Đĩa lậu được bày bán công khai trên đường Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú) |
“Cuộc chiến” giữa các cơ quan chức năng với đội ngũ in, sang, buôn bán băng đĩa lậu vẫn chưa có hồi kết. Việc nhiều người dân chọn mua loại băng đĩa này vì giá rẻ, phù hợp túi tiền đã tạo điều kiện cho bọn đầu nậu có cơ hội bành trướng thị trường. Và thực tế hiện nay, ở mọi ngóc ngách của các ngả đường, góc phố… đội quân “phát hành” băng đĩa lậu đều tìm đến chào mời khách hàng.
Đĩa lậu: Ra ngõ là có
Địa bàn hoạt động của đội ngũ kinh doanh băng đĩa lậu trải đều ở các quận huyện trên địa bàn thành phố. Chỉ cần một cái rổ có “thiết kế” thêm dây đeo quàng qua vai, cổ; hoặc một xe đẩy với đầu đĩa và hai cái loa xập xình tiếng nhạc, người bán đã nghiễm nhiên trở thành “đại lý phát hành” đĩa lậu di động cho giới đầu nậu. Còn “thượng đế” chỉ cần bước ra đầu ngõ là có thể tìm mua cho mình những đĩa nhạc, phim hay hài kịch ưng ý với giá rẻ như cho một cách vô cùng dễ dàng. Những loại băng đĩa này đều không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng lại được bày bán công khai ở khắp nơi.
Dạo quanh các chợ ở Khu công nghiệp Tân Tạo, Khu công nghiệp Tân Bình và các chợ vùng ven quận Bình Tân, huyện Bình Chánh… chúng tôi bắt gặp rất nhiều người bày bán đĩa lậu với giá dao động từ 5.000đ-10.000đ/ cái. Có nơi còn bán với giá 2.000đ/ cái, mua 5 tặng 1. Tại các chợ Hiệp Tân, Tân Phú 2 (quận Tân Phú), có khá nhiều sạp bán băng đĩa, mỗi nơi một giá nhưng hầu hết đều từ 5.000đ trở xuống đối với CD, VCD và 10.000đ trở xuống đối với DVD.
Vào khoảng 5, 6 giờ chiều, có rất nhiều người bán đĩa lậu tập trung tại cổng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bảo, quận Gò Vấp) để hành nghề. Họ chỉ cần trải một tấm bạt hình vuông nho nhỏ dưới lề đường rồi bày ra các loại đĩa với hình ảnh bắt mắt, thể loại đa dạng, giá cả vô cùng phải chăng. Tình trạng trên cũng nhan nhản tại làng đại học Thủ Đức (phường Linh Trung, quận Thủ Đức). Tại đây, các tiệm đĩa, xe bán đĩa dạo mọc lên “như nấm sau mưa”. Chỉ cần ra đường là các bạn sinh viên có thể dễ dàng tìm mua những loại đĩa phục vụ cho nhu cầu học tập và giải trí của bản thân với giá mềm không thể tưởng. Điều đặc biệt là ở khu vực tập trung nhiều trí thức nhất của TP như thế này lại rất dễ để tìm mua những loại đĩa phim “tươi mát”. Tuy các cơ quan chức năng đã nhiều lần can thiệp và tịch thu đĩa lậu, phạt hành chính nhưng những ông, bà chủ trẻ (những tiệm đĩa nơi này đa phần do sinh viên mở – PV) ở đây vẫn chứng nào tật ấy. Việc tiếp xúc quá dễ dàng với những văn hóa phẩm đồi trụy chắc hẳn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cách suy nghĩ và lối sống của giới trẻ Việt Nam.
Ông Hai Thanh (một người bán đĩa dạo trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7) cho biết: “Một ngày tôi bán chừng 50-60 đĩa, mỗi cái lời được 2.000đ. Cả đống đĩa này tôi lấy từ trung tâm phát hàng băng đĩa trên đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 1”. Khi chúng tôi hỏi rõ tên cửa hàng để đến mua, ông chỉ im ỉm cười!? Chúng tôi nói cần mua đĩa phim, ông chẳng hỏi chẳng rằng đưa ngay ra một xấp đĩa vô cùng “mát mẻ”. Trên vỏ đĩa in toàn hình những cô giá mặc bikini hoặc khỏa thân đầy khêu gợi với các nhan đề như Kim Bình Mai, Trái Cấm, Hồ Ly Tinh, Hồng Lâu Mộng…
Chất lượng trời ơi!
