Khách hàng lựa chọn đĩa tại một nhà sách ở Tân Bình. Ảnh: M.D |
Chẳng những làm người mua điêu đứng vì chất lượng trời ơi mà đĩa lậu còn khiến hàng loạt nhà sản xuất, kinh doanh đĩa chân chính phải đau đầu vì không biết tìm đâu ra lối thoát. Cuộc chiến giữa các cơ quan chức năng với đội ngũ tuồn đĩa lậu vào thị trường đến thời điểm này quả là không cân sức bởi bọn đầu nậu được quá nhiều phe phái giúp đỡ, bao che để thực hiện hành vi phi pháp của mình.
Khi khách hàng lên tiếng
Vì ham dùng đĩa lậu mà chị Phạm Thị Cúc (Q.Bình Tân) vừa phải đem đầu đĩa ra ngoài tiệm để sửa. Chị kể: “Đang trên đường về phòng trọ, thấy người bán đĩa dạo nói có đĩa hài Hoài Linh mới nên tôi mua ngay. Nhưng chỉ xem đến phút thứ 5, màn hình bắt đầu giựt liên tục rồi đứng hẳn. Tưởng đầu đĩa hư, tôi cho các đĩa khác vào cũng không thấy động tĩnh gì, mang ra ngoài tiệm thì người ta nói bị hư mắt đọc đĩa rồi”.
Nhiều sinh viên vì muốn tiết kiệm chi phí nên đã chọn mua những loại đĩa lậu phục vụ cho nhu cầu học tập và giải trí của mình. Do đó, không ít bạn đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi xảy ra sự cố. Bạn Nguyễn Hoàng Anh, sinh viên năm 4, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết: “Mình thường xuyên ra nhà sách hoặc các tiệm photo gần trường mua đĩa phần mềm máy tính hay đĩa tiếng Anh về học. Thế nhưng, nhiều khi mua trúng đĩa trắng, mình đem ra đổi thì họ không cho. Chẳng hiểu mình học được gì trong những cái đĩa đó?”.
Không ít ý kiến cho rằng đĩa tại nhà sách và các trung tâm băng đĩa nổi tiếng chất lượng sẽ đảm bảo, nhưng sự thật có phải như vậy? Bạn Nguyễn Quỳnh Như (Q.3) bức xúc: “Mình ít khi mua đĩa dọc đường vì không tin tưởng. Khi cần đĩa gì, mình vô nhà sách chọn. Có lần mình mua một đĩa học yoga trong nhà sách với giá 13.000đ, mang về mở chẳng thấy lên, đến đổi lại không được chấp nhận, mình thấy bực bội vô cùng”.
Khi phát hiện chất lượng nhiều loại đĩa “giá mềm” được bày bán tại các nhà sách lớn không hơn gì đĩa lề đường, đa phần khách hàng đều tỏ ra bực dọc. Anh Phan Tuấn Thuận (Q.10) cho biết: “Tôi cho rằng nhà sách đã qua mặt khách hàng khi bày bán những loại đĩa như vậy. Chúng tôi không để ý lắm vì thấy giá mềm nên thích mua thôi”. Bạn Trương Thị Diễm (sinh viên Trường ĐH Sài Gòn) nói: “Lúc trước mình cứ nghĩ nhà sách chỉ cung cấp những sản phẩm chất lượng, nhưng vào rồi mới thấy họ cũng bày bán đĩa lậu công khai. Nhà sách bây giờ cũng không tin tưởng được”.
Có thể nói, từ trước đến nay, nhiều ca sĩ, nhà sản xuất phim trong nước phải “lao đao” trước thực trạng in sang đĩa lậu. Muốn cho ra lò một ấn phẩm nào đó, nhà sản xuất thường tổ chức họp báo giới thiệu, và từ đây, thông tin bị rò rỉ ra ngoài để những tay làm đĩa lậu trục lợi. Có khi chưa đến ngày ấn phẩm gốc xuất xưởng đã thấy đĩa lậu nhan nhản trên thị trường. Và không ít đĩa gốc vừa mới ra lò chưa kịp “nóng” đã phải “nguội” vì bị sao chép một cách bát nháo và không hề có dấu hiệu dừng lại.
