bài báo trên một tờ báo ngày ở TP.HCM, sau đó được tờ T.N online dẫn lại và được khá nhiều các trang thông tin tổng hợp dẫn lại.
Nếu đọc kỹ thông tin, cơn sốt đất nền ở Đà Nẵng được dựa trên số liệu các dự án chào bán và một số số liệu về giá thị trường tại thời điểm đăng tải thông tin. Có nghĩa là việc nhận định hoàn toàn dựa trên định tính, hơn là định lượng. Nói gọn, mức độ khảo sát và tính đại diện thua sút báo cáo của CBRE. Gần một tháng sau, một tờ báo địa phương có thông tin hoàn toàn trái ngược: sốt giá chủ yếu do cò. Tuy nhiên, thông tin này chỉ có kết quả tìm kiếm khoảng 500.000 trên Google. Nếu tổ chức hay một nhóm nào đó có lợi ích từ việc dựng lên cơn sốt đất nền giả tạo ở Đà Nẵng, nhóm này đã có ưu thế hơn về khả năng thuyết phục nhà đầu tư, những người có ít thông tin và khả năng phân tích, dự báo.
Khi thông tin kinh tế không đủ, bị cắt khúc và bị tình trạng cát cứ, các tác nhân tham gia thị trường khó lòng ứng phó với các diễn tiến thị trường vốn đã mang tính không ổn định cao như hiện nay và trong đó, không ít các đợt thị trường giật cục, sốt nóng hay ớn lạnh, đến từ chủ đích của một bộ phận nào đó. |
Ở Việt Nam, một nước có nền kinh tế chuyển đổi, khó có thể có ngay khả năng tổng hợp và xử lý thông tin kinh tế. Điều này khiến cho giới hoạch định chính sách và cả người kinh doanh không ít lần lúng túng trước thực tế thị trường. Mới đây, các cơ quan quản lý nhà nước buộc phải lập ngay các đoàn kiểm tra nguyên nhân khiến giá thực phẩm sốt giá là một minh chứng. Chỉ ngay sau khi có lệnh kiểm tra tình hình giá cả, có ngay một báo cáo chỉ rõ hơn 90 tấn thịt heo xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Một con số, nếu đúng, cũng gây suy nghĩ bởi sự tồn tại của dữ liệu và khả năng hình thành của nó.
Thực tiễn thị trường ở các mặt hàng có nhiều thuận lợi như gạo, càphê trong ba năm qua, dù giá lập kỷ lục, thì phần lợi không phân bổ đều cho các khâu. Không ít lần Nhà nước buộc phải can thiệp để ổn định thị trường. Có thể thấy hệ quả từ thông tin không đối xứng là ánh hào quang lấp lánh từ các con số kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu của một vài mặt hàng không chiếu tới những người trực tiếp sản xuất.
Kinh tế thế giới và Việt Nam trải qua năm thứ ba đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu. Khi các nỗ lực hỗ trợ kinh tế phục hồi của chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam, bắt đầu cho ra một vài dấu hiệu kinh tế phục hồi, thị trường thế giới và khu vực lại có các tác nhân mới đe doạ phá đi sự tạm ổn định như lạm phát, biến động giá vàng. Trong một bối cảnh như vậy, khi thông tin kinh tế không đủ, bị cắt khúc và bị tình trạng cát cứ, các tác nhân tham gia thị trường khó lòng ứng phó với các diễn tiến thị trường vốn đã mang tính không ổn định cao như hiện nay và trong đó, không ít các đợt thị trường giật cục, sốt nóng hay ớn lạnh, đến từ chủ đích của một bộ phận nào đó.
Tiểu Lý / SGTT
Bình luận (0)