Một điều dễ nhận thấy, người mua đĩa lậu đa phần là người có thu nhập thấp, trong đó, sinh viên và công nhân chiếm số đông. Đĩa lậu do được in sao tự phát nên chất lượng sẽ không thể đảm bảo. Người bán đĩa dạo nào cũng nói “chắc như bắp”, nếu đĩa hư thì mang ra đổi nhưng đến lúc đó chẳng biết họ ở đâu để “bắt đền”. Đôi khi vì ham rẻ mà nhiều người mua phải đĩa xước, đĩa trắng, chẳng khác nào “tiền mất tật mang”.
Chị Thanh Trúc – công nhân làm giày da tại quận Bình Tân thở dài: “Tôi vừa mua một đĩa DVD ca nhạc với giá 10.000đ, xem mới nửa đĩa đã bị xước nhưng biết tìm người bán ở đâu để đổi bây giờ, bởi thỉnh thoảng mới thấy họ ghé lại bán”.
Chị Nguyễn Thị Thơ – chủ tiệm bida tại làng đại học Thủ Đức ngao ngán: “Ham rẻ làm chi em ơi. Như chị này, mua cả đống đĩa về có dùng được bao nhiêu đâu. Xước hoài đổi mãi cũng chẳng cải thiện được gì vì đều dỏm như nhau cả mà. Nhưng nếu mua đĩa gốc về mở thì lại tiếc tiền vì chị phải thay đổi đĩa liên tục. Giờ cứ mua đại thôi, dùng được thì dùng, không thì vứt”.
Có nhiều đĩa lậu chỉ xem được một lần là xước, cũng có đĩa có nội dung lại khác so với vỏ bìa. Bạn Kiều Duyên (sinh viên Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình 2) cho biết: “Vì thích phim tình cảm nên mình thường mua đĩa giá rẻ về xem, vừa rồi mua được một đĩa có vỏ ngoài toàn hình mát mẻ, mình hỏi đi hỏi lại có gì trong đó không thì ông ta chỉ nói là phim tình cảm bình thường, nhưng khi mở xem thì tá hỏa bởi hình ảnh hết sức khêu gợi, toàn cảnh “nóng” về chuyện phòng the…”.
Giá đĩa lậu (CD, VCD, DVD) rẻ chỉ bằng 1/10 giá đĩa gốc, do đó, chất lượng cũng thay đổi theo. So với đĩa gốc, đĩa lậu là những phế phẩm công nghiệp được tái chế rồi sao chép với số lượng lớn. Đĩa lậu hình thức bề ngoài không khác đĩa gốc mấy nhưng bị sao chép nhiều lần nên chất lượng sẽ không thể như ban đầu. Có nhiều đầu nậu vì muốn “ăn đậm” nên không ngần ngại “xào nấu” nội dung đĩa khi in sao. Vì thế, chuyện bìa đĩa một đằng, nội dung một nẻo là điều khó tránh khỏi. Hình thức này thường được áp dụng với các loại đĩa nhạc, phim. Ấn phẩm “đen” cũng theo đường này mà lan tràn vào xã hội.
Tiểu Di – Mỹ Dung
Ngày 17-6, đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa – xã hội thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP.HCM đã tiến hành kiểm tra hành chính đối với cửa hàng kinh doanh băng đĩa tại địa chỉ 98-O đường Lê Lai, Q.1, TP.HCM do ông Nguyễn Mạnh Hùng làm chủ. Tại hiện trường, phần lớn băng đĩa CD, VCD, DVD với nhiều loại phim, ca nhạc, hài… đều không có tem kiểm định, nhập lậu từ nước ngoài. Lực lượng thanh tra đã lập biên bản tạm giữ một giấy phép kinh doanh và trên 100 bao băng đĩa, ước tính cả chục vạn đĩa lậu. |
Bình luận (0)