Có luật nhưng vẫn lọt
Thời gian qua, các ngành chức năng đã liên tục kiểm tra, xử phạt và thu giữ hàng trăm ngàn băng đĩa lậu tại các cửa hàng, cơ sở in sang băng đĩa lậu. Thế nhưng, mọi chuyện đâu lại vào đấy. Vì cái lợi trước mắt, bọn đầu nậu vẫn không ngừng đầu tư cơ sở vật chất để tiếp tục việc kinh doanh bất chính của mình khiến những người làm nghệ thuật lẫn cơ quan chức năng ngán ngại. Cụ thể là tại điều 8 trong mục 1, chương 2 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ trái phép phim thuộc loại in, nhân bản lậu với số lượng từ 10 bản đến dưới 100 bản. Phạt tiền từ trên 3.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: nhân bản phim chưa được phép lưu hành với số lượng từ dưới 20 bản đến dưới 100 bản; tàng trữ trái phép phim thuộc loại in, nhân bản lậu với số lượng từ 100 bản đến trên 500 bản; tàng trữ nhằm lưu hành hình ảnh, phim có nội dung cấm lưu hành với số lượng dưới 10 phim đến 50 phim.
Nói về vấn đề đĩa lậu hoành hành trong nhà sách, chị Phan Quỳnh Dao, nhân viên Văn phòng đại diện phía Nam Hội Nhạc sĩ Việt Nam bức xúc: “Về kinh tế, đĩa lậu khiến cho các tác giả bị xâm phạm quyền sở hữu, nhà kinh doanh băng đĩa chân chính lâm vào khủng hoảng, các ca sĩ bỏ tiền ra làm đĩa thì bị thua lỗ, ít nhiều gây nhiễu thị trường tiêu thụ, đồng thời đụng chạm đến công pháp quốc tế trong vấn đề bản quyền. Ngoài ra, còn có rất nhiều đĩa lậu mang nội dung đồi trụy, bạo lực, tác động xấu đến thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng của giới trẻ Việt Nam. Nếu không xóa bỏ được tình trạng này, đất nước rồi sẽ không còn “lễ nghĩa”, vì ý thức hệ, nhân sinh quan của thế hệ trẻ sẽ dần bị nhiễm đục do nội dung tiêu cực của đĩa lậu”. “Chị nghĩ gì khi thấy đĩa lậu được bày bán công khai tại rất nhiều nhà sách có tiếng của thành phố?”, chúng tôi hỏi. “Tôi rất đau lòng vì các ông chủ nhà sách đã hành động “thiếu văn hóa” khi đồng lõa với kẻ ăn cắp bản quyền. Không thể ngụy biện như ông chủ nhà sách nọ khi cho rằng: “Chúng tôi đang giúp đỡ người mua… vì cung cấp sản phẩm giá rẻ”. Tôi nghĩ, nhà sách là khuôn mặt văn hóa tiêu biểu cho nền giáo dục nước nhà nên không thể chấp nhận những hành vi sai trái như hiện nay. Các cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay (đóng cửa, thu hồi giấy phép kinh doanh) để đĩa lậu không còn cơ hội xuất hiện ở nhà sách”, chị Dao chia sẻ.
Thực trạng trên không thể xóa bỏ trong một sớm một chiều bằng sức lực của một vài cơ quan chức năng hay bằng những quy định, nghị định mà các cấp chính quyền cần từng bước tuyên truyền, giáo dục rộng khắp để toàn dân hiểu rõ tác dụng tiêu cực của đĩa “ngoài luồng”, từ đó họ sẽ không mua bán đĩa lậu vì tham rẻ hay hám lợi.
Tiểu Di – Mỹ Dung
Bình luận (0)